Nhiều người bệnh ung thư truyền nhau cách chữa ‘bỏ đói tế nào ung thư’: không ăn thịt đỏ, giảm chất đạm, không uống sữa.
Cha bị ung thư trực tràng, chị H. tìm mọi cách bổ sung dinh dưỡng cho cha từ nước ép hoa quả, đến thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng.
Tuy nhiên, chị không cho cha uống một chút sữa nào với quan điểm sữa làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy, đặc biệt là trong đường ruột. Tế bào ung thư ăn chất nhầy. Không uống sữa thì tế bào ung thư mất thức ăn nên sẽ chết.
Chị C. thì nhất quyết không cho người nhà dùng thịt đỏ với quyết tâm tiêu diệt môi trường sống thuận lợi (thịt đỏ tạo ra môi trường axit) cho tế bào ung thư.
Quan điểm này có hợp lý hay không?
Theo BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, trong đó có chế độ ăn chưa hợp lý, do thực phẩm nhiễm bẩn. Từ khâu chế biến, nuôi trồng đến vận chuyển, chỗ nào cũng có thể có nguy cơ gây ung thư.
Với những người đã mắc ung thư, những người tự áp dụng chế độ ăn uống hiện nay có hai xu hướng: một là dùng thực phẩm chức năng như kiểu nước ép cà rốt, nước hoa quả hoặc kiêng một số thức ăn như kiêng thịt động vật, chỉ ăn chay, ăn gạo lứt.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, ung thư là tế bào đột biến. Những tế bào khỏe mạnh khác cũng cần phát triển bình thường. Nếu nhịn ăn, giảm ăn, ăn thiếu đạm để tế bào ung thư không phát triển hay chết đi, thì có nghĩa là các tế bào khỏe mạnh khác cũng chết đi, tiêu hủy đi. Từ đó, cơ thể không còn sức chống đỡ.
“Chế độ ăn hợp lý cho người mắc bệnh ung thư là làm thế nào để các tế bào khỏe mạnh phát triển, át đi phần ung thư thì cơ thể mới có sức chống chọi bệnh tật”, BS Liên cho biết.
Dinh dưỡng trong chữa ung thư rất quan trọng. Cần ăn theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ nhóm lương thực (gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), dầu mỡ, rau xanh, quả chín. Bỏ một trong số các nhóm này là không đủ dinh dưỡng.
Nếu cho rằng ăn kiêng hoặc nhịn ăn để khối u phát triển chậm lại, thậm chí nó sẽ chết đi là một quan điểm sai lầm. Thực tế cho thấy, 50-90% bệnh nhân ung thư sụt cân, hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị suy kiệt.
Hơn thế nữa, việc ăn kiêng dẫn đến giảm cân sẽ gây giảm đáp ứng điều trị, làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị, không đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị… Đặc biệt, càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, chán ăn, tăng nguy cơ di căn xương, giảm hoạt động của các cơ quan chức năng như tim, phổi, tiêu hóa, thiếu máu, suy yếu đáp ứng miễn dịch nguy cơ nhiễm trùng cao…
Bác sĩ Liên kể, có bệnh nhân ung thư trực tràng, gia đình khá giả, khi mắc bệnh quyết tâm áp dụng chế độ chỉ ăn gạo lứt muối vừng, người sụt cân nghiêm trọng, nhưng vẫn nói cảm giác rất khỏe.
Kết quả bệnh vẫn di căn, y học không thể can thiệp được vì quá yếu và người bệnh tử vong. “Ở đây có thể là yếu tố tinh thần, người bệnh cảm giác khỏe nhưng thực tế không phải vậy. Rất khó điều trị khi thể trạng người bệnh suy sụp. Nếu bệnh nhân hợp tác, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn là một bộ xương di động”, bác sĩ Liên chia sẻ.
Sữa là ‘tội đồ’?
Theo BS Liên, việc một số bệnh nhân ung thư kiêng uống sữa là sai lầm lớn. Sữa được coi là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư rất tốt.
“Điều quan trọng là chọn sữa cho phù hợp. Có sữa chuyên dùng cho người ung thư, đã bổ sung thêm EPA – một acid béo không no, có tác dụng điều trị chứng sụt cân cho bệnh nhân ung thư.
Với các loại sữa khác, cần tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng để điều chỉnh liều lượng vừa phải. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư, dùng nhiều EPA cũng không tốt, vì nhiều quá lại kích thích tế bào phát triển. Giống như dùng thuốc kháng sinh vậy, không đủ liều không khỏi, quá liều thì ngộ độc”, BS Liên nhấn mạnh.
Về việc dùng nhiều nước ép hoa quả, nhất là nước ép cà rốt (được cho là có công dụng thần kỳ trong điều trị ung thư), bác sĩ Liên cho rằng, nước ép hoa quả nói chúng rất tốt vì chứa nhiều vitamin và chất khoáng.
Tuy nhiên, nước ép cà rốt nhiều lại gây tác dụng phụ. Cà rốt chứa nhiều beta carotene, dùng liên tục với số lượng lớn, cơ thể không kịp đào thải sẽ gây ra các bệnh lý khác như vàng da.
“Tổng lượng hoa quả, rau củ một ngày là 800g. Rau quả cũng phải đủ nhóm, nhóm màu xanh có lá, nhóm vàng, nhóm củ, nhóm quả chứ không phải chỉ có một thứ”, bác sĩ Liên khuyến cáo.
Tốt nhất là trong quá trình điều trị và dự phòng ung thư, người bệnh cần tìm hiểu rõ để thực hiện chế độ ăn uống cho phù hợp với từng loại ung thư, giai đoạn của bệnh và thể trạng của người bệnh.