Vì một lí do nào đó mà tóc bạn cứ luôn rụng cho dù bạn đã cố gắng giữ gìn hết mức có thể. Bạn không nhuộm uốn, không làm tổn thương mái tóc nhưng không hiểu sao tóc cứ ngày một vơi đi. Hãy cùng giải mã những kẻ thù đáng ghét luôn rình rập mái tóc của bạn nhé.
1. Thiếu protein
Tóc của bạn sinh trưởng là nhờ protein. Nhiều người giảm bớt lượng protein do giảm cân dẫn đến tình trạng gãy rụng tóc. Lượng protein trong cơ thể giảm cũng có thể khiến cho mái tóc lâu mọc hơn. Nếu bạn cứ luôn băn khoăn sao tóc mãi không mọc thì có lẽ cơ thể bạn đang “gào thét” đòi bạn phải bổ sung protein ngay đấy. Bạn có thể ăn thịt, cá, hải sản để được cung cấp protein tự nhiên hoặc uống thêm viên bổ sung protein mỗi ngày.
2. Gen di truyền
Có nhiều chị em đã từng rỉ tai nhau là không muốn lấy chồng hói vì sợ con sau này cũng sẽ hói. Nghe thì có vẻ như chuyện đùa nhưng đúng là độ dày thưa của tóc có ảnh hưởng từ gen di truyền. Những người có bố mẹ tóc rậm sẽ có mái tóc dày, những người có bố mẹ tóc mỏng có khả năng rụng tóc nhiều hơn những người khác. Thật buồn là bạn không thể thay đổi gen trong cơ thể mình được. Nếu bạn chịu khó dùng dầu castor thì mái tóc của bạn sẽ đỡ rụng nhiều hơn. Bạn có thể tham khảo những kiểu tóc xoăn bồng bềnh để tạo cảm giác mái tóc dày.
3. Vừa sinh con
Các chị em phụ nữ vừa sinh con sẽ lập tức bị mắc chứng rụng tóc sau sinh. Điều này là do cơ thể bị mất cân bằng hormone và thiếu chất do ảnh hưởng từ việc sinh con. Rất nhiều chị em lo lắng khi thấy tóc rụng quá nhiều nhưng đây chỉ là tình trạng tạm thời. Chị em chỉ cần chú ý tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và tránh căng thẳng thì tình trạng này sẽ biến mất sau vài tháng.
4. Tạm ngừng thuốc tránh thai
Nếu như bạn thường xuyên dùng thuốc tránh thai nhưng sau đó ngưng dùng hoặc đổi sang loại thuốc khác thì cơ thể sẽ mất cân bằng hormones. Cơ thể mất cân bằng hormones sẽ khiến cho tóc bị gãy rụng và phải mất nhiều tháng để cơ thể làm quen với những thay đổi mới. Trong thời gian này, tóc bạn sẽ rụng và có thể da sẽ bị mọc mụn nhọt. Bạn nên kiên nhẫn trong thời gian này để cơ thể không bị mệt mỏi.
5. Bị chấn thương/ốm
Những chấn thương thể chất như bị tai nạn, phải phẫu thuật hay vừa ốm dậy cũng có thể khiến tóc rụng nhiều. Bạn đừng quá lo lắng mà hãy chăm lo sức khỏe qua thời gian này. Sau khi cơ thể hồi phục, tóc bạn sẽ không còn rụng nhiều nữa.
6. Giảm cân quá nhanh
Hiện tại có rất nhiều chế độ giảm cân thần tốc giúp chị em giảm được lượng cân lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chưa kịp thích ứng với quá trình giảm cân nên sẽ gây ra nhiều phản ứng. Rụng tóc là một trong những phản ứng phổ biến nhất. Chế độ ăn uống thay đổi cộng với bản thân người giảm cân bị stress dẫn đến rối loạn hormones. Chị em nên chú ý giảm cân lành mạnh và từ từ để cơ thể thích nghi với chế độ mới.
7. Tạo kiểu quá nhiều
Uốn, nhuộm, duỗi… đều là những nguyên nhân khiến tóc bị hư tổn. Ngay cả việc buộc tóc quá chặt cũng khiến tóc bị hư tổn nặng. Nếu không phải ra ngoài, chị em hãy xõa tóc để mái tóc được thư giãn. Khi buộc hay tết tóc nên chú ý buộc lỏng. Không nên thay đổi tóc quá thường xuyên mà chỉ làm tóc nếu thực cần thiết vì các chất hóa học sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho mái tóc.
8. Thiếu máu
Cơ thể thiếu máu và huyết áp thấp cũng gây nên tình trạng rụng tóc. Chị em có thể uống viên sắt bổ sung để ngăn ngừa tóc rụng. Ngoài ra chị em có thể ăn gan động vật, hải sản, các loại đậu hay ngũ cốc… để bổ sung thêm sắt từ tự nhiên.