Một số người có triệu chứng chuột rút, tay chân co quắp, trầm cảm, cáu gắt nhưng không biết đó là bệnh lý hạ can xi huyết, một bệnh nguy hiểm gây nhiều biến chứng.
“Bác sĩ chán quá”
Đó là những câu ông Ngô Văn Đặng 57 tuổi trú tại Kiến Xương, Thái Bình liên tục ca thán với con cái khi không khám ra bệnh cho mình. Ông Đặng kể gần 1 năm nay ông hay bịchuột rút, mệt mỏi và thi thoảng cảm giác như có gai ở chân.
Ông đi khám rồi chụp xquang ở một phòng khám tư rồi vào bệnh viện tỉnh bác sĩ cũng không phát hiện ra bệnh gì.
Cảm giác người khó chịu như có kiến bò, ông Đặng cứ lẩm nhẩm như người thần kinh, đôi khi cáu gắt chửi con cái rồi lại cho rằng bác sĩ chán quá không tìm ra bệnh cho ông.
Đến khi chân tay co rút lại không duỗi ra được, gia đình đưa ông lên Hà Nội kiểm tra. Bác sĩ cho biết đó là do triệu chứng của hạ canxi huyết. Ông Đặng mừng vì đó không phải là bệnh nan y nhưng cũng rất nguy hiểm.
Bản thân ông 30 năm nay vẫn uống rượu ngày nào cũng làm 3 chén khoảng 600 – 800 ml/ngày và đã điều trị viêm tuỵ một lần do rượu, khi bác sĩ cho biết tình trạng này do nghiện rượu gây nên, ông Đặng gãi đầu “tôi tưởng uống rượu chỉ hại gan”.
Các dấu hiệu của hạ canxi huyết ông rất ít để ý đến nó vì nghĩ đó là bình thường.
Cũng là nạn nhân của tiên tửu, ông Nguyễn Bá Hiệu trú tại Hải Dương cũng hai lần nhập viện vì viêm gan do rượu và đến giờ bị biến chứng hạ canxi huyết.
Dù đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhưng cơ thể ông Hiệu không thể dung nạp canxi một cách bình thường nên thi thoảng chân tay ông co quắp không cử động được.
Ba lần nhập viện nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, được bác sĩ truyền canxi nhưng về nhà ông uống canxi cũng hấp thụ được rất ít. Ông Hiệu nhiều lần phải sống chung với nó.
Tuy nhiên, vì nghiện rượu lâu năm nên ông rất khó bỏ rượu. Bác sĩ cho biết việc vừa uống rượu, vừa bổ sung canxi không có tác dụng gì cả và hạn chế sự hấp thụ canxi dẫn đến tình trạng co quắp thường xuyên xảy ra.
Cần nhớ rõ triệu chứng dưới đây
Theo thạc sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hạ canxi máu là: do suy tuyến cận giáp, do nồng độ phốt pho trong máu cao…
Do nồng độ albumin trong máu thấp, do thiếu hụt magiê, vitamin D, thiếu canxi trong chế độ ăn, do nghiện rượu và các biến chứng viêm tụy, suy thận, suy gan do rượu.
Canxi không chỉ là điều cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của xương, mà nó còn có một vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, chức năng tế bào, và sự co cơ. Đôi khi nồng độ canxi máu có thể thấp một cách bất thường.
Thạc sĩ Chính cho biết, mọi người cần nhớ rõ triệu chứng của hạ canxi huyết để có thể phát hiện ra bệnh sớm và có biện pháp điều trị.
Bệnh sẽ có các biểu hiện như co rút và đau cơ (chuột rút), rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), và cảm giác ghim và kim châm ở bàn tay và bàn chân những triệu chứng này là bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Nồng độ canxi máu thấp được cho là do suy tuyến cận giáp, tuyến này có vai trò điều hòa số lượng canxi trong cơ thể bạn, hoặc do nồng độ phốt phát máu cao, chất này có thể làm giảm nồng độ canxi máu.
Hạ canxi máu được điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể.
Ngoài đường truyền tĩnh mạch, canxi cũng có thể được bổ sung qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Nếu hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý nền khác thì ngoài việc điều trị hạ canxi máu ta cũng cần phải điều trị bệnh lý nền đó.
Hạ canxi máu có thể tự hồi phục mà không cần điều trị; điều này càng có nhiều khả năng nếu không có biểu hiện triệu chứng. Bác sĩ sẽ xác định điều trị cái gì, nếu có, là cần thiết.
Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ: trẻ chậm lớn; chức năng vận động chậm phát triển; não bị tổn thương; trẻ có thể bị suy dinh dưỡng;
Bị nhuyễn xương, xương mềm, yếu do thiếu vitamin D trong quá trình tạo xương.
Ở người lớn và trẻ em có thể bị các biến chứng: loãng xương; kém phát triển; dễ xảy ra cơn tetany do hoạt động thần kinh quá mức, gây đau đớn vô cùng.
Ở trẻ sơ sinh, việc đánh giá sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể và cân nặng; khả năng dung nạp với một số loại thức ăn, thuốc, hoặc biện pháp điều trị, và sở thích của bậc cha mẹ… để điều trị cho trẻ.