“Tôi uống chừng 1 tuần như vậy thì thấy trong mình khác khác. Những cơn đau ở phổi dịu đi nhiều, mỗi khi chiều tối không còn cảm giác mệt mỏi, sốt nữa. Lúc đó, tôi mới tin là cây bình bát thực sự có hiệu quả với bệnh lao phổi của mình”, chị Nhung cho biết.
Khúc cây bình bát làm dịu cơn đau do lao phổi
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, tươi tỉnh của chị Cao Thị Thùy Nhung (42 tuổi, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), không ai nghĩ gần 2 năm trước, chị đã mang bệnh nặng trong người. Giờ đây, với công việc buôn bán ở chợ Nhà Bàng, chiều về nhà lại chế biến thực phẩm chay để sáng hôm sau kịp giao hàng, chị Nhung vẫn đủ sức khỏe để đảm đương công việc.
Chị Nhung cho biết, năm 2014, chị cảm thấy đau ở lưng và vùng dưới vai. Nhất là mỗi khi chiều về, những cơn đau lại nhiều hơn và mỗi ngày mỗi nặng hơn.
“Lúc đó, tôi vừa đau vừa hay bị sốt nhẹ, ho, đau họng nên ra tiệm thuốc Tây mua thuốc uống. Tôi uống liền mấy ngày, các triệu chứng trên hết nhưng rồi phát lại. Thấy không ổn, tôi đến bệnh viện để khám bệnh”, chị Nhung kể.
Các bác sĩ cho biết chị viêm phổi nặng do lao phổi. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi cũng không hiểu vì sao mình mang bệnh nặng như vậy. Trước đó tôi làm nghề bảo mẫu, công việc cũng không có gì vất vả. Sức khỏe tôi vốn rất tốt, ít khi bệnh vặt. Lúc biết mình bị viêm phổi, tôi buồn và hoang mang lắm”.
Xác định rõ căn bệnh, chị Nhung được bác sĩ cho phác đồ điều trị trong 8 tháng. Chị Nhung về nhà vừa uống thuốc, chích thuốc, vừa theo dõi định kỳ.
Trong thời gian điều trị này, chị ngày càng xanh xao, ốm yếu. Những cơn đau hàng ngày vẫn ám ảnh chị. Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh tình của chị nghiêm trọng hơn. Điều trị Tây y nhiều tháng liền mà không có kết quả, chị Nhung và gia đình không khỏi chán nản.
Rồi một người bạn cũ của chồng chị Nhung, vốn là một chuyên gia Đông y, qua hỏi thăm sức khỏe của chị, biết chị mắc bệnh về phổi, ông nói chị ghé nhà lấy thuốc về uống. Lúc đó, chị Nhung đã điều trị gần được 5 tháng theo phác đồ Tây y.
Chị và chồng bàn nhau để điều trị hết lộ trình 8 tháng, xem kết quả thế nào mới lấy thuốc Nam về uống. Tuy nhiên người bạn này bảo vừa uống thuốc Tây vừa uống thuốc Nam không có ảnh hưởng gì, miễn là phân chia hợp lý.
“Tôi đến nhà người bạn này của chồng lấy thuốc về uống nhưng không nhận được thang thuốc nào cả mà được cho một khúc cây lớn bằng bắp chân. Người bạn này nói đó là cây bình bát, đem về chặt lát phơi khô rồi nấu nước uống, không cần phải thêm thuốc thang gì nữa hết. Tôi ôm khúc cây về nhà mà lòng cứ ngờ ngợ”, chị Nhung cho biết.
Được sự động viên của chồng, chị Nhung cũng làm theo lời dặn dò của thầy thuốc Đông y. Nhưng vì công việc quá bận rộn, chị không thể uống thuốc đều đặn trong ngày. Mỗi ngày, sau giờ làm chị Nhung lấy một nắm bình bát đã phơi khô cho vào siêu thuốc, đổ 3 chén nước.
Sau khi nấu còn 1 chén, rồi chị chắt ra uống. Mỗi ngày vào buổi chiều, tối chị uống 2 chén. 2 ngày cuối tuần, chị uống đều 3 buổi sáng, trưa, chiều.
Chị Nhung kể: “Tôi uống chừng 1 tuần như vậy thì thấy trong mình khác khác. Những cơn đau ở phổi dịu đi nhiều, mỗi khi chiều tối không còn cảm giác mệt mỏi, sốt nữa. Lúc đó, tôi mới tin là cây bình bát thực sự có hiệu quả. Ban đầu thầy thuốc dặn tôi nấu cây bình bát như nước trà và uống trong ngày, nhưng bận rộn tôi không có thời gian làm. Sau này thấy có hiệu quả, tôi uống đều đặn hơn”.
Uống hết khúc cây bình bát đó, chị Nhung và chồng tiếp tục đi tìm những cây khác mọc bên bờ ruộng để sử dụng. Nhiều người thấy chị Nhung chặt cây bình bát liền tò mò hỏi, chị Nhung tận tình chỉ bảo. Nhiều người thử uống và bệnh tình cũng thuyên giảm. Hết liệu trình 8 tháng, căn bệnh viêm phổi của chị Nhung đã thuyên giảm 7, 8 phần.
Anh Dũng (chồng chị Nhung) vui vẻ kể: “Vợ tôi đi siêu âm, phổi không còn bị trắng nữa mà đỏ đậm trở lại. Bác sĩ cũng thông báo quá trình điều trị đã thành công. Vợ chồng tôi không dám nhắc gì đến việc uống cây bình bát cả, nhưng sau đó vợ tôi còn tiếp tục uống cây bình bát thêm nhiều tháng nữa, lúc thấy khỏe hẳn mới ngưng”.
Đến nay, chị Nhung gần như đã bình phục hoàn toàn. Nhớ lại những ngày còn bệnh, chị Nhung vui vẻ tâm sự: “Lúc còn uống cây bình bát, tôi đi đâu cũng để ý loại cây này. Chồng tôi cũng vậy, đi đâu gặp bình bát cũng xin về một ôm như ôm củi vậy. Tôi chặt ra phơi khô để dành dùng dần, có người tới xin, tôi cũng cho. Họ uống rồi và cũng có kết quả lắm”.
Hiệu quả hơn khi kết hợp bình bát và các vị thuốc khác
Một người phụ nữ khác cũng bình phục bệnh viêm phổi thần kỳ nhờ cây bình bát là bà Huỳnh Thị Thỉ (47 tuổi, ngụ thị trấn Nhà Bàng). Giữa năm 2015, bà Thỉ thường xuyên bị đau ở vùng phía sau lưng (vùng phổi – PV).
Nhất là những lúc đi mưa hay nhiễm lạnh, những cơn đau của bà Thỉ sẽ nghiêm trọng hơn. Bà Thỉ đến một bệnh viện trên TP. Long Xuyên khám bệnh. Sau khi làm các kiểm tra, bác sĩ cho biết bà Thỉ bị lao.
“Lúc đó tôi không tin mình bị lao vì tôi không bị ho nên tới 2 bệnh viện khác nữa để khám. Bác sĩ bảo phổi tôi bị nám, rồi cho thuốc uống. Tôi cũng yên tâm về nhà uống thuốc. Thế nhưng thuốc chỉ cắt những cơn đau tạm thời. Hết thuốc, tôi lại đau trở lại. Uống hết một tuần thuốc thì tôi đi tìm thuốc Nam uống thử”, bà Thỉ kể.
Vợ chồng bà Thỉ đến thị trấn Nhà Bàng làm ăn đã được 7 năm. Họ mở dịch vụ trò chơi, giải trí cho trẻ em vào buổi tối. Ban ngày, 2 vợ chồng đi bán đồ chơi ở các cổng trường tiểu học, chiều tối mở cửa khu vui chơi trẻ em.
Công việc tương đối vất vả nên bệnh tình của bà Thỉ lại càng khó bình phục. Một lần bà Thỉ tâm sự về bệnh tình của mình với một người khách thường chở con đến khu vui chơi trẻ em, vốn là 1 thầy thuốc Đông y có tiếng ở địa phương. Người này đã nói bà Thỉ đến nhà mình lấy thuốc về uống.
Bà Thỉ phấn khởi kể: “Chỉ gần chục thang thuốc đầu, tôi đã dứt những cơn đau. Tôi không ngờ những thang thuốc đó lại hiệu nghiệm như vậy. Tôi uống đều đặn mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 cữ sáng, trưa, tối. Chỉ là những vị thuốc dân dã đơn giản mà bệnh tình của tôi dứt hẳn”.
Sau khi thoát khỏi những cơn đau hành hạ, bà Thỉ vẫn tiếp tục uống thêm một thời gian nữa mới dừng. Tìm hiểu rõ hơn những thang thuốc này, chúng tôi được biết phương thuốc chủ đạo trong đó gồm cây bình bát, rau bồ ngót, cam thảo đất, hà thủ ô trắng…
Ngoài ra còn nhiều vị thuốc khác được gia giảm tùy theo tình trạng của người bệnh. Với bài thuốc trên, bà Thỉ đã hoàn toàn “cải tạo” lá phổi của mình. Giờ bà đã yên tâm làm việc, sống vui vẻ. Từ thực tế bản thân trải qua, bà Thỉ còn giúp đỡ nhiều người mắc bệnh về phổi biết phương pháp chữa trị bằng thuốc Nam vô cùng hiệu quả mà lại rất ít tốn kém.
Công dụng của cây bình bát
Cây bình bát là một loại cây mọc khá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, thường bắt gặp ven đường, bờ ruộng, mé kênh hay bờ sông… Trái bình bát có nhiều vitamin A, C, B6…
Trong dân gian, trái bình bát chữa được chứng khí hư ở phụ nữ, thiếu máu. Hột của trái bình bát được giã nhỏ nấu nước để gội đầu (không được để bắn vào mắt).
Hột bình bát còn được đốt thành tro, trộn với dầu dừa để trị ghẻ lở rất hiệu quả. Tuy nhiên sử dụng bất cứ bộ phận nào của cây bình bát nên có sự tư vấn của những chuyên gia Đông y.
Trong trường hợp của chị Nhung, bà Thỉ sử dụng cây bình bát để trị bệnh về phổi thì thực hiện như sau: Thân, nhánh của cây bình bát được chặt lát nhỏ, phơi nắng thật khô rồi bảo quản nơi khô ráo để dùng dần. Khi sử dụng, chỉ dùng một nắm cho vào ấm nước đun lên. Nước nấu từ thân bình bát có màu đỏ, không mùi, vị không gắt, là thức uống giải nhiệt rất tốt.
Lương y Nguyễn Thiện Chung (An Giang) lưu ý với những người đang điều trị các chứng bệnh như lao hay các bệnh liên quan đến phổi: Đối với người hút thuốc lá phải ngưng ngay hoặc giảm đến mức tối đa. Không được ăn chuối xiêm (chuối tây), nước cốt dừa, thịt mỡ… đây là những loại thực phẩm dễ sinh đờm.
Ngoài ra không được dầm mưa, để bị nhiễm lạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị bệnh. Để cắt những cơn ho kéo dài có thể dùng 2, 3 lá sò huyết, hay còn gọi là lá lẻ bạn để nấu nước uống, hoặc ăn khóm (dứa) nướng rồi phơi sương cũng là cách để cắt những cơn ho liên tục.