Đôi khi, chỉ là một câu nói vô tình hay câu cửa miệng bố mẹ quen nói hàng ngày cũng khiến trẻ tổn thương và dẫn đến kết quả tiêu cực.
Trẻ em từ 5 tuổi trở đi đã bắt đầu có nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới xung quanh. Vì thế những lời cha mẹ nói thực sự có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Cho nên bố mẹ khi giao tiếp với con mình hãy cẩn thận trong việc chọn lời để nói. Sau đây là vài kiểu nói mà họ không bao giờ nên để con mình nghe được.
“Con rất là…”
Nhiều phụ huynh hay có kiểu nhận xét tính xấu của con mình ngay trước mặt người khác như “Bác thông cảm, con này nhà em nó nhát lắm.”, “Thằng này có mà giời dạy.” hay đay nghiến con “Sao con ích kỉ thế?”. Trẻ nhỏ tin tất cả những gì chúng nghe là đúng, kể cả đó là những gì nói về chúng. Tất cả những cái “mác” mà cha mẹ gắn cho chúng như “nhút nhát”, “thông minh”, “điệu” sẽ vô tình áp đặt cho trẻ quan niệm rằng “Mình đúng là như thế. Bản chất của mình là như thế, không thể thay đổi được.”
Một biện pháp tốt hơn là chỉ ra hành vi cụ thể của con và bỏ đi những tính từ chỉ tính cách bé. Ví dụ, không nên nói “Con rất là ích kỉ.” mà nói “Em Tôm rất buồn vì con không cho em chơi chung đồ chơi của con. Làm thế nào bây giờ nhỉ?
“Khi ở tuổi con, bố/mẹ học giỏi hơn nhiều”
Từ khi sinh ra đến khi được 6 tuổi, cha và mẹ đối với những đứa trẻ gần như là các vị thần, những người biết tất cả mọi thứ. Họ là người tạo nên thái độ của đứa trẻ với thế giới và với cá nhân mình. Câu nói này có thể phản ánh sự đua tranh của cha mẹ với con, dường như bạn nói với con: “Con chẳng bao giờ bằng bố/mẹ! Dù con có cố gắng thế nào, bố/mẹ cũng sẽ giỏi hơn con”. Trẻ em lớn lên với ám ảnh này, theo như quy luật, suốt đời sẽ phải cố gắng chứng minh rằng chúng giỏi.
Tất nhiên, khi nói những câu như thế, bạn thực sự chỉ muốn kích thích sự tự ái trong tâm lý của trẻ, để cổ vũ chúng đạt được mục tiêu nào đó. Nhưng tai họa là ở chỗ cuối cùng đứa trẻ sẽ cố gắng làm gì đó không phải cho mình mà cho bố và mẹ, để họ cuối cùng nhìn thấy rằng nó xứng đáng với họ. Lớn lên, những đứa trẻ này không bao giờ hạnh phúc với thành công của mình, niềm vui chỉ đến khi cha mẹ công nhận thành tích của chúng, nhưng điều đó sẽ luôn luôn rất khó khăn.
“Mẹ đang bận”
Đương nhiên, không có bố mẹ nào mà không có lúc bận rộn và cần những phút giây yên tĩnh. Tuy nhiên, khi bạn cứ thường xuyên nói với con những câu như “Đừng làm phiền mẹ.”, “Mẹ đang bận.” , chúng sẽ tự động hiểu thông điệp đó có nghĩa là nói chuyện với bạn chỉ vô ích bởi bạn luôn “phũ phàng” với con. Nếu mẹ cứ tiếp tục lặp đi lặp lại những cụm từ đó hàng ngày khi con còn nhỏ, trẻ sẽ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với mẹ khi lớn lên.
Thay vì thế, mẹ hãy chia sẻ với trẻ lí do vì sao mẹ bận và yêu cầu con tạm thời yên tĩnh một lúc: “Mẹ còn phải làm nốt việc này nữa. Con ngoan ngồi vẽ tranh một lát nhé. Rồi tí nữa mẹ con mình đi chơi sau.”
“Nào, để mẹ làm cho”
Có thể đơn giản bạn chỉ muốn giúp con giải quyết một số thứ nhưng nếu bạn cứ làm hộ như vậy thì con bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tự làm được điều gì hay giải quyết được những vấn đề đơn giản nhất của bản thân.
Con là khỉ con bé bỏng, heo con bé bỏng …. của bố mẹ
Ngay khi cha mẹ bắt đầu nói với con trẻ những lời như thế này, họ đã khiến con mình “không còn là người”. Họ biến trẻ thành một vật thể, một thứ đồ chơi mà họ có thể tuỳ ý làm bất cứ điều gì họ muốn. Ở giai đoạn khởi đầu cuộc đời, con trai hay con gái bạn sẽ hiểu theo nghĩa đen và hoàn toàn tích cực mọi điều mà bạn nói với trẻ. Ngay cả khi bạn nói điều gì đó xấu xí, chúng sẽ vẫn nhắc lại điều đó một cách thích thú nếu nghe thấy nhiều lần. Do đó, bạn nên cẩn trọng khi trò chuyện với con.
Sẽ tốt hơn rất rất nhiều nếu bạn luôn dùng tên thật của con hơn là một cái tên thân mật kiểu ngộ nghĩnh, đáng yêu.
“Đừng khóc nữa”
Trẻ con thường thể hiện cảm xúc của mình một cách rất tự nhiên. Vì thế, hãy nói với con bạn những giọt nước mắt không có nghĩa là sự yếu đuối hoặc một chuyện gì không tốt xảy ra mà đôi khi chỉ là những cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người.
“Con xem đấy, bạn… được 10 điểm cho bài kiểm tra này mà con chỉ có 8”
Hầu hết các bậc cha mẹ đều làm vậy với những ý định tốt. Chính họ, suốt thời thơ ấu của mình có thể cũng nghe những câu như vậy, và bây giờ họ nói: “Có gì đâu, người ta cũng nói như vậy với tôi, nhưng tôi lớn lên, và hãy nhìn xem tôi có sao đâu”. Họ đã có thể “quên” rằng trẻ sẽ rất đau khi cha hoặc mẹ chê bai và nói thẳng vào mặt: “Bạn…giỏi hơn con”.
Đây là một trải nghiệm rất đau đớn mà những trẻ em thường mang theo cả khi đã trưởng thành. Bên cạnh đó, con bạn sẽ bắt đầu ghét người bạn đó. Những đứa trẻ thường bực bội khi bị so sánh với người khác – với một người bạn cùng lớp, với anh chị em. Những đứa trẻ này khi trưởng thành luôn luôn tiếp tục so sánh mình với người khác, và điều đó không phải lúc nào cũng có ích.
Đừng để bố mẹ xấu hổ vì con
Những đứa trẻ bất hạnh khi phải thường xuyên nghe câu nói này từ cha mẹ sẽ nảy sinh khao khát mãnh liệt được liên tục chứng tỏ cho người khác thấy điều mà chúng nghĩ là thực, con người của chúng là tốt. Và khi trẻ đón nhận được sự chú ý tích cực mà mình khao khát, chúng lại không biết phải ứng xử thế nào. Chúng có thể bỏ chạy và tìm chỗ trốn. Chúng có thể nổi khùng. Những đứa trẻ rơi vào tình cảnh này cảm thấy chúng không thực sự có được lựa chọn nào trong đời – chúng sẽ luôn là người mà cha mẹ cảm thấy xấu hổ.
“Tại sao con không giống như anh chị con nhỉ?”
Không có điều gì khiến trẻ cảm thấy tồi tệ hơn khi chúng bị so sánh không tốt bằng anh chị em hoặc bạn bè. Thay vì nói với con những lời như vậy, bạn nên giúp con khám phá những điểm mạnh riêng có của bản thân con.
“Nếu con cư xử như thế, bố/mẹ sẽ không yêu con nữa”
Hoặc “Mẹ chỉ yêu con khi con làm mẹ vui”. Sau câu này, đứa trẻ bắt đầu cố gắng hết mình để làm như bạn muốn, bỏ qua tất cả các nhu cầu và mong muốn của mình, “phát triển” một loại ăng-ten dùng để đoán những mong muốn và kỳ vọng của cha mẹ. Kết quả là đứa trẻ không còn tồn tại. Khi lớn lên, nó sẽ luôn cố gắng để làm hài lòng ai đó, sống với nguyên tắc “Tôi muốn được yêu thương, và để có điều này tôi phải làm họ hài lòng. Tôi sẽ không có ham muốn của mình, mà chỉ có mong muốn của người khác.”
“Đợi bố về nhà bố sẽ cho con một trận”
Có hai điều sai lầm khi bạn nói những điều này với con. Thứ nhất, con bạn sẽ hiểu rằng chúng sẽ không bị phạt ngay lập tức và vì vậy chúng có thể cư xử tồi tệ hơn. Thứ hai, điều này chứng tỏ bạn không thể kiểm soát tình hình và giải quyết vấn đề hiện tại.
“Không có gì phải sợ cả”
Khi bạn nói vậy thì sự thật là con bạn đang sợ hãi vẫn chẳng hề thay đổi. Thay vì chỉ nói con không cần sợ điều gì thì bạn hãy trò chuyện với con để hiểu về nỗi sợ của chúng và giúp chúng vượt qua nỗi sợ ấy.
“Nếu con cư xử không ngoan, mẹ sẽ mang con cho người khác đấy”!
Đây là một thông điệp rất cụ thể nói rằng một đứa trẻ chỉ có giá trị khi nó vâng lời cha mẹ. Cha mẹ khiến trẻ nghĩ: “Đừng là chính mình, con phải là người mà chúng ta muốn”. Khi lớn lên, những đứa trẻ này mình muốn gì, và cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người.