Bị tai nạn sau một lần đi biển khiến hai chân bị liệt, chàng thanh niên tưởng cuộc đời mình sẽ vĩnh viễn phải nằm một chỗ. Nhưng rồi anh quyết định huấn luyện chó để chúng trở thành đôi chân của mình bằng một bí quyết rất đơn giản.
Ngoi lên từ đáy biển sâu rồi “ủ mưu”… tự tử
Bùi Văn Huệ sinh ra trong một gia đình có 12 anh em ở Đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bố Huệ lấy vợ, sinh được 1 người con trai. Ít lâu sau, vợ chết, ông tái giá với mẹ của Huệ. Bà đẻ được 11 người con.
Hiện nay ông cụ hơn 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Tề (mẹ Huệ) cũng 78 tuổi. Tất cả 12 anh chị em, 2 người đã chết, số còn lại đều được “dựng vợ gả chồng” ra ở riêng. Họ chẳng giàu có gì, nên sau khi Huệ đi lặn biển bị tai nạn, chỉ có mình cậu ở lại với bố mẹ già. Đúng ra, 10 năm qua, bố mẹ già nai lưng ra cày cuốc, trồng tỏi, hành và rau cỏ đem bán, nuôi đứa con út tàn tật là Bùi Văn Huệ.
Huệ bảo: “Em đi biển, xông pha đi đánh bắt từ năm 14 tuổi. Em yêu biển và tự tin vào tài bơi lội của mình lắm. Em kiếm tiền, xây nhà cho bố mẹ, dự định lấy vợ rồi sống ở ven mép nước này suốt đời. Cách đây 10 năm, bấy giờ em 27 tuổi, em cùng nhóm bạn đi suốt 3 ngày đêm mới ra tới ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt cá.
Bọn em lặn xuống đáy biển để đâm cá, bắt hải sâm. Lúc ấy có con hải sâm trị giá bằng cả chỉ vàng. Vừa làm nhà xong còn đang thiếu thốn, lại sắp lấy vợ cần chi nhiều, nên em lặn càng ham. Em lặn sâu chỉ 35-40m thôi, lặn có máy xục khí, có dây thò lên mặt nước để có sự cố gì thì giật dây cho bạn hàng khơi kéo lên.
Hôm ấy, em cùng nhiều người nữa xuống biển. Tự dưng em thấy không thở được, người mệt như sắp chết đến nơi, không biết điều gì đang diễn ra, em cố sức giật dây và ngoi lên mặt nước. Em buộc phải ngoi lên, dù biết lên vội vàng thế thì mình sẽ mắc bệnh giảm áp, tức là từ đáy biển sâu đột ngột trồi lên, áp suất sẽ thay đổi, có thể khiến người ta hộc máu mồm, máu mũi, máu tai và mắt lồi ra khỏi tròng hốc. Lên đến nơi thì em lịm đi, không biết gì nữa. Tàu đi gần hai ngày mới cập bến.
Em tỉnh dậy mới biết mình ở bệnh viện, hai chân không thể nào cử động. Còn miệng vẫn nói, tay vẫn làm việc bình thường. Gia đình vay tiền, đưa em đi chữa ở khắp Đà Nẵng, Phan Thiết, Hải Phòng, TP. HCM đúng 1 năm trời. Em sống sót, nhưng từ hôm đó thì liệt. Món nợ khổng lồ để trị bệnh, 10 năm qua vẫn chưa trả hết. Người yêu hẹn ngày về cưới xin đàng hoàng thế, vậy mà em mất tất, mất cả hai chân. Em càng tuyệt vọng!.
Em đã có ý định tự tử, bởi mình còn gì để mất mát thêm nữa. Nhưng em nhìn bố mẹ già cô quạnh trong căn nhà em mới xây cho. Mẹ đêm nào cũng khóc khi em vừa thiu thiu ngủ, mẹ mắt mờ chân chậm mà vẫn ngồi bóp chân cho em. Rồi bạn đi biển họ tốt lắm, em đi viện là họ khênh ra tàu để vào đất liền, họ góp tiền cho em thuốc thang. Vì lòng tốt của mọi người, em bảo mình phải sống”.
Trở thành “tấm gương nghị lực” từ cỗ xe hai con chó kéo
Huệ là chàng trai miền biển ít học, nhưng sắc sảo, ưa khám phá, lại đa sầu đa cảm. Nhiều cô gái mê mẩn Huệ cho đến khi tai nạn xảy đến. Buồn bã lết sang nhà hàng xóm xem tivi, lết về để bố mẹ già phục vụ cơm bưng nước rót, thậm chí cả chuyện vệ sinh thân thể, Huệ buồn, rồi chợt nghĩ: “Sao mình không đi xe lăn. Phải di chuyển để còn làm ăn, còn giao lưu để thoát khỏi cảnh nằm liệt chứ”.
Những lúc buồn, Huệ nhờ bạn chài cõng ra bờ biển cho khuây khỏa. Huệ lết dọc bờ biển, khi ngoái lại nhà thì thấy hai con chó cứ đi theo chủ lẵng nhẵng. Đêm ấy, Huệ quyết định tổ chức huấn luyện hai con chó mà sau này tên là Phô và Nô. Huệ bảo chúng nằm, bảo chúng ngồi, bảo chúng đi, bảo chúng dừng lại. Huệ dùng thức ăn, dùng lời lẽ ngọt ngào rủ rỉ, lại dùng cả roi vọt mắng mỏ nữa, dần dà hai con chó tuân theo hiệu lệnh răm rắp.
Ngoài những chuyến đi đặc biệt, còn phục vụ ông chủ quanh Đảo Bé, ra cầu cảng, độ 6-7km thì hai con chó đi lại đều đặn suốt mấy nghìn ngày qua, chả cần phải “ra lệnh” điều khiển gì cả. Huệ gọi đó là “tuyến đường truyền thống”.
Một hôm, có các nhà từ thiện đến trao tặng xe lăn cho Huệ. Huệ liền ngồi lên xe lăn, đẩy nó đi ra cửa, rồi nhờ bố lấy sắt, thép, dây vải cuốn quanh dây sắt cho khỏi đau đớn rụng lông vai hai con chó yêu, sau đó khoác cái “vạy” sắt vào lưng chó, buộc hai cái dây vào thành xe. Huệ huấn luyện chó, lần nào cũng ầm ĩ người thét, chó sủa, có cả xóm, cả xã ra xem. Họ thán phục vỗ tay, họ cười như nắc nẻ mỗi lúc lũ chó không nghe lời lại còn đứng giữa đường ngẩn tò te… đái tồ tồ.
Huệ chia sẻ: “Lúc đầu con chó cũng khôn, nhưng chỉ gọi nó là chó thôi. Em thử gọi nó bao nhiêu cái tên, nó chả thèm nghe, cứ lơ tơ bơ, cứ bỏ đi tìm chó… cái. Em dùng bao nhiêu thời gian tâm sự với nó, nói cả chuyện mình tàn tật định tự tử, đến lúc em gọi nó là Phô, tự dưng nó thích cái tên ấy. Nói gì cũng nghe. Lựa mãi, con còn lại gọi là Nô. Nó cũng thích. Sau này em huấn luyện thành công, nhiều người từ Hà Nội, từ nước ngoài về tìm hiểu, họ tưởng em đặt tên chó mang ý nghĩa gì, chứ thật ra chả có mục đích gì cả. Tự lũ chó chọn tên cho nó đấy chứ”.
Từ bấy, bà con quen với cảnh Huệ hò hét đàn chó inh tai nhức óc, hoặc có lúc chủ tớ hòa thuận, mỗi ngày Huệ đều được chó kéo xe ra biển ngắm bình minh rồi lại ngắm hoàng hôn.
Huệ bảo: “Nhiều người cứ tưởng em có dây cương như điều khiển ngựa, hoặc tưởng em có hiệu lệnh gì đặc biệt. Đơn giản lắm, chó nó khỏe, đi mãi không mệt đâu. Nó vừa đi vừa ngoái lại nhìn em, bao giờ thấy tay em lái xe lăn sang phải hoặc sang trái thì nó sẽ hiểu và đi tiếp. Mà đến ngã ba nó mới ngoái lại hỏi thôi, chứ bình thường, cứ bên phải nó đi, rất nề nếp!”.
Huệ tâm sự: “Từ ngày có lũ chó làm bạn, em thấy lạc quan hơn hẳn. Em tính kế làm ăn giúp bố mẹ già và đã thành công”. Lãnh đạo xã An Bình còn coi Huệ như tấm hương vượt lên hoàn cảnh, làm kinh tế thành công cho giới trẻ noi theo.
Thế nhưng, Huệ lại thở dài: “Em đang buồn đây, em giờ sống bằng tiền đan lưới, vá lưới thuê cho bà con, nhưng công việc phập phù. Em nổi tiếng cả huyện, cả tỉnh này nhờ nghề nuôi cua dẹt (còn gọi là cua tím, cua núi). Cua này em cho ăn rong biển và các loại rau trên đảo nên thịt ngon, bán ra thị trường 250 nghìn đồng/kg. Có lúc chuồng cua của em kê bằng đá núi lửa nhiều hốc, rộng tới 300m2, em bán cả tạ, khách hàng thích lắm.
Vậy mà gần đây, mưa nhiều, thời tiết chuyển biến rất lạ, cua chết hết. Lại buồn hơn nữa là hai con chó Phô và Nô đã già rồi. Nó phục vụ em đã 10 năm, giờ có con rụng lông, con kia thì lung lay răng. Loài chó tuổi thọ ngắn. Nó ra đi, em buồn lắm, lại phải huấn luyện con chó khác để làm bạn và kéo xe phục vụ mình thôi”.
Nói rồi, Huệ lớn tiếng gọi con chó con đang kỳ huấn luyện về. “Vì có hai con này làm mẫu rồi, chúng nó đoàn kết bảo ban nhau lắm, nên đợt này cũng dễ hơn kỳ huấn luyện trước. Sẽ có cả đàn chó phục vụ em thôi, nhưng chia tay hai người bạn già này, lưu luyến lắm. Em sẽ chăm sóc Phô và Nô đến hơi thở cuối cùng của chúng. Sẽ có lễ tang dành cho những người bạn này”, Huệ cho hay.
Theo tamsugiadinh