Đau vai gáy là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và hiện nay gặp cả ở người trẻ, nhất là những nhân viên văn phòng do làm việc nhiều với máy tính và trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ.
Dưới đây là một số phương pháp giúp điều trị những chứng đau kinh niên này một cách hiệu quả:
1. Xoa bóp bã vai và các huyệt vị quan trọng
– Người bệnh ngồi trong tư thế hoàn toàn thả lỏng vùng vai gáy bị căng cứng.
– Sau đó, massage và xoa bóp nhẹ nhàng, làm ấm và thư giãn cơ toàn bộ vùng vai gáy. Bạn có thể sử dụng thêm tinh dầu, dầu xoa bóp chuyên dụng… để tăng thêm hiệu quả. Xoa bóp theo tuần tự từ vùng bã vai, đi qua huyệt Kiên tỉnh, chuyển sang huyệt Đại chùy rồi kéo lên huyệt Phong trì rồi chuyển sang huyệt Đốc du (vị trí các huyệt đạo như trong hình)
2. Bấm và day các huyệt vị quan trọng
– Vừa xoa bóp, bạn vừa bấm vào vị trí các huyệt. Đồng thời day và miết các vùng thịt và cơ ở cổ. Mỗi huyệt bạn dừng và ấn trong khoảng 15-20 giây.
– Khi bấm huyệt matxa vai gáy, bạn hãy kết hợp với xoay cổ sang trái, phải chậm rãi để các dây chằng và cơ được co giãn từ từ. Chỉ riêng huyệt Bách lao, khi bấm vào bạn không được chuyển động phần cổ.
– Bạn thực hiện các động tác xoa bóp và day liên tục từ 3 đến 5 lần. Sau đó kiểm tra lại cơ vùng cổ bằng cách bấm vào huyệt Đốc du. Nếu cảm thấy bật cơ, và day nhẹ là thấy bớt đau thì vùng đau nhức ở vai gáy đã có chuyển biến tích cực rồi.
– Day huyệt á môn. Huyệt này nằm giữa đường rãnh của gáy, ngay dưới chân tóc, chỗ lõm giữa gai đốt sống cổ thứ nhất và đốt sống cổ thứ 2.
– Day huyệt đại chùy, vị trí huyệt này ở chỗ nổi to nhất của cột sống cổ (vị trí huyệt đạo như trong hình ở trên).
– Day 2 huyệt kiên tỉnh nằm giữa 2 khớp vai (vị trí huyệt đạo như trong hình ở trên).
– Day 2 huyệt thiên tông. Huyệt thiên tông dưới huyệt định suyễn về phía lưng, ở giữa vùng giáp ranh gốc của bả vai.
– Sau đó, vận động cổ bằng cách nghiêng cổ sang trái, phải. Khi nghiêng, vành tai phải áp với đầu vai (nhô đầu vai lên). Cúi trước ngửa sau, khi cúi trước cằm sát ngực, khi ngửa sau gáy gần sát với cơ lưng.
– Vận động vai bằng cách xoay cánh tay về trước và sau, xoay trên và dưới.
Lưu ý:
– Khi làm các động tác tự xoa bóp, bấm huyệt này cần chú ý nhẹ nhàng, làm nhiều lần, có thể dùng thêm chút dầu nóng xoa vùng vai và gáy. Ngoài việc tự xoa bóp, bấm huyệt, người bệnh cũng cần giữ đúng tư thế khi ngồi làm việc, học tập, tư thế ngủ, đi lại để tránh tình trạng đau vai gáy ngày càng nặng hơn.
– Nhất là không được làm các động tác quá mạnh, quá đột ngột, khuân vác đồ nặng ở vùng vai, cổ vì sẽ gây tổn thương hệ kinh, cơ, xương.
– Bên cạnh đó, một chế độ ăn với nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung canxi, hạn chế ăn măng, cà pháo muối, thực phẩm có tính hàn… cũng góp phần ngăn ngừa đau vai gáy tái phát.
– Đối với những bệnh nhân bị đau vai gáy ở độ tuổi từ 45 trở lên, vì mật độ khoáng chất trong xương không còn được như người trẻ. Họ thường gặp phải hiện tượng loãng xương, xương không chắc khỏe. Nên trước khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt, cần kiểm tra tình trạng xương trước. Và cần được thực hiện bởi những chuyên gia hoặc y bác sĩ chuyên về châm cứu bấm huyệt. Nếu cơn đau vai gáy của bệnh nhân là mãn tính thì cần chụp film X-quang phổi. Điều này có thể loại trừ nguy cơ có một số bệnh lý liên quan đến phổi và vùng trung thất.
Theo PNGD