Phật thủ là một trong những quả không thể vắng mặt trên mâm ngũ quả ngày Tết. Nhưng ít người biết rằng, từ quả phật thủ có thể chế biến thành nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm.
Quả phật thủ được sử dụng trong thờ cúng và bày mâm ngũ quả với ý nghĩa cầu mong sự may mắn an lành, mang lại phúc lộc cho cả gia đình. Tuy nhiên, phật thủ không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, quả phật thủ có vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống (chống đau), hóa đàm (giảm ho, giảm đờm), được ứng dụng trong chữa chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, ngực tức đầy, mạng sườn đau…
Bên cạnh đó, các nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa. Không chỉ vậy, phật thủ còn chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit, có thể dùng làm thuốc thơm điều hòa khí, bồi bổ dạ dày, có công hiệu giảm đau, hòa khí, làm dễ tiêu, tan đờm, khỏe tỳ vị, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giải rượu…
Vì những khả năng hiếm có này mà quả phật thủ được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau từ ngâm rượu, hãm trà, nấu cháo… để trở thành các món ăn, vị thuốc hữu hiệu với sức khỏe.
Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng quả phật thủ đã qua bày cỗ ngày Tết để làm thuốc hoặc mứt vì những quả này chứa rất nhiều thuốc trừ sâu cũng như chất bảo quản.
Để quả phật thủ bày Tết được đẹp, các nhà vườn thường phun rất nhiều lần thuốc trừ sâu nên dù có vỏ dày, phần cùi bên trong quả cũng có thể ngấm rất nhiều thuốc.
Những công dụng chữa bệnh của quả phật thủ:
Chữa rối loạn tâm thần ý thức
Quả phật thủ rửa sạch, để khô, sau đó cắt thành lát dài rồi đem ngâm trong rượu trắng. Nên dùng rượu nếp có nồng độ cồn dưới 40 độ để hiệu quả được tốt nhất. Cứ 30g phật thủ thì ngâm với 500ml rượu. Rượu ngâm từ 7-10 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày uống từ 40-50ml.
Trị ho
Quả phật thủ rửa sạch, để ráo rồi bổ dọc theo múi, thái lát mỏng. Đun cách thủy một lượng vừa đủ mạch nha hoặc đường phèn cho tới khi đường chảy loãng ra, sau đó xếp phật thủ vào nồi thành từng lớp xen kẽ với các lớp mạch nha chảy, chú ý giữ phật thủ luôn ngập trong đường/mạch nha.
Đun cách thủy hỗn hợp trên trong khoảng 1 tiếng rưỡi, 2 tiếng cho tới khi hỗn hợp keo lại như mứt thì tắt lửa để nguội, sau đó trút vào lọ thủy tinh sạch, cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Khi bị ho, cả người lớn và trẻ em đều có thể lấy siro phật thủ ra ngậm để giảm ho, giảm đờm.
Chữa nấc và chứng nôn ngược khi ăn
Lấy vỏ phật thủ tươi cắt nhỏ, trộn đều với đường, ngày ăn từ 3-4 lần, mỗi lần chỉ cần ăn vài miếng nhỏ, nhai kĩ và nuốt cả nước và bã.
Quả phật thủ có tác dụng trị ho, đau dạ dày, tiêu hóa kém rất hữu hiệu
Chữa ăn không tiêu, đau dạ dày, gan và dạ dày bị tức khó chịu
Hàng ngày, dùng 15-20g phật thủ tươi (thái mỏng) hoặc 6-10g phật thủ khô (tán vụn) hãm với nước nóng chừng 10-15 phút thành trà, uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 lần.
Chữa đau dạ dày do lạnh
Hàng ngày, đem sắc 15g phật thủ khô với 30g gạo tẻ sao vàng, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa huyết trắng ra nhiều
Đem nấu kĩ 30g phật thủ tươi với một đoạn 30cm lòng non của lợn (đã làm sạch), ngày chia ra ăn từ 2-3, ăn cả nước lẫn cái.
Chữa đau bụng kinh
Chuẩn bị 30g phật thủ tươi, 6g đương quy, 6g gừng tươi, 30g rượu gạo. Đem tất cả hỗn hợp trên cho vào ấm/nồi, thêm nước, sắc uống khi còn ấm.
Chữa viêm gan
Chuẩn bị 9g phật thủ khô, bại hương thảo (cỏ bồng) mỗi tuổi 1g, từ 10 tuổi trở lên thì tăng 2 tuổi thêm 1g. Sắc hỗn hợp này với nước, pha thêm một chút đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống liên tục trong 10 ngày.
Giải rượu
Lấy 30g phật thủ tươi sắc lên với nước rồi cho người bị say rượu uống.
Mứt phật thủ
– Rửa sạch 2 quả phật thủ cỡ vừa, để khô rồi thái thành cái miếng hạt lựu chừng 1cm.
– Cho phật thủ đã thái nhỏ vào nồi, đổ nước gấp đôi lượng phật thủ.
– Đun hỗn hợp trên cho tới khi sôi thì mở vung và vặn nhỏ lửa, đun tiếp ở lửa nhỏ khoảng 30-40 phút cho tới khi lượng nước chỉ còn xăm xắp với phật thủ.
– Thêm đường để tạo độ ngọt theo ý thích, đảo đều cho đường ngấm, tiếp tục đun cho tới khi miếng phật thủ chuyển màu trong suốt một màu vàng là được.
Mứt làm xong cất vào hũ thủy tinh đậy kín có thể bảo quản được một năm.
Chè phật thủ
– Chuẩn bị 60g phật thủ, 15g cốc tinh thảo và 3g chè.
– Đem phật thủ và cốc tinh thảo cùng nấu lấy nước, khi đã gần cạn thì gạn lấy nước vào ấm đã cho chè sẵn.
Nhưng người thị lực giảm nên uống ngày 1 ấm, dùng liên tục trong 5-7 ngày.
Cháo phật thủ
– Chuẩn bị 10-15g phật thủ và 60-80g gạo tẻ.
– Đun phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.
Theo Tuổi Trẻ thủ đô