Hẳn sau khi xem xong bức ảnh này, bạn sẽ từ bỏ ngay thói quen ngoáy tai vốn vẫn thường làm mỗi ngày.
Nói đến việc vệ sinh tai, nhiều người thường lựa chọn bông tăm (bông ngoáy tai) vì nghĩ chúng êm ái và an toàn cho tai. Tuy nhiên trong thực tế, điều này không thực sự đúng như vậy.
Bởi lẽ, theo các chuyên gia – tai là một khu vực cực kỳ nhạy cảm nên việc bạn đưa một vật thể lạ vào tai cũng có thể khiến bộ phận này bị tổn thương, đôi khi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác.
Một thống kê của trang Telegraph còn chỉ ra rằng, mỗi năm ở Anh có tới 7.000 người tới bệnh viện do gặp thương tích từ việc ngoáy tai – con số này nhiều hơn nhiều so với số người bị thương từ lưỡi dao cạo.
Ráy tai không hề bẩn như bạn tưởng…
Ráy tai được tạo thành từ khoảng 60% keratin (một loại protein) và các tế bào da chết, axit béo, cholesterol cùng nhiều hợp chất khác. Hỗn hợp này thường xuất hiện ở phần tai ngoài, do các tuyến cerumenous (chuyên sản xuất chất sáp) ở bên trong ống tai tiết ra.
Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai bạn có thể bị khô và ngứa.
Tai chúng ta hoàn toàn có khả năng tự làm sạch
Nhiều người cho rằng, không lấy ráy tai sẽ gây ra việc tắc nghẽn ống tai, từ đó làm suy giảm thính giác. Bởi vậy, họ thường có thói quen sử dụng bông tăm, đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay… để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai. Nhưng bạn có biết, tai của chúng ta có khả năng tự làm sạch.
Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài.
Ngoài ra, khi nói chuyện, nhai thức ăn, di chuyển hay tắm… cũng giúp phần nào lớp ráy tai dễ bong ra và trượt ra ngoài thuận lợi hơn.
Việc ngoáy tai không hề an toàn để làm sạch ráy tai
Với cơ chế tự làm sạch tai nên mỗi khi bạn sử dụng bông tăm hay dụng cụ lấy ráy tai – bạn đã không chỉ đưa thêm nhiều vi trùng mới mà còn đẩy một số ráy tai đang trên đường thoát ra trở lại sâu trong tai.
Điều này có nghĩa là bạn đã đưa tất cả bụi bẩn và vi khuẩn trở lại vị trí ban đầu. Tệ hại hơn, việc đưa quá sâu bông ngoáy tai vào trong tai sẽ làm tổn thương, đôi khi rách lớp màng mỏng phía cuối ống tai, gây ra hiện tượng thủng màng nhĩ.Điều này có nghĩa là bạn đã đưa tất cả bụi bẩn và vi khuẩn trở lại vị trí ban đầu. Tệ hại hơn, việc đưa quá sâu bông ngoáy tai vào trong tai sẽ làm tổn thương, đôi khi rách lớp màng mỏng phía cuối ống tai, gây ra hiện tượng thủng màng nhĩ.
Do lớp màng nhĩ trong tai rất mỏng nên có thể bị thủng bất cứ lúc nào dù chỉ với một áp lực nhỏ. Và khi màng nhĩ thủng, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và trải qua nhiều đau đớn trước khi lớp màng nhĩ có thể tự lành lại.
Nếu chọc sâu hơn, bạn còn gây ra tổn thương phía sau màng nhĩ – làm trật khớp chuỗi xương con gây giảm thính lực. Thậm chí nặng hơn, hành động này có thể gây tổn thương cả tai trong, gây giảm thính lực đến điếc hoàn toàn.