Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ hai trường Đại học Cambridge và Đại học Glasgow (Anh) cho thấy trẻ được thụ thai trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 có tỉ lệ mắc chứng tự kỷ cao hơn những tháng khác.
Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành trên 800.000 trẻ đã cho kết quả, các bé được thụ thai trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, tỉ lệ trẻ bị mắc chứng tự kỉ hay khó đọc là 8,9%. Trong khi tỉ lệ này ở các trẻ thụ thai trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 là 7,6%.
Như vậy, nghiên cứu này cho thấy tháng thụ thai ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của trẻ khi sinh ra.
Còn theo một nghiên cứu được tiến hành trên 2 triệu người được công bố vào năm 2015 trên Tạp chí Hiệp hội Y học Hoa Kỳ cũng cho thấy mối liên hệ giữa tháng sinh với khả năng mắc bệnh ở trẻ.
Theo đó, trẻ em sinh ra vào tháng 5 có tỉ lệ mắc bệnh thấp nhất còn những trẻ sinh vào tháng 10 và tháng 11 có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất.
Theo các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trên như sức khỏe, thời tiết, chế độ ăn và hoạt động thể chất của người mẹ. Ngoài ra, những tháng trên có nhiều bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay đang tập trung vào tầm ảnh hưởng của vitamin D đối với sự phát triển của trẻ khi ở trong bụng mẹ.
Vitamin D là loại vitamin thiết yếu giúp con người có thể hấp thu canxi và photphaste từ thức ăn. Và các nghiên cứu mới đây đã cho thấy vai trò của loại vitamin này còn lớn hơn nhiều ngoài việc giúp cho xương chắc khỏe.
Nó đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của các cơ bắp, làm tăng khả năng miễn dịch và giúp giảm tỉ lệ mắc đái tháo đường, bệnh tim và một số loại ung thư.
Quan trọng hơn, loại vitamin này còn góp phần vào sự phát triển của não bộ ở thai nhi trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai. Điều này có thể giải thích cho việc tại sao trẻ được thụ thai vào mùa đông lại thường mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), đa xơ cứng và do đó gặp nhiều khó khăn trong việc học tập.
Giáo sư Gordon Smith, trưởng khoa Sản Trường đại học Cambridge, người tham gia vào nghiên cứu này cho biết: “Cho dù nghiên cứu này không trực tiếp đo lượng vitamin D trong quá trình mang thai nhưng đây dường như là cách giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng này”.
Như vậy, nghiên cứu này đã cho thấy tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin D càng sớm càng tốt trong quá trình mang thai, hoặc lý tưởng nhất là trước khi bắt đầu thai kỳ.
Không chỉ giúp cho việc hình thành não bộ, vitamin D còn được chứng minh là có liên quan tới 55 chứng bệnh khác như viêm amidan, cận thị, viêm đường hô hấp…
Giáo sư Nicholas Harvey của Trường Đại học Southampton thông tin: “Vitamin D có vai trò quan trọng với từng bộ phận trong từng giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Nó giúp hình thành não bộ ở giai đoạn đầu và có vai trò giúp hoàn thiện hệ xương và răng ở cuối thai kỳ”.