Thống kê cho thấy có đến hơn 5000 mùi thơm được sử dụng trong mỹ phẩm, trong đó có thuốc nhuộm tóc, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dị ứng da
Gặp họa vì nhuộm tóc
TS. BSCK II Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da Liễu Hà Nội cho biết, đa phần bệnh nhân bị dị ứng là do dùng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng mỹ phẩm chưa đúng cách hay lạm dụng mỹ phẩm trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong số này cũng có trường hợp bị dị ứng khi dùng mỹ phẩm của những hãng có thương hiệu.
Giải thích hiện tượng này, TS Quang cho rằng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng có thể là do mùi thơm. Một thống kê đã chỉ ra rằng có đến hơn 5000 mùi thơm được sử dụng trong mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da, kem làm trắng da, dầu gội, nước hoa… Đây là nguyên nhân chủ yếu mang đến những kích ứng trên da sau khi sử dụng mỹ phẩm.
Nguyên nhân thứ 2 là các loại chất bảo quản nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hay nấm có trong sản phẩm như: paraben, quaternium-15 – dùng trong mỹ phẩm dành cho khuôn mặt hay sản phẩm chăm sóc da, formaldhyde – có trong thành phần dầu gội, isothiazolinone, PPD – thuốc nhuộm tóc… cũng là tác nhân chính gây nên tình trạng nổi mụn, rỉ nước vàng ở da đầu.
“Có bệnh nhân đến viện trong tình trạng da dưới chân tóc mẩn đỏ, sưng nề, rỉ cả nước vàng. Hỏi ra mới biết trước đó bệnh nhân đi nhuộm tóc đen. Đáng tiếc là, đây không phải lần đầu tiên bệnh nhân này bị dị ứng.
Bởi những lần trước, sau khi nhuộm tóc về da đầu bệnh nhân đều mẩn ngứa song chỉ một ngày là đỡ nên trung bình một tháng bệnh nhân lại chấm chân tóc một lần. Lần này, sau khi nhuộm xong, bệnh nhân ngứa điên đảo, sau đó lần lượt những mụn nhỏ li ti mọc quanh chân tóc gãi đến trầy xước da. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng toàn bộ những mụn ở chân tóc đã mưng mủ, rỉ nước vàng khắp đầu”- BS Quang nhấn mạnh.
Nhuộm tóc càng nhiều nguy cơ ung thư càng cao
Làm đẹp là nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhưng làm đẹp mà không đúng cách hay lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Paraphenylenediamin là loại hóa chất thường được dùng trong thuốc nhuộm tóc. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
Các chất phụ gia như Propylenglycol và Isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Prophylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn Isoprophyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.
Tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia cho biết, thông thường, thuốc nhuộm tóc gồm có các thành phần làm sợi protein trong tóc mềm ra, sau đó đưa thuốc vào tẩy màu có sẵn, rồi tiếp tục đưa thêm màu muốn có vào. Các bước này có thể thực hiện riêng rẽ, nhưng cũng có khi làm chung một lần. Hiện công nghệ tiên tiến, thường tất cả quá trình này diễn ra trong một khâu, và càng tiện dụng bao nhiêu thì thuốc càng tổ hợp nhiều hóa chất bấy nhiêu. Khi đó, có rất nhiều thành phần hóa học trong một sản phẩm, nguy cơ gây dị ứng cao hơn và người bị cũng khó biết mình phản ứng với thành phần nào.
Vì vậy, các chuyên gia, khuyến cáo với những người có tiền sử dị ứng cần thận trọng trước ý định nhuộm tóc. Trước khi nhuộm, nên bôi thử thuốc vào mặt trong cánh tay, theo dõi 1-2 ngày, nếu thấy mẩn ngứa thì không nên dùng.