Bạn vẫn luôn dùng kem chống nắng nhưng lại không thấy chúng có tác dụng gì với làn da của mình cả. Nguyên nhân là do kem chống nắng của bạn không tốt hay do bạn mắc phải những sai lầm sau khiến kem chống nắng bị vô tác dụng?
1. Đợi đến khi ra ngoài mới bôi
Kem chống nắng hoá học cần 20-30 phút mới có thể ngấm được vào da. Nhiều người sử dụng kem chống nắng hoá học thường đợi đến khi bắt đầu đi ra ngoài mới bôi khiến kem chống nắng bị giảm tác dụng. Kem chống nắng vật lý không cần nhiều thời gian để ngấm vào da như kem chống nắng hoá học. Tuy nhiên, kem chống nắng vật lý lại để lại màng trắng trên da khi bắt đầu bôi, vì thế chúng ta vẫn nên đợi khoảng 5-10 phút để lớp màng trắng biến mất nhé!
2. Mặc quần áo rồi mới bôi kem chống nắng
Khi mặc quần áo rồi bôi kem chống nắng, bạn sẽ tự khắc bỏ sót những phần da bị quần áo che mất. Độ dày của vải bình thường không thể chống được tia UV. Vì thế, bạn nên cởi hết quần áo và bôi kem chống nắng khắp người, như thế làn da của bạn sẽ được bảo vệ toàn diện. Bạn nên chú ý không bỏ sót vùng chân và tai!
3. Không bảo vệ đôi môi
Rất nhiều người chăm chỉ bôi kem chống nắng mà không nhận ra đôi môi cũng rất cần đến sự bảo vệ. Đôi môi bị cháy nắng sẽ thường đỏ rát, về lâu về dài sẽ bị thâm và thường xuyên bong tróc. Để bảo vệ đôi môi, bạn nên sử dụng son dưỡng có chỉ số SPF và bôi lại sau mỗi một tiếng. Gợi ý nhỏ cho các bạn hãng Blistex là hãng son dưỡng chống nắng nổi tiếng với mức giá cực “hạt dẻ”.
4. Bỏ qua một vài phần trên cơ thể
Một vài khu vực thường xuyên bị bỏ quên là ngón chân, vành tai và mí mắt. Nhiều người có làn da nhạy cảm nên họ không dám bôi kem chống nắng lên mí mắt. Để tránh tình trạng này, bạn nên dùng kem chống nắng không chứa cồn hoặc đeo kính chống tia UV để bảo vệ cho vùng da mỏng manh này nhé!
5. Kem chống nắng bị trôi đi mất
Nếu bạn có sở thích đi bơi thì nên trang bị cho mình một tuýp kem chống nắng chống nước để tránh rửa trôi hết lớp kem bạn đã bôi. Những bạn hay ra nhiều mồ hôi cũng cần dùng loại kem chống nắng tương tự. Kem chống nắng thông thường nằm ở trên bề mặt da của bạn nên chúng rất dễ bị trôi đi nếu gặp nước. Những kem chống nắng chống nước có độ thấm vào da sâu hơn, dễ gây bí tắc lỗ chân lông nếu dùng trong thời gian quá dài nhưng chỉ có chúng mới tránh bị nước rửa trôi.
Để tránh bị nổi mụn vì dùng những kem chống nắng loại này, bạn chỉ nên bơi trong khoảng 2-3 tiếng rồi rửa sạch sẽ lớp kem bằng các sản phẩm tẩy trang, sau đó chuyển sang dùng kem chống nắng thông thường. Một vài loại kem chống nắng chống nước nổi tiếng có thể kể đến Bioderma, La roche posay và Avene.
6. Không dùng kem chống nắng dành riêng cho mặt
Ngoài kia có rất nhiều loại kem chống nắng riêng cho cơ thể với giá thành rẻ nên luôn được chị em tin dùng. Nhiều người còn dùng kem chống nắng body cho cả vùng mặt khiến da bị dị ứng và nổi mụn. Kem chống nắng cho mặt có thể dùng cho cơ thể còn kem chống nắng cho cơ thể không thể bôi lên mặt đâu nhé!
Đặc trưng của các kem chống nắng cho body chính là độ dày và nhớt. Các loại kem chống nắng này thường rất bí da vì làn da trên cơ thể rất hay bị trôi kem, cần một lớp dày để bám chắc trên da. Với đặc tính này, làn da mặt nhạy cảm sẽ không thể chịu được sự bí bách. Da mặt chúng ta sẽ “nở hoa” để thông thoáng những chất hoá học lấp kín lỗ chân lông của kem chống nắng body đấy!
7. Khi nào có nắng mới dùng kem chống nắng
Sai lầm phổ biến nhất của chúng ta chính là không bao giờ dùng kem chống nắng khi trời mưa, mát trời hay mùa đông. Thực tế thì tia UV hoạt động xuyên qua ánh sáng trắng chứ không phải kích hoạt bằng ánh nắng mặt trời. 80% tia UV vẫn hoạt động “năng nổ” ngay cả khi trời râm mát. Vì thế, bạn nên bôi kem chống nắng suốt 365 ngày nhé!
8. Ở nhà không cần dùng kem chống nắng
Tia UV có thể dễ dàng xuyên qua cửa kính (trừ khi bạn lắp kính chống tia UV). Chừng nào bạn vẫn nhìn thấy các vật xung quanh mà không cần bật đèn nghĩa là tia UV đã thâm nhập vào ngôi nhà của bạn rồi! Hãy bôi kem chống nắng ngay cả khi ở lì trong nhà nhé!
9. Chỉ số SPF quá thấp
Chỉ số SPF quá cao thường gây bí da còn chỉ số SPF quá thấp sẽ không đủ để bảo vệ bạn đặc biệt là trong ngày hè. Chỉ số chuẩn mà hiện nay các hãng dược mỹ phẩm tin dùng chính là SPF 50 PA+++. Đây là chỉ số phù hợp khi sống ở những nơi nắng nóng gay gắt và không gây tổn hại đến làn da bạn. Bạn nên chú ý đến chỉ số này để tìm mua kem chống nắng phù hợp nhé.
10. Không bôi lại kem chống nắng
Nhiều người nghĩ chỉ cần bôi kem chống nắng khi bắt đầu đi ra đường là đủ để bảo vệ cơ thể suốt cả ngày. Do tác động của mồ hôi, kem chống nắng thông thường sẽ dễ bị trôi và không thể bảo vệ bạn toàn diện. Những vùng da bị trôi kem sẽ vẫn cháy nắng gây ra tình trạng da bị loang lổ vệt đen. Vì thế, bạn nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 80 phút để tránh bị cháy nắng loang lổ nhé!
11. Kem chống nắng đã quá đát từ rất lâu
Nhiều chị em thường tiết kiệm kem chống nắng để bôi mùa hè năm nay. Đến mùa đông, họ sẽ ngừng dùng kem chống nắng để mùa hè năm sau lại bôi tuýp kem của năm ngoái! Bạn có biết vì sao các kem chống nắng bây giờ, đặc biệt là kem chống nắng vật lý đều có dung tích 30-60ml không? Vì các loại kem chống nắng bây giờ không chỉ chứa chất chống nắng mà còn có lớp dưỡng ẩm hoặc lớp lót chống đổ dầu cho da. Khi bạn để kem chống nắng quá lâu, các lớp dưỡng chất được thêm vào sẽ bị tách lớp so với lớp cồn của kem chống nắng. Bạn có thể thấy những kem chống nắng vật lý đã cũ sẽ thường bị tách 1 lớp nước trong 1 lớp bột trắng. Kem chống nắng hoá học sẽ biến đổi màu và mùi nếu để quá lâu. Tốt nhất là chỉ dùng 1 tuýp kem chống nắng trong 1 mùa thôi nhé!
12. Không đeo kính chống tia UV
Kính chống tia UV có tác dụng bảo vệ đôi mắt khỏi tác hại của tia cực tím. Vùng da xung quanh mắt rất nhạy cảm. Nếu không chống nắng cho vùng da này, đôi mắt bạn sẽ xuất hiện nếp nhăn, vết chân chim và thậm chí là đồi mồi. Hãy chú ý bảo vệ vùng da này bằng những chiếc kính râm nhé!