Tè dầm là thói quen thường gặp ở trẻ em khi còn nhỏ, khiến trẻ thấy mắc cỡ và gây nhiều phiền phức, bối rối cho nhiều ba mẹ trong việc tìm cách giải quyết.
Thật ra cách giải quyết không quá phức tạp như nhiều người nghĩ đâu, chỉ cần chú ý và kiên nhẫn một chút thì cả ba mẹ và bé sẽ không phải chịu cảnh “sống chung với lũ” như thế này nữa. Một số gợi ý dưới đây có thể mang đến thêm sự lựa chọn giúp con tạm biệt thói tè dầm này.
Đâu là nguyên nhân gây tè dầm ở bé
Trước khi đi tìm lời giải cho việc giúp bé hết tè dầm thì chúng ta cần biết được lý do gây ra vấn đề này. Di truyền chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Có đến 77% các bé tè dầm có cả ba và mẹ đều như thế lúc nhỏ và 44% bé có ba hoặc mẹ bị tật này lúc nhỏ. Việc khi còn nhỏ ba mẹ hết tè dầm vào bao nhiêu tuổi cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian bé hết “ướt giường” sau này.
Những cách giúp bé tạm biệt thói quen tè dầm
Đầu tiên, ba mẹ hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa và trình bày về vấn đề này. Các bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cũng như những loại thuốc cơ bản cho thói quen này ở bé hoặc sẽ giới thiệu ba mẹ đến với các bác sĩ chuyên khoa đường tiết niệu.
Đừng la mắng hay trách phạt khi trẻ tè dầm. Thay vào đó, ba mẹ nên cư xử mang tính vui vẻ và tích cực như cho bé biết mỗi đêm bé tè dầm thì sẽ bị đánh dấu một ngôi sao dán trên tường.
Hãy chắc rằng bé uống đủ nước vào ban ngày. Nếu không trẻ sẽ uống “bù” vào buổi tối. Như thế trẻ càng dễ tè dầm hơn.
Hạn chế trẻ uống nhiều nước sau bữa tối trong vòng 2 tiếng hoặc hơn trước khi đi ngủ.
Tránh các thức ăn, đồ uống gây kích ứng đến bàng quang như nước ép trái cây, thức uống chứa caffein hay có ga. Thậm chí nên hạn chế những thứ này từ lúc ăn trưa trở đi.
Nhắc nhở bé phải đi vệ sinh trước khi đi ngủ. Với những bé hay tè dầm, đây là thói quen sinh hoạt cần có vào mỗi đêm giống như đánh răng vậy. Ba mẹ cũng nên nói bé “tè 2 lần”, nghĩa là hãy khoan vội ra khỏi nhà vệ sinh mà hãy cố tè thêm chút nữa sau lần đầu để đảm bảo rằng bé đã đi tiểu hết. Có rất nhiều bé do vội vội vàng vàng mà tè không hết, do đó vẫn sẽ tiếp tục “ướt giường” vào nửa đêm.
Cần đảm bảo bé không bị táo bón. Khi bé không đi tiêu thường xuyên sẽ tạo áp lực lên bàng quang, từ đó cũng khiến bé mắc phải thói tè dầm.
Một số bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc để không còn tè dầm nữa. Ba mẹ nên nói chuyện kĩ với bác sĩ và cần hiểu rằng thuốc chỉ có tác dụng đến bàng quang giúp ngăn việc sản xuất nước tiểu khiến bé không đi vệ sinh trong đêm thôi.
Sử dụng đồng hồ báo tè dầm. Cách này có hiệu quả lên đến 70-80%. Báo động này được kẹp trên các bộ đồ ngủ và một sợi dây được gắn vào đồ lót của trẻ. Khi cảm biến trong quần của bé nhận thấy có nước tiểu thì sẽ rung lên và đánh thức bé dậy. Khi đó bé cần đi vệ sinh liền, sau đó lại tiếp tục đặt lại báo hiệu. Mục đích là để giúp não bộ của bé nhận thức được cần đi tiểu trước khi đi ra giường. Ba mẹ có thể tự mua thiết bị này mà không cần đến ý kiến bác sĩ về độ an toàn.
Rất may là phần lớn trẻ đều sẽ hết thói quen này khi lớn lên. Thật ra tè dầm chỉ mang lại một chút phiền phức cho bé hơn là biểu hiện không tốt nào đó của sức khỏe, vậy nên ba mẹ đừng thấy nản khi cố gắng giúp bé tạm biệt vấn đề này. Hãy tạo cho bé tâm lý thoải mái, không ngại ngùng khi đi khám bác sĩ. Đây chính là khởi đầu cần có trong việc giúp bé sớm hết được thói quen nho nhỏ này.