Phát hiện kinh ngạc: Nghèo có thể tẩy chất xám khỏi não bộ

Nghiên cứu mới đây đối với nhóm thanh thiếu niên tại Southern California cho thấy trẻ em tiếp xúc với bạo lực và bị sợ hãi thường thiếu sự đồng cảm khi trưởng thành. Đồng thời, cũng theo nghiên cứu này, nơi bạn sinh sống có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ.

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!
cach-hieu-dung-dan-ve-nhung-tac-dong-cua-doi-ngheo-den-su-phat-trien-cua-nao-110-163543
Theo một nghiên cứu với nhóm thanh thiếu niên ở Southern California, nơi bạn sống có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ não. (Ảnh: Mike Kemp/Getty Images)

Một cậu bé 15 tuổi ngồi xem đoạn video kể về câu chuyện của Malala Yousafzai, một cô gái trẻ người Pakistan đã giành giải Nobel Hòa bình. Cô là người đã may mắn sống sót sau khi bị Taliban bắn vào đầu khi đang đi xe bus năm 2012. Khi đó cô mới 15 tuổi.

“Tôi muốn được đi học và tôi muốn trở thành bác sĩ”, cô chia sẻ và nói thêm rằng Taliban đã tạt axit vào mặt một số người cũng như giết hại nhiều người khác, nhưng “họ không thể ngăn được tôi”.

Cậu bé dường như không hề động đậy trong suốt thời gian xem đoạn phim này trên máy tính xách tay bên trong viện nghiên cứu Brain and Creativity Institute của đại học Southern California – khuôn mặt cậu trống rỗng, vai cậu chùng xuống.

Khi được hỏi cậu cảm thấy ra sao về đoạn clip này, cậu đã trả lời với một cái nhún vai: “Em không biết”. Chẳng có gì cả. Chuyên gia nghiên cứu tiếp tục hỏi rằng sau này, khi lớn lên, cậu sẽ muốn trở thành người như thế nào?

– “Người tốt”, cậu đáp.

– “Em có muốn học đại học không?”

– “Có”

– “Em có kế hoạch gì sau khi tốt nghiệp đại học?”

– “Em chưa từng nghĩ đến điều đó”.

– “Em muốn được làm công việc gì?”

– “Em chưa từng nghĩ đến điều đó”.

Cậu bé là một trong số 73 thanh thiếu niên đến từ những gia đình có thu nhập thấp mà chuyên gia thần kinh học USC Mary Helen Immordino-Yang đang theo dõi trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của văn hóa, các mối quan hệ gia đình, sự tiếp xúc với bạo lực và những yếu tố khác tới việc hình thành tâm trí con người.

Những người được nghiên cứu đều sinh sống tại Southern California và họ được cho xem 40 đoạn phim ngắn khác nhau, mỗi clip truyền tải một câu chuyện có thật do chính nhân vật chính của câu chuyện kể lại.

Một số câu chuyện giống như của Yousafzai được lựa chọn bởi vì chúng đều gây xúc động và đầy cảm hứng. Sau đó người ta cho nhóm đối tượng này xem lại các phần trong những clip đồng thời sử dụng thiết bị MRI (máy chụp cộng hưởng từ) để ghi lại các phản ứng bên trong não bộ của họ.

Hai năm sau, những người này được mời quay trở lại phòng thí nghiệm Brain and Creativity Lab, một trung tâm đào tạo hybrid learning bao gồm phòng thí nghiệm chụp cộng hưởng từ, các phòng họp, những phòng triển lãm ảnh và nghệ thuật đương đại, và một hội trường lớn thường dùng để tổ chức các buổi diễn thuyết, thuyết trình khoa học và những buổi hòa nhạc. Quá trình thí nghiệm được lặp đi lặp lại để theo dõi những thay đổi của các đối tượng nghiên cứu theo thời gian.

cach-hieu-dung-dan-ve-nhung-tac-dong-cua-doi-ngheo-den-su-phat-trien-cua-nao-110-163545
Những hình ảnh chụp cộng hưởng từ sự phát triển của bộ não theo thời gian cho thấy những trẻ em sống trong môi trường bạo lực có kết nối thần kinh dần bị yếu hơn và ít sự tương tác trong các phần của não liên quan tới việc đánh giá và xử lý các vấn đề đạo đức. (Ảnh: Gregor Schuster/Getty Images)

Những kết quả ban đầu cho thấy một xu hướng đáng lo ngại đó là: các hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy những trẻ em nào lớn lên trong bối cảnh cuộc sống có liên quan tới mức độ bạo lực càng cao thì càng có thời gian thực kết nối thần kinh và tương tác trong các phần của não bộ liên quan tới nhận thức, phán đoán, đạo đức và xử lý cảm xúc yếu hơn.

Nghiên cứu của Immordino – Yang đóng góp vào một lĩnh vực đang phát triển được gọi là khoa học thần kinh liên quan tới đói nghèo. Tuy phần lớn nó vẫn dựa trên những mối tương quan giữa các mô hình não bộ và môi trường cụ thể nhưng nghiên cứu đã đưa tới một kết luận đáng lo ngại rằng: nghèo đói và những yếu tố thường đi kèm theo nó – bạo lực, tiếng ồn quá mức, gia đình hỗn loạn, ô nhiễm, suy dinh dưỡng, lạm dụng và cha mẹ thất nghiệp – có thể tác động tới những mối tương tác, hình thành và giảm bớt các kết nối trong bộ óc non trẻ.

Hai bài viết có ảnh hưởng gần đây đã mở ra một cuộc đối thoại công khai về vấn đề này. Trong bài viết thứ 1, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những trẻ em nghèo có ít chất xám (mô não giúp xử lý thông tin và điều khiển hành vi) hơn trong vùng hippocampus (hồi hải mã) của chúng (có liên quan tới bộ nhớ), thùy trán (liên quan tới việc quyết định, giải quyết vấn đề, kiểm soát xung động, phán đoán và hành vi xã hội và cảm xúc) và thùy thái dương (liên quan đến ngôn ngữ, xử lý hình ảnh và âm thanh và tự nhận thức). Khi kết hợp cùng với nhau, những vùng não này đều rất quan trọng trong việc theo dõi những hướng dẫn, chú tâm và học tập tổng thể.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics năm 2015 và được thực hiện với 389 đối tượng trong độ tuổi từ 4 – 22 tuổi. ¼ số người tham gia thuộc các gia đình có mức sống dưới mức nghèo của liên bang (theo tiêu chuẩn năm 2016, thu nhập hàng năm cho 1 gia đình 4 người là 24.230 USD). Trẻ em có hoàn cảnh nghèo khó có chất xám ít hơn rất nhiều và đạt điểm số thấp hơn trong những bài kiểm tra tiêu chuẩn.

Nghiên cứu quan trọng thứ 2 được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience cũng trong năm 2015 và được thực hiện với 1.099 đối tượng trong độ tuổi từ 3 -20 tuổi. Nghiên cứu này nhận thấy rằng trẻ em có cha mẹ thu nhập thấp hơn bị giảm các vùng bề mặt não so với những trẻ thuộc các gia đình có thu nhập từ 150.000 USD/năm trở lên.

“Từ lâu chúng tôi đã nhận thấy sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội trong vấn đề y tế và giáo dục”, Tiến sỹ Jack Shonkoff, giám đốc Trung tâm phát triển trẻ em của đại học Havard cho biết. Nhưng khoa học thần kinh hiện đang liên kết các vấn đề môi trường, hành vi và hoạt động của não bộ – và điều đó có thể dẫn tới một cuộc cải tổ đáng kinh ngạc trong cả hai chính sách giáo dục và xã hội, giống như nghĩ lại về những chương trình kiểu Head Start có truyền thống nhấn mạnh đến việc giáo dục từ nhỏ.

Theo ông, những cách tiếp cận mới có thể tập trung vào sự phát triển xã hội và cảm xúc do khoa học ngày nay cho chúng ta biết rằng các mối quan hệ và các mối tương tác với môi trường in dấu trên các vùng não kiểm soát hành vi (chẳng hạn như khả năng tập trung), và điều này cũng có thể tác động tới thành tích học tập (như việc học đọc).

“Hiện nay chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng sinh học”, Shonkoff nói, một trong những điều mà những phát hiện mới cuối cùng sẽ giúp chúng ta thực sự hiểu rõ về mối tương tác giữa tự nhiên và sự nuôi dưỡng.

Tình trạng bất biến của việc “Chiến đấu hay Bỏ chạy”

Khi nghĩ lại quãng thời gian tại trường phổ thông South Los Angeles, cô bé 19 tuổi Stephanie Vergara chỉ nhìn thấy hình ảnh của những chiếc máy dò kim loại, chó cảnh sát và những cuộc bạo loạn. Trường của cô từng bị phong tỏa trong suốt 1 tuần – các học sinh không thể rời trường hay tự do đi lại trong các hành lang bởi vì trường học lo ngại về hoạt động băng đảng bên ngoài cổng trường.

Vanessa, cô em gái 16 tuổi của Vergara nhớ lại những nỗi sợ hãi thậm chí còn tồi tệ hơn, chẳng hạn như lần cô đi cùng bạn mình tới phòng giáo dục thể chất và bị 5 cô gái khác xông vào đánh. Bạn của Vanessa bị đánh chảy máu bởi vì những cô gái kia nghĩ rằng cô bé này đang cố “chống đối”, Vanessa kể lại. Cả hai chị em đều chưa bao giờ thực sự cảm thấy an toàn ở ngôi trường đó.

Những người lạ, cả trẻ em lẫn người lớn đều tìm cách vào trường qua những chấn song bị gẫy trên các khung cửa sổ. Thành viên băng đảng sẽ xuất hiện sau khi tan trường và lảng vảng ở đó. “Họ luôn thiếu tiền và họ sẽ đợi các học sinh tan trường”, Vanessa kể.

Trường trung học có khá hơn đôi chút nhưng không phải thường xuyên. Vanessa vẫn nhớ vụ nổ súng ở gần trường học. Tất cả các học sinh được đưa tới phòng tập thể dục khi một trong những tay súng chạy vào trong trường.

cach-hieu-dung-dan-ve-nhung-tac-dong-cua-doi-ngheo-den-su-phat-trien-cua-nao-110-163548
Nhân viên cảnh sát trường học Los Angeles Ron Chacon (phải) bắt 2 sinh viên trốn học tại Santee High ở Los Angeles ngày 7/3/2006. (Ảnh: Brian Vander Brug/LA Times/Getty Images)

 

Vanessa và Stephanie lớn lên trong một ngôi nhà rộng khoảng 88m2 cùng với anh trai và chị gái. Cha mẹ họ là những người nhập cư và đã gặp gỡ nhau khi cùng làm việc tại một nhà máy may. Họ mua ngôi nhà này năm 1999 sau nhiều năm sống chắt bóp và tiết kiệm để có đủ tiền đặt cọc. Có ít nhất 4 băng nhóm khác nhau kiểm soát khu họ ở và các khu vực xung quanh nhưng gia đình nói rằng ít nhất thì ngôi nhà của họ cũng khá gần với các ngôi trường ở đó.

Năm 2013 Vergara tham gia vào nghiên cứu của Immordino-Yang – trở thành một trong những đối tượng được nghiên cứu, được cho xem hàng loạt những đoạn phim và trải qua nhiều lần chụp cộng hưởng từ. (Cô vẫn nhớ câu chuyện về một cô gái bị ung thư giai đoạn cuối đã nỗ lực kêu gọi mọi người quyên góp tiền cho việc chữa trị ung thư chỉ từ một bàn bán nước chanh). Câu chuyện này đã khơi gợi sự hứng thú của Vergara và khi cô biết được thông tin Immordino-Yang đang tuyển dụng thực tập sinh, cô đã không ngần ngại tham gia ứng tuyển.

Vergara được nhận vào làm và đã hỗ trợ chiêu mộ thêm nhiều người tham gia vào nghiên cứu này. Họ đều là hàng xóm của cô, những người sinh sống tại khu vực có tới 43% các hộ gia đình sống dưới mức nghèo – những hộ gia đình 4 người có mức thu nhập một năm là 24.230 USD (theo số liệu điều tra dân số Mỹ năm 2016). Ngay cả trước khi bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm, Vergara đã biết được cách nhìn nhận của những người sống trong các khu phố giàu có hơn đối với cuộc sống của cô cũng như lý do tại sao các nhà khoa học lại quan tâm tới việc nghiên cứu cô và các bạn học của cô.

Nhưng sau đó Vergara bắt đầu xem các hình ảnh chụp cộng hưởng từ của các bạn học của mình và hiểu rằng có điều gì đó rất đáng lo ngại đang diễn ra: “Bộ não của chúng tôi không thực sự phát triển giống như của những người sống trong các nhóm cộng đồng khác”. Vergara vẫn chưa biết rằng có một mối liên quan trực tiếp giữa hệ thống phản ứng lại căng thẳng của cơ thể với sự phát triển của não. Và nghèo đói vốn dĩ là yếu tố gây căng thẳng.

Cả hai chị em luôn biết khi nào thì khu vực họ sinh sống trở thành “điểm nóng”, nghĩa là nạn bạo lực của các băng đảng gia tăng. Họ biết khu vực nào thuộc quyền kiểm soát của băng nhóm Bloods, hay Back Street Crips, PJ Watt Crips, Main Street Crips hoặc Hoover Criminals. Họ biết người nào trong khu họ ở là những tay anh chị có “số má” và những đưa trẻ nào trong trường học của họ là “lính mới” của các nhóm tội phạm.

Vergara chưa bao giờ nhìn thấy ai đó bị bắn nhưng đã nhiều lần cô nghe thấy tiếng đạn xé gió phía bên ngoài phòng ngủ của mình. Theo Immordino-Yang, bạn không cần phải tận mắt nhìn thấy ai đó bị găm một phát đạn vào trước ngực do xung đột bạo lực. Khi tất cả cuộc khủng hoảng này thuộc về đặc điểm của môi trường sống, “nó sẽ truyền tới cơ quan sinh học của bạn rằng bạn đang ở trong một xã hội đáng sợ. Đó là một nơi nguy hiểm, nghĩa là nơi mà bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bạn không thể tin rằng những người khác là người tốt”, bà nói.

Trong tình trạng căng thẳng như vậy, các cấu trúc não bộ sẽ thay đổi. Các khớp nối thần kinh đặc biệt được điều chỉnh và những tế bào thần kinh của bạn xử lý khác nhau. Các hóc-môn căng thẳng trong não bạn bị kiệt sức. Đối với hầu hết mọi người, khi bị đặt vào điểm mấu chốt của phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”, sẽ giải phóng các hóc-môn bao gồm cortisol và epinephrine, giúp truyền năng lượng và sức sống cho cơ bắp.

Những dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, adrenaline và dopamine được truyền vào hạch hạnh nhân, từ đó kích thích não bộ điều khiển tim và phổi đập và khiến hô hấp nhanh hơn. Những cảm xúc và cảm giác bị đẩy lên mức báo động, và cả cơ thể đều căng lên để bỏ chạy hoặc chiến đấu vì sự sống của bản thân. Điều đó vượt quá cả sự căng thẳng – theo kết quả một nghiên cứu của trường King’s Colledge London phân tích 106 nạn nhân của các vụ trộm cướp, có tới 33% số người này bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trong khi 80% nạn nhân cho biết họ cảm thấy quá mức sợ hãi con người.

Giờ hãy hình dung mỗi ngày đều nhìn thấy hàng chục tội phạm bạo lực. Hãy hình dung rằng bất kỳ lúc nào họ cũng có thể xông ra từ chỗ ẩn núp và tấn công bạn, lấy cắp đồ của bạn, cưỡng hiếp bạn, nổ súng vào bạn. Các hóc-môn căng thẳng sẽ liên tục bị đẩy lên và sau một thời gian cơ thể bạn sẽ không có khả năng điều chỉnh lượng hóc-môn này giảm xuống. Não của bạn sẽ bị mắc kẹt trong tình trạng “chiến đấu hay bỏ chạy” – một loại căng thẳng mãn tính dẫn tới cản trở sự phát triển của các tế bào gốc, những liên kết giữa não và các tế bào thần kinh.

Phòng thí nghiệm của Immordino-Yang đang tiến hành các phân tích để tìm hiểu xem liệu việc tiếp xúc với bạo lực có gây cản trở sự phát triển các khả năng lập kế hoạch hiệu quả, xác định mục tiêu, đưa ra các quyết định phù hợp đạo đức, và duy trì sự ổn định cảm xúc của thanh thiếu niên hay không. “Hoạt động não bộ của họ ít có tổ chức hơn, phát triển kém và ít có hệ thống”, Immordino-Yang cho biết.

Tác hại tương tự cũng được thấy trong phản ứng với những hỗn loạn trong gia đình, bị bỏ rơi và bị lạm dụng. Có thể thấy rõ những tác động thần kinh sinh học này ở trẻ em và thanh thiếu niên nhưng nó cũng xuất hiện ở cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Một nghiên cứu của đại học Wisconsin-Madison với 77 trẻ em cho thấy các em bé được sinh ra trong những gia đình có thu nhập thấp thì ngay từ 5 tháng tuổi đã có dấu hiệu bị giảm các vùng chất xám ở vùng trán và thùy đỉnh so với những bé thuộc các gia đình giàu có. Nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác về hoạt động não bộ của trẻ nhỏ chỉ ra rằng những tác động đầu đời như vậy của việc đói nghèo có thể khiến não phát triển chậm hơn. Và đối với việc phát triển não, nếu bạn đã đứng sau ngay từ vạch xuất phát, bạn có thể sẽ không bao giờ đuổi kịp.

cach-hieu-dung-dan-ve-nhung-tac-dong-cua-doi-ngheo-den-su-phat-trien-cua-nao-110-163551
Các học sinh xếp hàng chờ để được cảnh sát quét máy dò kim loại trước khi được phép vào nhà ăn để ăn trưa. Các trường học có cảm giác như những nhà tù với những ô cửa sổ bị chặn, kiểm tra an ninh chặt chẽ và làm tăng mức độ lo lắng của rất nhiều học sinh, từ đó có thể khiến học sinh gần như không thể tập trung học tập. (Ảnh: Annie Wells/LA Times/Getty Images)

Thuyết ưu sinh mới?

Những tiêu đề xung quanh nghiên cứu thần kinh mới này đều gây ngạc nhiên và tạo ra rắc rối, chẳng hạn như “Đói nghèo tác động đến sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ như thế nào”, “Đói nghèo khiến não bị thu nhỏ ngay từ khi mới sinh”, “Tại sao người nghèo thường hay đưa ra những quyết định tồi”. Shonkoff cho rằng cách dùng từ kiểu này gây “nguy hiểm” và “chỉ có thể nói rằng ‘Chúng ta thấy mức độ trung bình thường có ít chất xám hơn, ít diện tích bề mặt hơn’.

Nó sẽ trở thành vấn đề khác nếu mọi người đi đến kết luận rằng ‘Bạn bị tổn thương não…’ Điều này xúc phạm đến người khác”. Nếu không có bối cảnh cụ thể, nghiên cứu não bộ liên quan đến đói nghèo có thể mang lại những niềm tin sai lệch liên quan đến sự bất bình đẳng chủng tộc ở góc độ trí tuệ hoặc mặc cảm vốn có của người nghèo. Nó cũng có thể bị lợi dụng để biện minh cho nạn phân biệt chủng tộc.

“Chúng ta thúc đẩy nguy cơ của những phát hiện này trở thành cơ sở cho một phong trào thuyết ưu sinh mới”, Mathew Hughey, giáo sư xã hội học của trường đại học Connecticut cho biết. “Nhận định dễ dàng bị phát tán rằng ‘những bộ não của người nghèo hoàn toàn khác biệt’ là một cách tiếp cận quá mức dễ dàng, đáng sợ và đơn giản là sai lầm”.

Theo Trung tâm đói nghèo quốc gia tại đại học Michigan, sự thật là một số nhóm thiểu số sống trong nghèo đói “vượt quá” mức trung bình của Mỹ. Theo số liệu điều tra dân số Hoa Kỳ, tính đến năm 2014, tỉ lệ đói nghèo quốc gia là 14,8%; 26,2% người Mỹ gốc Phi và 23,6% người Latinh là người nghèo; trong khi đó tỉ lệ này ở người da trắng là 10,1% và người Mỹ gốc Châu Á là 12%. Điều này chứng tỏ rằng tỷ lệ nghèo đói không đồng đều nhau giữa các nhóm người.

Những trẻ em thuộc nhóm thiểu số phải trải qua đói nghèo – và sau đó sẽ phải đối mặt với những thách thức phát triển nhận thức được đặt ra bởi khoa học – cuối cùng có thể phải gánh chịu những gánh nặng khác, đó là nhận định của W. Caron Byrd, trợ lý giáo sư tham gia nghiên cứu Pan-African của đại học Louiville: giả định này dựa trên những nghiên cứu và các bài báo cho rằng những trẻ em thuộc nhóm thiểu số “có năng lực kém hơn các bạn đồng trang lứa da trắng của chúng”.

Việc trưởng thành như một người thuộc nhóm thiểu số nghèo khó ở Mỹ không khiến người đó phải chịu nhiều tác động tới sự phát triển của não hơn – nhưng các vấn đề của nghèo đói cùng với cách xã hội đối xử với những nhóm người nghèo khổ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng. Sự phân biệt đối xử đối với những nhóm người phải sống trong các tòa nhà đổ nát, thiếu an toàn, ẩn chứa sự thiên vị chủng tộc từ các giáo viên, suy dinh dưỡng và những ngôi trường thiếu thốn nằm trong các cộng đồng nghèo khó có thể cản trở sự phát triển bình thường của não bộ.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại có thể khiến việc học tập gần như là không thể và ảnh hưởng tới nguyên nhân khiến những nhóm thiểu số như nhóm người Mỹ gốc Phi dường như bị mắc kẹt bởi nghèo đói hơn người da trắng. Rất dễ để thấy cách một mẩu thông tin nhỏ về những bộ não nhỏ hơn “có thể được dùng như một căn cứ cho những quan điểm hạn hẹp về bất bình đẳng xã hội và những người phải chịu đựng điều này trong xã hội”, Byrd cho biết. Nó bắt đầu dội lại một cách đầy nguy hiểm những tranh luận phân biệt chủng tộc từ các thế trước bởi những người được gọi là các nhà khoa học khi họ tuyên bố rằng người da đen có kích thước bộ não nhỏ hơn và do vậy kém thông minh hơn người Châu Âu.

Các nhà khoa học đứng đằng sau những nghiên cứu não này đều nhất trí rằng các công trình của họ có xu hướng bị tóm lược quá mức đơn giản trong những bài báo trên các phương tiện truyền thông và thậm chí cả trong những bản tóm tắt nghiên cứu. “Chẳng hạn, họ ám chỉ quan hệ nhân quả trong khi chúng ta chỉ thật sự có bằng chứng tương quan về vấn đề này”, chuyên gia thần kinh học Kimberly Noble của đại học Columbia đồng thời là người dẫn đầu nghiên cứu về bản chất khoa học thần kinh cho biết.

“Việc diễn tả những phát hiện khoa học theo cách này thường dẫn tới trình bày sai lệch các vấn đề khoa học. Bộ não không phải là định mệnh. Tôi không thể dự đoán chính xác kích cỡ bộ não thông thường của trẻ em sẽ phát triển như thế nào nếu chỉ dựa vào thu nhập của gia đình chúng”.

Thu nhập mà cha mẹ đứa trẻ kiếm được chỉ là một mảnh ghép trong cả bức hình: Shonkoff chỉ ra rằng “Bạn vẫn có những đứa trẻ sống trong nghèo khó nhưng các bộ não của chúng lại rất hoàn hảo”. Đó là bởi vì ở một mặt nào đó, nghèo đói chỉ là thước đo thu nhập. Bản thân yếu tố này không đồng nghĩa với một cuộc sống thần kinh sinh học bị tê liệt bởi sự căng thẳng do bạo lực hay bị lạm dụng.

Một số trẻ em sống trong các khu phố nghèo khó bị cai trị bởi các băng nhóm vẫn có thể lớn lên trong cảm giác an toàn vì cha mẹ chúng đã bảo vệ được chúng và có sự chuẩn bị về mặt cảm xúc cho chúng để có thể xử lý được những vấn đề rủi ro. Thông qua các mối quan hệ với cha mẹ, giáo viên và những người lớn khác – những người khiến chúng cảm thấy an toàn và dạy chúng các cách thức đối phó, hệ thống “chiến đấu hay bỏ chạy” của những đứa trẻ này không ngừng được nâng cấp, từ đó chúng có thể phát triển khả năng phục hồi “vùng đệm” giúp bảo vệ bộ não của chúng khỏi những điều không mong muốn.

“Đó là việc đưa hệ thống căng thẳng xuống mức cơ sở và xây dựng năng lực đối phó với vấn đề bạo lực hoặc nghèo đói”, Shonkoff cho biết. Trên thực tế đây là những điều gợi ý cho một giải pháp tiềm năng: Chúng ta cần phải dạy những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó cách đương đầu với sự căng thẳng ngay từ khi chúng còn nhỏ. Ngay cả khi nền tảng thần kinh của bạn bị yếu vì sớm bị tác động bởi nghịch cảnh thì “không bao giờ là quá muộn”, Shonkoff nói. “Bộ não vẫn tiếp tục phát triển”. Các mạch thần kinh rất dễ bị định hình bởi ảnh hưởng của môi trường.

Sự mềm dẻo thần kinh (neuroplasticity) của bộ não – khả năng tự điều chỉnh cấu trúc của nó – cao nhất ở thời điểm sơ sinh và những năm thơ bé, và sẽ bị giảm dần theo thời gian nhưng không bao giờ tụt về mức 0. Và trong độ tuổi từ 15 – 30, bộ não sẽ trải qua một giai đoạn bứt phá thứ 2 trong việc gia tăng độ mềm dẻo, có nghĩa rằng thanh thiếu niên và những người trưởng thành trẻ tuổi được huấn luyện và trải qua thực tế, có thể sẵn sàng đối phó với sự việc.

Để điều này có thể xảy ra, các chuyên gia hành vi trẻ nhỏ đều đồng ý rằng chúng ta cần suy nghĩ lại về những chương trình và chính sách xã hội đối với các cộng đồng nghèo khó, đầu tư vào những chương trình giúp giảm nạn tội phạm, ô nhiễm, quá đông đúc và lạm dụng, và tập trung vào việc hỗ trợ các bậc phụ huynh trong suốt giai đoạn 5 năm đầu đời của đứa trẻ.

Những chương trình mới sẽ không chỉ tập trung vào trẻ em mà còn dành cho cả các bà mẹ, những người lớn lên trong nghèo khó và kết quả là họ không được phát triển các kỹ năng xử lý tình huống, và do vậy khả năng cao là họ sẽ truyền lại điều đó cho con cái của mình. Có thể đưa thêm các khóa dạy về cảm xúc và xã hội vào những ngôi trường từ tiểu học cho tới trung học. Những khóa học này sẽ được thiết kế nhằm mục đích giúp trẻ em nhận diện và chú ý tới các cảm giác của mình, đặc biệt là khi phải đối phó với những chấn thương và sự căng thẳng.

Những khóa học như vậy có thể trở thành yêu cầu bắt buộc, giống như việc học đọc và học toán. Điều này sẽ cần tới một cuộc tái đánh giá lớn về những vấn đề ưu tiên của các tổ chức giáo dục và phát triển của chúng ta – và một số cách thức đầu tư cho bất kỳ chương trình và công cụ mới nào được cho là cần thiết.
Để có được điều này, có lẽ phải cần đến cấp độ quyền lực như của Quốc hội, các chính quyền địa phương, hội đồng nhà trường hay hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ.

Năm 2013, Clancy Blair của phòng thí nghiệm Khoa học thần kinh và giáo dục thuộc đại học New York đã thực hiện một nghiên cứu nhận thấy thời gian một đứa trẻ trải qua cảnh nghèo khó và sống trong một gia đình đầy hỗn loạn có liên quan đáng kể tới mức độ tăng cao của hóc-môn căng thẳng cortisol. Blair cho biết những phát hiện tương tự có thể kế thừa nghiên cứu trước đây có liên quan đến những kết quả sức khỏe bất lợi đối với thuốc lá, các loại đồ uống nhiều đường và đồ ăn vặt, và những chính sách được thay đổi cũng như việc chỉnh đốn các ngành công nghiệp đó.

Tương tự, những phát hiện như vậy trong nghiên cứu của Blair có thể được sử dụng để hỗ trợ pháp luật hay thậm chí là một vụ tranh tụng mang tính bước ngoặt nhằm vào những điều kiện sống quá mức chật chội, hay không đủ khả năng có nhà ở và chăm sóc em bé.

Những hệ thống khác góp phần tăng cường chu kỳ đói nghèo – trường học và cơ sở hạ tầng của cộng đồng nghèo nàn; những khu phố kém an ninh và nạn lạm dụng trẻ em không được kiểm soát; ô nhiễm môi trường; hay thiếu dịch vụ chăm sóc y tế, giao thông công cộng và không gian xanh – đều có khả năng phải đối mặt với những thách thức pháp lý hoặc các điều luật mới.

Những thiên thần

Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi Vergara kết thúc chương trình thực tập của mình với Immordino-Yang. Năm 2015 cô tốt nghiệp trung học với số điểm trung bình là 3,8 và có điểm thi SAT cao nhất lớp.

Hiện giờ cô đang theo học chuyên ngành kỹ thuật y sinh tại trường đại học San Jose State University bằng học bổng toàn phần. Cô cho biết một số người coi cô như một người may mắn sống sót – sau khi bạn học đại học biết được nơi cô lớn lên sẽ thỉnh thoảng hỏi thăm: “Làm thế nào bạn có thể thực hiện được điều đó?” Cô biết tại sao.

Trong suốt quá trình trưởng thành, nhà là nơi ẩn náu của cô. Cha mẹ cô không thể kiểm soát được những điều diễn ra ngoài phố, nhưng họ nắm toàn bộ quyền kiểm soát tất cả mọi thứ bên trong cánh cổng ngôi nhà của mình. Ngôi nhà của họ vẫn là một trong những nơi có khoảng sân tươi đẹp nhất trong khu phố với những bụi hoa hồng đủ màu sắc hồng, đào, đỏ và vàng đang nở rộ.

Bên trong nhà là phòng khách sạch bóng với những bức tường được sơn màu hồng và được trang trí bằng những bức ảnh gia đình được lồng khung, chẳng hạn như tấm hình em gái của Vergara trong một chiếc váy màu trắng đang cầm một bó hoa màu cam tươi sáng dành cho lễ trưởng thành quinceañera của mình. Hàng chục bức tượng nhỏ xinh, dễ thương như tượng gấu trúc, rùa, sư tử mẹ bên đàn con, tượng Nữ thần Tự do cùng vài bức tượng thiên thần… được đặt quanh kệ tivi.

Vergara ở cùng phòng với 2 chị em gái của mình và một cháu trai. Có lẽ một vài người sẽ nói rằng quá chật chội nhưng cô lại cho rằng như thế thật ấm cúng. Khi cha mẹ cô phải vật lộn xoay xở tiền bạc, họ không hề để các con mình biết điều đó; Vergara nhớ về sự tiết kiệm của họ gắn liền với những bữa cơm gia đình ngon miệng như món tacos với thịt lợn, khoai tây và cà rốt. Cha mẹ cô từng bước vươn lên trong công việc tại cùng một nhà máy nơi họ đã gặp nhau và cuối cùng họ đều được đề bạt làm quản lý giám sát các dây chuyền lắp ráp. Năm nay, họ đã trả xong khoản vay của mình.

Cha mẹ Vergara cũng khá nghiêm khắc với các quy định chặt chẽ về việc làm bài tập về nhà và quan hệ xã hội. Vergara tham gia vào đội bóng đá và bóng chuyền tại trường trung học của mình và việc này đã khiến cô quá bận đến nỗi không còn thời gian tiệc tùng. Nhưng cô luôn thoải mái nói chuyện cởi mở với cha mẹ mình, và họ khuyến khích cô và các anh chị em cô tìm kiếm những hình mẫu người lớn và người bảo vệ khác.

Những đứa trẻ này đã lớn lên cùng với việc biết rõ tên tuổi và mặt mũi của tất cả các thành viên băng nhóm trong khu chúng ở, nhưng chúng cũng biết rõ ai có thể đứng ra bảo vệ chúng nếu gặp rắc rối – chẳng hạn như chủ quán kem dưới phố và những người hàng xóm thân thiện cùng với chú chó đốm.

Huấn luyện viên đội bóng chuyền ở trường trung học của Vergara cũng tham gia nghiên cứu khoa học tại USC, và cô đã học hỏi về kỹ thuật y sinh từ ông. Sau đó cô quyết định theo học chuyên ngành này. Huấn luyện viên đã giới thiệu cô với Immnordino-Yang, và các chuyên gia nghiên cứu tại USC không chỉ dành thời gian để dạy cô về bộ não mà còn giúp cô viết đơn xin học đại học.

Vergara biết bản thân cô rất may mắn khi được gia đình nuôi dưỡng và quen biết những người hướng dẫn tốt bụng như vậy. Những người bạn cùng lớn lên với cô đã không có được những cơ hội hay các hệ thống hỗ trợ như thế.

Trong quá trình trưởng thành, Vergara luôn chú ý cách một số giáo viên và quản trị viên phân loại học sinh thành hai nhóm – những đứa trẻ mà họ tin rằng “có và không có tiềm năng”, và đối xử hoàn toàn khác biệt giữa hai nhóm này. Nhưng nghiên cứu khoa học mới này đã làm rõ hơn về các vấn đề hành vi bề ngoài hoặc học tập.

Khi nói đến sự phát triển của bộ não, nó thậm chí còn phức tạp hơn thế. “Nó có thể giúp khai sáng”, Vergara nói. Theo Immordino-Yang, cuộc cách mạng khoa học này mới chỉ bắt đầu và công trình nghiên cứu của ông cũng phát hiện thấy rằng những đối tượng thanh thiếu niên nào có khả năng phản ánh tốt hơn về vấn đề bạo lực mà họ chứng kiến sẽ chứng tỏ các mô hình kết nối não bộ có thể liên quan tới khả năng phục hồi cao hơn, cũng như làm tăng các cảm xúc của lòng từ bi và cảm hứng.

“Chúng ta bắt đầu có được sự đánh giá cao về tính phong phú của câu chuyện xã hội – căng thẳng xã hội của đói nghèo đang thực sự điều khiển những kiểu tác động như vậy và định hình sự phát triển não bộ và sự phát triển sinh học theo những cách mà chúng ta nghĩ rằng sẽ tồn tại trong suốt đời người”.

Related Posts

Chàng trai 28 tuổi mắc 16 căn bệnh do ăn nhiều mì tôm và thức khuya

Thêm một lời cảnh tỉnh nữa dành cho giới trẻ thường xuyên thức khuya và ăn thức ăn nhanh.Thank you for reading this post, don’t forget to…

Bé gái 4 tuổi mất thị lực, suýt mù lòa vì bố mẹ chiều, thường cho xem điện thoại hàng giờ

Đã có rất nhiều câu chuyện về tác hại của việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng… đối với trẻ nhỏ nhưng dường như…

101 mẹo dân gian nuôi con dễ ăn, dễ ngủ từ trong trứng cho đến tuổi thôi nôi

Với những mẹo nhỏ dưới đây đảm bảo các mẹ sẽ vô cùng nhàn khi nuôi con nhỏ.Thank you for reading this post, don’t forget to subscribe!…

9 lợi ích bất ngờ của cà phê với sức khỏe đã được kiểm chứng

Theo các nhà khoa học, uống cà phê điều độ không gây hại sức khỏe mà còn có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời.Thank you…

Không ngờ rằng 2 điểm này trên tay lại có thể chữa khỏi chứng đau vai gáy kinh niên, thật đáng tiếc rất nhiều người không biết

Đau vai gáy là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và hiện nay gặp cả ở người trẻ, nhất là những nhân viên văn phòng do…

Chuyên gia cảnh báo: Tuyệt đối không được bỏ qua 8 dấu hiệu sau của mắt, nếu không “lăn đùng ra đó” lại hối không kịp

Mắt mờ hoặc chảy nước mắt không rõ lý do có thể là những dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về gan,…