Bạn có thể mua bồ kết ở chợ về sao cho chín thơm và đóng gói để sử dụng dần cho cả nhà, vừa rẻ vừa an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ.
Theo chị Liên Hương (Hà Nội), các mẹ nên giữ cho tóc của bé được suôn mềm, mượt mà bằng cách gội đầu và chăm sóc tóc bằng quả bồ kết. Thay vì chọn lựa những loại dầu gội có chứa quá nhiều chất hóa học, đặc biệt là các loại chất cấm gây dị ứng da đầu và tổn thương tóc. Mẹ chỉ mất một vài phút để chế bồ kết thành nước gội đầu, vừa rẻ vừa an toàn cho bé và cả gia đình.
Chị Liên Hương chia sẻ, những kinh nghiệm mà chị học được từ người vú nuôi đã giúp cho da đầu luôn khỏe, tóc luôn xanh mượt và đặc biệt là vô cùng yên tâm với độ an toàn cao cho sức khỏe cả nhà. Chị Hương cho biết, bà vú của chị chỉ gội đầu bằng trái bồ kết [Gleditsia], nó chứa 10% saponin, tạo bọt làm sạch nhờn và bụi bặm trên da đầu. Bồ kết không giúp tóc mọc nhưng là chất tẩy rửa thân thiện. Tuy nhiên, để gội đầu đúng với loại quả này, cần chú ý gội đầu phải có 3 bước và cần nồi riêng để nấu nước gội.
1. Cách chế biến nước gội [gội lần 1]:
– Liều lượng cho tóc dày trung bình và dài ngang lưng thì cần 3 lạng quả bồ kết khô, bảo quản tốt để không bị mốc. Khi dùng, nướng cho bốc mùi thơm, nhất thiết nướng để khử độc tính trong bồ kết.
– Sau khi nướng, bẻ nhỏ, nhất thiết bỏ hạt vì hạt làm tóc bị rít.
– Nấu bồ kết đã bẻ nhỏ bỏ hạt trong 1,5 lít nước, để sôi trong 5 phút rồi đậy vung ngâm tới khi còn ấm nhẹ để gội.
– Không gội nước ấm quá vì sẽ làm sợi tóc bị xơ, xỉn màu.
– Nước nấu bồ kết nên dùng ngay, để lâu mất tác dụng và bị thiu.
– Không dùng móng tay gãi da đầu, chỉ dùng đầu ngón tay xoa, bạn càng gãi da đầu càng bị kích ứng.
Công thức cho da đầu bị gàu:
– Hái gai ở thân cây bồ kết, phơi khô. Gai bồ kết chứa các hoạt chất kháng khuẩn và kháng nấm mạnh. Phải sao gai như sao thuốc Bắc rồi mới cho vào đun cùng trái bồ kết.
2. Cách chế biến nước xả [gội lần 2]
Nước xả để làm sạch saponin của bồ kết, chắc chân tóc, cân bằng da đầu, rất hữu dụng cho da đầu bị ngứa, khi trời hanh khô hoặc bạn phải đứng bếp nhiều:
– Sau khi gội sạch bẩn bằng bồ kết, xả lại bằng hỗn hợp sau – tùy mùa, tùy điều kiện mua được gồm: lá bưởi, lá chanh, hương nhu trắng [Ocimum gratissimum] 1 bó tươi hoặc ½ bó khô, một nắm rễ cỏ hương bài [Vetiveria zizanioides] giúp tóc thơm lâu, vỏ bưởi phơi khô.
Tất cả đun sôi để nguội. Đừng đun lâu vì sẽ mất hết tinh dầu và công dụng kháng khuẩn, lưu thông máu kích thích nang tóc, làm chắc chân tóc.
* Công thức giảm tóc rụng thêm:
– Cây hoa cứt lợn màu hoa cà [Ageratum conyzoides].
– Hoa xuyến chi trắng [Bidens pilosa] loại cúc mọc hoang khắp nơi, bỏ rễ lấy cành.
* Công thức kích thích mọc tóc thêm:
– Lá dâu tằm [Morus alba]
– Cỏ mần trầu [Eleusine indica]
3. Làm trơn sợi tóc:
– Vắt nước cốt ½ trái chanh qua rây hoặc một thìa café dấm táo hòa vào 1 lít nước nguội để giội lần cuối vào sợi tóc làm cho tóc suôn rất dễ chải. Không dùng nước nóng vì nhiệt độ làm biểu bì tóc mở ra, tóc bị xơ, xỉn màu.
Chú ý: Không chải tóc khi tóc đang ướt, hong tóc khô tự nhiên hoặc sấy nhẹ khi trời lạnh. Khi chân tóc khô mới chải đầu và chải từ ngọn tóc trở lên.
4. Dưỡng sợi tóc và ủ giúp sợi tóc bền tối đa.
– Hái 5 bông râm bụt đỏ ở bờ rào, chà nát dễ dàng trong cối sành, thêm vài giọt dầu dừa, dầu vừng, dầu hoa trà… xoa hỗn hợp vào tay và lược gỗ rồi chải lên tóc khi chân tóc vừa khô.
Chải từ ngọn tóc trở lên. Một tuần chỉ cần dùng một lần. Thỉnh thoảng dùng dầu này massage da dầu, để qua đêm rồi gội.
Ở nông thôn, nước giếng là loại nước mềm làm tóc suôn. Nước máy rất cứng, tạo bọt bồ kết kém hơn nước giếng. Nếu bạn sống ở đô thị nhiều khói xe thì chất gội đầu của bạn phải đặc hơn để bảo đảm tẩy rửa sạch được muội khói trong tóc, bản thân trái bồ kết chỉ có 10% saponin và sẽ càng loãng khi pha với nhiều nước, nên bạn phải tự điều chỉnh lượng bồ kết sao cho phù hợp.