Mới vừa xong chế độ thai sản được 6 tháng, đi làm được có 2 tuần em phải nghĩ việc ở nhà chăm con. Bé con em mới 6 tháng biết gì đâu mà phải chịu đau đớn như vậy. Em ước gì em có thể chịu đau thay con.
Các chị ơi, con gái em chỉ mới có 6 tháng tuổi phải cắt bỏ 1 buồng trứng, vì đã bị hoại tử, thâm đen. Em không biết sau này lớn lên con em sẽ như thế nào, có ai dám cưới nó không. Phụ nữ mà không có buồng trứng coi như chết nửa cuộc đời.
Khi em kể câu chuyện này cách đây cũng vài tháng rồi, em cứ bị ám ảnh mãi. Đêm không ngủ được vì hình ảnh con bé bỏng đau đớn cứ hiện lên trong đầu. Em xin phép viết lên đây để nguôi ngoai phần nào ạ.
Trước khi phát bệnh khoảng 3 hôm con gái em lúc đó được 6 tháng 2 tuần có biểu hiện ho, em có đưa bé đến bệnh viện đa khoa tỉnh khám và được cho thuốc về uống. 1 tuần sau con vẫn không khỏi, ngược lại càng ngày ho càng nặng hơn, quấy khóc nhiều hơn, thỉnh thoảng có những cơn khóc thét.
1 ngày sau em nhớ khoảng 7,8 tháng 6 gì đó, trong lúc lau người cho con, em phát hiện có khối sưng cứng ở bên bẹn nên tức tốc bàn với chồng sáng mai bắt chuyến xe sớm lên bệnh viện nhi đồng khám. Tại đây con được chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt và được chỉ định mổ cấp cứu.
Chắc hẳn trong trường hợp này các chị sẽ giống như em. Nghe nói đến phải mổ gấp em muốn khuỵu không còn đứng vững nữa nhưng vẫn cố gắng hết sức ký vào bản cam kết mổ cho con.
Các chị biết không, từng giây từng phút con trong phòng mổ ngoài này trái tim em cũng tan nát rã rời, em hết vái ông bà, đến cầu trời khẩm phật cho con bình an.
Cuối cùng những giây phút đứng tim cũng trôi qua, khi bác sĩ mở cửa phòng mổ, em chỉ còn biết chạy ào đến nắm tay bác sĩ hỏi: Làm ơn cho em biết con em thế nào đi ạ, có sống không bác sĩ?
Bác sĩ gở tay mình ra và 1 tay ông đặt lên vai em vỗ vỗ cho em yên tâm rồi ông mới từ từ nói:
Không sao, đã qua nguy hiểm, may mà gia đình đưa đi viện kịp, nếu không thì…
Bé bị thoát vị, xoắn buồng trứng, đã thâm đen hoại tử buộc phải cắt bỏ 1 bên.
Lúc đó em chỉ cần nghe thông tin con em không sao thôi là đủ chứ không cần biết thêm những thông tin gì.
Sau này khi còn xuất viện về nhà, rãnh rỗi em mới lên mạng tìm hiểu và được biết đây là một bệnh lý bẩm sinh, xảy ra khi có sự di chuyển của ruột, mạc nối hay buồng trứng vào trong ống bẹn. Nguyên nhân là ống thông từ ổ bụng xuống vùng bẹn – bìu ở con trai hay vùng bẹn – môi lớn ở con gái (ống phúc tinh mạc) không teo đi như bình thường mà vẫn tồn tại. Mỗi ngày bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 20-30 trẻ đến khám về bệnh do còn tồn tại ống phúc tinh mạc.
Thoát vị bẹn hay gặp ở các bé trai hơn các bé gái. Bệnh luôn đi kèm nguy cơ nghẹt, có thể dẫn tới hoại tử ruột hay buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ nguy cơ hoại tử nội tạng do nghẹt càng cao vì các gia đình ít có khả năng phát hiện bệnh sớm.
Giờ em mới biết trường hợp của con em có hai khả năng có thể xảy ra: Thứ nhất con bị thoát vị bẹn từ trước mà gia đình không biết. Thứ hai là sau khi sinh bé vẫn còn ống phúc tinh mạc, gặp lúc viêm phế quản, ho nhiều gây tăng áp lực ổ bụng, khiến buồng trứng tụt vào ống phúc tinh mạc xuống bẹn gây thoát vị bẹn.
Nghẹt khối thoát vị hoặc xoắn buồng trứng khiến trẻ rất đau đớn nhưng do chưa biết nói nên bé chỉ có biểu hiện duy nhất là quấy khóc, khó chịu không dỗ được. Nếu được phát hiện sớm, khi buồng trứng mới xoắn mà chưa hoại tử, bác sĩ có thể mổ tháo xoắn buồng trứng, tránh hậu quả đáng tiếc kể trên.
Thoát vị bẹn thường có các biểu hiện:
– Xuất hiện khối phồng tại vùng bẹn-bìu (bé trai) hay vùng môi lớn âm hộ (bé gái).
– Khối này to lên khi trẻ ho, khóc, rặn hay sau vận động mạnh; có thể xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên.
– Khối thoát vị có thể đau khiến trẻ quấy khóc nhưng cũng có thể không gây đau.
Thường khi thấy con quấy khóc, cha mẹ hiếm khi nghĩ tới thoát vị bẹn. Chỉ đến khi khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được và bị nghẹt, trẻ đau đớn khóc thét gia đình mới đưa con đến bệnh viện. Khi đó, rất có thể ruột hoặc buồng trứng đã bị hoại tử.
Theo như các thông tin bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ quấy khóc nhiều, không dỗ được, cha mẹ nên kiểm tra vùng bẹn hai bên của con:
– Nếu sờ thấy có khối to cứng, ấn vào khiến trẻ khóc thét thì cần đưa con đến khám cấp cứu tại các cơ sở có phẫu thuật nhi.
– Nếu khối u lớn ở bẹn, bẹn – bìu ở trẻ trai hay bẹn – môi ở trẻ gái nhưng không đau cũng cần nghĩ tới bệnh – tật do tồn tại ống phúc tinh mạc và đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật nhi.
Theo bác sĩ, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất cho thoát vị bẹn. Trẻ cần được mổ sớm, tránh để ruột hoặc buồng trứng sa xuống mà không trở lại ổ bụng được, dẫn tới nghẹt và hoại tử phải cắt bỏ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân mổ thoát vị bẹn thường nằm điều trị 2 ngày, vết mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao.
Theo webtretho