Có mẹ nói “dạy con khó lắm phải đâu chuyện đùa”. Vì dạy con không phải là cho con ngồi vào ghế và nói “con không được làm điều đó, con phải làm điều kia”. Vì thực tế trẻ con đã học, đã tiếp thu vào đầu những thứ nhìn thấy và tiếp xúc hằng ngày, và chính người lớn trong gia đình là người mà trẻ lấy làm gương trước tiên.
Em có chị bạn, con trai chị đang học cấp 1, nhưng đã ra chiều hiểu biết rồi, nhiều khi còn nắn cả bố mẹ. Bữa kia chị kể, một hôm khi đưa hai con đi dạo, ngang một đoạn đường vắng chỉ toàn cây với cây, chị đang nhai kẹo cao su và kiếm một thùng rác để bỏ nhưng chị chạy một đoạn khá dài mà không thấy. Chị liền cho xe vào lề đường có bụi rậm và vứt kẹo cao su vào rồi thong thả đi tiếp. Con trai lớn của chị liền lên tiếng:
“Mẹ, mẹ ơi! Mẹ không biết bỏ rác hả mẹ?”, chị hoàn toàn bất ngờ nên không trả lời. Ngay lúc đó con trai chị nói tiếp: “Mẹ phải bỏ rác vào thùng rác chứ, chưa tìm ra thì mẹ chờ một chút, con thấy thùng rác con sẽ chỉ cho mẹ. Mẹ bỏ vậy mấy cây xanh chết hết thì sao?”. Chị bảo nghe con trai nói chị hoàn toàn bất ngờ với suy nghĩ thật đúng đắn, và chững chạc như người lớn của con, chị liền trả lời:
“Ừ, mẹ xin lỗi con, mẹ biết rồi, mẹ sẽ không bao giờ làm vậy nữa”.
Chị bảo thường ngày chị thường dạy hai con bỏ rác vào thùng, thu xếp đồ chơi cho ngăn nắp, sạch sẽ và hôm nay chị thấy thật xấu hổ.
Em có anh đồng nghiệp, tính tình cũng hài hước lắm, bữa kia vào công ty, nghe ảnh kể chuyện mà cả team em cười lăn cười bò luôn. Anh kể, một hôm đi làm về, anh thấy vợ đang cho đứa con trai nhỏ bú mà nhóc cứ e e, anh vào nựng con và buột miệng anh nói: “Con trai cưng của ba bú ngoan nha, không lo bú thì ba bú mất đó nha”. Cô con gái 3 tuổi đang ngồi chơi gần đó liền lên tiếng: “Ba một dzú, em một dzú chứ sao lại giành?”. Anh bảo nghe xong vợ chồng anh chỉ biết nhìn nhau im lặng mà không nói lời nào, từ đó anh không dám vô ý nói giỡn trước mặt con gái nữa.
Còn chị họ bên chồng của em thì chia sẻ câu chuyện hoàn toàn khác, chị cho rằng cứ không phải ba mẹ, người lớn trong gia đình làm gương là đủ, mà trẻ còn tiếp xúc với nhiều thứ xung quanh nữa, và nhiều khi chị bất lực không biết dạy con như thế nào cho đúng. Chị kể có lần đưa con đi lễ hội chơi trò chơi, người quản trò bảo sau khi đếm 1, 2, 3 bạn nào giơ tay lên trước sẽ được mời lên tham gia trò chơi, thế mà các phụ huynh cứ đẩy con mình lên sân khấu, kết quả là bạn nào giơ tay thì cứ mặc, bạn nào nhào lên sân khấu trước thì được quản trò mời chơi. Con trai chị liền hỏi: “Mẹ ơi, sao con giơ tay nhanh mà con không được mời?”. Rồi tiếp, anh chàng MC bảo là sau bài hát cuối cùng sẽ mời các em tham gia phá cỗ trung thu. Thế mà mặc cho các bạn đứng hát, mấy em nhỏ cứ nhào lên làm rối cả sân khấu, MC cũng không làm gì được, phụ huynh thì coi đó là niềm vui, con lấy được gì thì xem như chiến công tranh giành được. Lúc đó con trai chị nói: “Sao mấy bạn đó kì vậy mẹ? Sao không chờ bạn kia hát xong, các bạn lấy hết bánh rồi, sao con lấy được gì cho em con nữa?”.
Bởi thế các bậc cha mẹ trước hết nên làm gương cho con mình và có những hành vi, lời nói chuẩn mực, không những khi giao tiếp trong nhà mà cả khi ra ngoài, để con được dạy dỗ một cách đồng nhất, không có bất kì mâu thuẫn nào giữa lời nói và hành vi. Nếu không con sẽ hiểu theo cách của chúng, rằng có thể nói khác với làm, ở nhà khác với nơi công cộng, dần dần hình thành tính cách không tốt ở con đâu nha mẹ.
Và dạy con ngoan không chỉ là trách nhiệm của người mẹ, mà còn là nghĩa vụ của cha, đừng để phụ nữ một mình gánh vác việc này! Để sau này các anh chồng không phải thốt lên “con hư tại mẹ”! Chúc các mẹ nuôi dạy con thật tốt, bé ngoan và vui khỏe nhé!
Nguồn webtretho