Trường hợp này là con của bạn em.
Thằng bé năm nay 3 tuổi, hay ốm yếu bệnh vặt nên cô ấy không cho con đi nhà trẻ giữ ở nhà vừa chăm con vừa buôn bán luôn cho tiện.
Cũng như nhiều bà mẹ khác, con khó ăn khó uống với lại buôn bán cũng đắt hàng nhưng không ai phụ nên cô ấy cho thằng bé làm “bạn” với điện thoại để rảnh tay rảnh chân cho công việc.
Lúc 6 tháng tuổi, hễ cứ mỗi cữ sữa, mỗi cữ ăn cô ấy lại mở điện thoại ra dụ con, mỗi lần khoảng nửa tiếng, trừ lúc ngủ.
Đến khi thằng bé biết bò, biết đi, biết phá phách đồ đạc trong nhà…. để dụ con ngồi yên cô ấy cũng lại dùng điện thoại, cứ cho con coi hết phim này đến phim khác đến khi nào mẹ hết bận mới tắt điện thoại.
Có hôm em đến nhà chơi và mua đồ, thấy thằng nhỏ cứ ôm cái điện thoại coi suốt không có ai nói chuyện cùng, chơi cùng mặt đờ đẫn vô hồn mà em sốt ruột luôn, em góp ý thì bạn bảo để bạn sắp xếp.
Chẳng biết cô ấy sắp xếp thế nào mà vừa rồi, sinh nhật 3 tuổi của thằng bé, em đến, trong lúc chơi đùa chụp hình thì phát hiện mắt bé có dấu hiệu bị lé (miền Bắc gọi là lác), 2 con ngươi dồn về một phía. Sợ mình nhìn sai, em hỏi nhiều người trong buổi tiệc của bé thì ai cũng xác nhận như vậy trong khi bé đẻ ra mắt rất khỏe, đẹp và không có dấu hiệu này. Vì em ở gần nhà bé đến khi 1 tuổi mới dọn đi nên em biết rõ điều này.
Khuyên bạn mang con đến bệnh viện mắt khám thì kết quả vầy: Bé bị lé mắt dù mẹ đẻ ra mắt hoàn toàn bình thường.
– Đây là nguyên nhân: Trẻ còn quá nhỏ, mắt chưa hoàn thiện nhưng mẹ lại cho tiếp xúc quá sớm, quá thường xuyên với điện thoại di động, mỗi lần tiếp xúc lại quá lâu, khoảng cách giữa mắt với điện thoại quá gần.
– Bác sĩ giải thích: Trẻ dưới 6 tuổi, đây là giai đoạn thị lực, nhãn cầu mắt phát triển tương đối nhanh đồng thời đại não, thị giác, thị lực đều chưa phát triển hoàn thiện. Nếu trẻ sử dụng mắt không phù hợp sẽ dễ gây ra lác mắt hay mắc các tật khúc xạ, dẫn tới suy giảm thị lực.
Hơn nữa, các hình ảnh trên tivi, máy tính, điện thoại… đều phát ra những tín hiệu lập lòe, chuyển động nhanh, tương phản màu sắc mạnh mẽ, gây kích thích mạnh cho mắt. Những tín hiệu xung này khiến mắt có phản xạ tương đối mạnh, như đồng tử biến đổi, điều tiết mắt thay đổi, đối với trẻ nhỏ có thần kinh phản xạ chưa hoàn chỉnh rất dễ xuất hiện sự thay đổi bất thường trong mắt
Nghe xong bạn em ôm con về khóc quá trời luôn, nhưng cũng may bác sĩ bảo cũng còn hy vọng cứu chữa cho đôi mắt bé là: mẹ về không cho con xem điện thoại nữa, cả tivi cũng hạn chế luôn, thường xuyên cho con ra ngoài trời vận động mắt kết hợp với quá trình trị liệu của bác sĩ mắt sẽ có khả năng hồi phục.
Nghe chuyện của bạn xong em lên chia sẻ với các mẹ ngay để biết phòng tránh và bảo vệ mắt cho con, chứ giờ nhìn đâu đâu cũng thấy trẻ con sử dụng điện thoại, thêm nữa nhìn nhiều trẻ đeo kính dày cộp mà đau lòng quá chừng.
Mà dùng điện thoại không chỉ gây hại cho mắt không đâu nhé các mẹ, còn gây ra những hậu quả đau lòng này nữa nè:
Béo phì: Do ăn rồi ngồi 1 chỗ xem tivi, xem điện thoại không à, không vận động đốt cháy calo thừa làm sao mà không béo phì.
Giao tiếp kém: Việc xem điện thoại, tivi thường xuyên không có sự tương tác, giao tiếp với bạn bè, người thân khiến trẻ giao tiếp kém, thiếu tự tin, thiếu các kỹ năng xã hội.
Dễ có cảm xúc tiêu cực, hung hăng: Tivi, điện thoại tác động tiêu cực đến những cảm xúc vốn rất nhạy cảm của trẻ, khiến trẻ dễ có xu hướng nổi giận, thiếu kiềm chế hoặc trở nên hung hăng hơn trong cách cư xử của mình.
Dưới đây em kèm thêm 1 số hình ảnh nằm trong một dự án mang tên “Idiot Box” của nhiếp ảnh gia nguời Australia, Donna Stevens. Cô bắt đầu nảy ra ý tưởng ghi lại những biểu cảm trên khuôn mặt trẻ lúc xem tivi, khi nhìn thấy con mình chơi iPad. Hy vọng các mẹ sẽ được cảnh tỉnh, dừng cho con chơi điện thoại:
Các nhà khoa học Mỹ từng kết luận mỗi giờ xem tivi sẽ khiến bé mất ngủ 7 phút. Những bé ngủ trong phòng có màn hình tivi thường mất đi từ 30 phút đến 1 giờ ngủ mỗi ngày. Các nghiên cứu khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi xem tivi, với những trẻ mầm non và tiểu học, tổng thời gian xem tivi mỗi ngày không được nhiều hơn 2 giờ.