“Tôi bảo hai thằng con thay nhau hái thuốc về cho mẹ uống, lúc thì sắc uống, lúc thì giã uống rồi lấy bã đắp vào u. Mọi người thấy tôi uống lá cỏ cây dại mới bảo không biết nó là cây gì mà uống, nhỡ uống phải lá độc thì sao.
Nhưng lúc đấy tôi nghĩ đằng nào cũng chết, cứ uống biết đâu lại khỏi. Tôi cứ thế uống rồi thấy khối u lỏng dần, rồi nhỏ dần lại…”, bà Tiến kể.
Bệnh viện chụp ảnh tôi với khối u, nhìn cái ảnh là đã thấy án tử rồi
Nhìn bà Nguyễn Thị Kim Tiến (phố Mai Sơn, phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nhanh nhẹn, khỏe khoắn, ít ai nghĩ rằng năm nay bà Tiến đã 65 tuổi. Lại càng khó tin hơn khi biết bà đã từng mắc ung thư giai đoạn cuối, từng bị bệnh viện trả về… để chết nhưng rồi lại tiếp tục sống khỏe suốt 24 năm qua.
– PV: Thưa bà, được biết 24 năm trước bệnh viện trả bà về vì ung thư đã ở giai đoạn cuối. Hồi đó, bệnh tình của bà cụ thể như thế nào ạ?
– Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Hồi đấy tôi vẫn còn ở cái nhà tập thể 20m2 . Tôi làm công nhân trong Nhà máy mì chính Việt Trì. Ở tập thể nên phải tắm chung, các chị em mới bảo tôi là sao lại có cái hạch trên cổ. Trước đấy tôi không để ý. Khi nghe mọi người nói có hạch, tôi mới về soi gương, thấy đúng là có cái hạch bằng đầu ngón tay trên cổ thật. Lúc tôi thấy hạch thì không phải là năm 1991 đâu, mà trước đấy đôi ba năm rồi, nhưng vì không đau nên tôi cũng không đi khám xét gì cả. Sau rồi cái hạch mới to dần lên, lúc đó tôi lại tưởng là bị bướu cổ.
Đến lúc tôi thấy đau thì mới xuống Hà Nội khám. Tôi khám lần đầu, người ta bảo là hạch. Khám lần hai, họ lại bảo là không làm sao cả. Tôi lại về. Năm 1991, “cái hạch” vừa to vừa đau quá không chịu được, tôi lại đi khám lần thứ ba. Tôi mới “dũng cảm” bảo với người xét nghiệm là: “Chị ơi chị chọc cho em theo kiểu chân kiềng để xét nghiệm đi, em về đây mấy lần rồi, em biết mình bị bệnh nhưng cụ thể bệnh thế nào thì em đoán chưa ra thôi”. Bác sĩ bảo chọc thế có chịu được không, tôi bảo chịu được, thế là chọc. Chọc xong người ta bảo cứ ra ngoài hành lang ngồi một tiếng là có kết quả, mà bấy giờ vào bệnh viện chưa có lệ dấm dúi vào túi áo bác sĩ đâu, không phải “đút” một đồng nào cả. Tôi ngồi ngoài hành lang mà ù hết cả tai, mệt lắm, chọc xong thì khối u nó lại to kềnh lên, càng đau hơn.
Một tiếng sau, họ gọi: “Người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Tiến vào bác sĩ gặp riêng”. Tôi mới vào, tôi bảo: “Các con em còn bé, em từ Việt Trì về đây một mình thôi, có thế nào thì bác cứ nói, chứ em đã biết là em có cái án tử hình rồi”. Bác sĩ mới nói: “Cô nhạy cảm thế thì tôi cũng nói luôn là cô bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối rồi. Bây giờ nếu vẫn muốn xạ trị thì làm thủ tục, mà nếu không thì về, cố mà quây quần cùng chồng con được ngày nào thì được”. Bệnh của tôi đã đến nước ấy rồi cơ mà.
– Bà còn giữ bệnh án không ạ?
– Bấy giờ tôi đã cầm chắc cái chết rồi nên chả giữ lại bệnh án làm gì nữa, mà cũng đã hai mươi tư năm rồi… Nhưng bấy giờ các bác sĩ có chụp ảnh tôi với khối u đấy, rồi đánh số vào ảnh, nhìn cái ảnh thôi là đã thấy án tử rồi ấy chứ.
– Rồi bà có quyết định xạ trị không?
– Tôi làm gì có tiền mà xạ trị. Lúc ấy tôi bảo với bác sĩ là tôi đang nằm điều dưỡng ở một bệnh viện của Bộ Công nghiệp bên Đống Đa (nay là Bệnh viện Đống Đa – PV), tôi đi viện nhưng chồng tôi không biết. Tôi phải xin suất của người đã về hưu thì mới được vào viện đấy nằm, vì những người nghỉ hưu rồi mới có tiêu chuẩn điều dưỡng ở đấy mà. Tôi bảo: “Thôi bác sĩ cho em kết quả xét nghiệm để em mang về viện bên kia. Em nằm theo chế độ công nhân viên”. Lúc ấy bệnh viện còn bao cấp nên tôi không mất tiền. Rồi tôi báo về nhà, ông nhà tôi mới bán con lợn được 100 nghìn, mang tiền xuống. Nhìn tôi oặt oẹo, ông ấy cố pha trò cười bảo nhà mình có mỗi con lợn thì bán mất rồi đấy nhé. Tôi nằm thế, tiền bán con lợn bấy giờ cũng xạ được mấy lần.
Tôi cũng chỉ nằm được đến năm 1992 thôi thì bệnh viện xóa hẳn bao cấp. Một người cùng làm với tôi ở Nhà máy Việt Trì bấy giờ cùng nằm viện với tôi, là hộ độc thân, lúc đấy đã hơn 70 tuổi rồi, chị ấy bảo còn con đường cuối cùng là đi vào cửa Phật… Tôi cũng biết là mình chẳng còn đường nào khác nên nghe lời chị ấy, thế là chị ấy mới đưa tôi vào một ngôi chùa gần Gò Đống Đa để quy y. Quy y xong, tôi về lại Việt Trì.
– Lúc bệnh nặng nhất thì sức khỏe của bà đã ở mức nào rồi?
– Tôi về Việt Trì, vẫn nằm trong cái nhà tập thể 20m2. Tôi cảm giác rõ lắm là mình không sống được bao lâu nữa. Lúc ấy bạn bè xóm giềng đến chơi, người cho dăm đồng người cho ba đồng được 4 trăm nghìn để mua áo quan với làm ma.
Gặp lại vị sư thầy mà ngày xưa từng theo đi hái thuốc
– Bà bắt đầu uống cây cỏ từ bao giờ?
– Lúc đấy ngay trước cửa nhà tôi là bãi cỏ dại, người bình thường thì nghĩ tất cả đều là cỏ dại thôi nhưng tôi biết trong đó có rất nhiều cây thuốc. Tôi chỉ biết là cây thuốc thôi vì hồi trẻ con, mỗi lần đi chăn trâu là tôi lại theo sư thầy đi hái thuốc. Quê tôi ở gần chùa Tây Thiên dưới Vĩnh Phúc ấy, sư thầy cũng tu ở chùa gần đấy, sư thầy lại là bạn cùng tuổi với bố tôi nữa. Tôi bảo hai thằng con, một thằng 6 tuổi một thằng 10 tuổi thay nhau hái thuốc về cho mẹ uống, lúc thì sắc uống, lúc thì giã uống rồi lấy bã đắp vào u. Mọi người thấy tôi uống lá cỏ cây dại mới bảo không biết nó là cây gì mà uống, nhỡ uống phải lá độc thì sao. Tôi lúc đấy nghĩ đằng nào chả chết, cứ uống biết đâu lại khỏi. Thế là hai thằng con thay nhau hái lá, sắc, giã cho mẹ uống.
Cứ thế uống rồi thấy khối u lỏng dần lỏng dần, xong nhỏ dần lại. Rồi tôi bắt đầu đi được, nói được. Chứ lúc đầu tôi mới uống thuốc là không nói được, chỉ có nằm một chỗ thôi. Hơi thở thì cứ như có con chuột chết trong nhà, ai đến thăm cũng phải bịt mũi từ xa, không chịu được, kinh lắm. Tôi chỉ nằm trên giường không tắm rửa gì được, đến ngồi dậy còn không đủ sức mà ngồi nữa cơ. Tôi mới bảo thằng con 10 tuổi lấy kéo cứ thế túm tóc mẹ mà cắt, cắt càng ngắn càng tốt. Sau tôi uống thuốc được mấy tháng thì bắt đầu nói được lên hơi, lên câu.
– Vị sư thầy bà nhắc đến là như thế nào ạ?
– Quê tôi ở xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sư thầy tên là gì thì ngày ấy tôi bé quá không nhớ được. Chỉ biết sau này khi gặp lại thì tên thầy là Thích Thanh Phong. Bố sư thầy là ông lang người Hoa, gánh hai bồ thuốc đi khắp nơi chữa bệnh. Rồi gặp mẹ thầy là người quê tôi, sau sinh ra thầy. Bố tôi bằng tuổi với sư thầy, tôi thấy bố tôi kể thầy được ông bố truyền lại cho các bài thuốc Nam để chữa bệnh cứu người. Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần đi chăn trâu là tôi lại theo thầy đi hái thuốc. Tôi cũng không biết đâu, thấy thầy hái cây nào thì mình cũng tìm cây giống hệt như thế mà hái thôi.
Rồi khoảng thời gian chiến tranh biên giới phía Bắc, sư thầy sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc nhưng bố là người Hoa chính gốc nên ít nhiều cũng liên lụy. Bà con mình đốt chùa mà sư thầy tu, thế là sư thầy phải gánh hai bồ thuốc đi khắp nơi, làm ông lang đi chữa bệnh. Sau đấy sư thầy đi đâu thì tôi không biết. Bố tôi là bạn cùng tuổi, từ bé lớn lên với thầy mà cũng không biết, bố tôi cứ đi tìm thầy mãi.
– Thế nghĩa là bà cứ uống cây cỏ theo trí nhớ hồi bé rồi khỏi ung thư ạ?
– Đúng là hồi đấy tôi uống lá thuốc cứ như con bò ăn cây cỏ chứ có biết gì đâu. Nhưng cũng không hẳn là thế. Hồi tôi uống xong, bắt đầu nói được, rồi dần dần đi được thì tôi nhớ lời sư thầy dưới Hà Nội dặn: “Nếu con còn đi được, thì cứ ở đâu có chùa là con đến lễ Phật thôi chứ không phải về tận Hà Nội làm gì, Phật tại tâm con ạ”. Nhớ lời thầy dặn thế nên tôi mới bảo thằng con lớn chở tôi xuống chùa Hoa Long, bấy giờ cả Việt Trì có mỗi chùa Hoa Long đó thôi chứ chưa có nhiều chùa như bây giờ. Thằng con tôi chở xuống, mà lai bằng xe đạp chứ lúc đấy đã làm gì có xe máy, nhà lại nghèo, bệnh thì nan y.
Chùa Hoa Long cách nhà tôi độ hai cây số. Khoảng hai tháng sau, một người hàng xóm sang bảo với tôi có cái chùa mới cách chùa Hoa Long cũng độ hai cây số, khánh thành, các đoàn ở khắp nơi công đức bao nhiêu là tượng Phật, tôi có đi thì người này chở đi cùng. Tôi mới bảo: “Vâng, bá cho em đi mấy”. Chùa đó tên là A Lốc Tự, dân quanh vùng quen gọi là chùa Mộ Xi.
Đến nơi, tôi thấy sư cụ đang hô thần nhập tượng, đến lúc làm lễ xong, cụ quay người lại thì tôi nhận ra chính là sư thầy ở dưới Vĩnh Phúc, chính là người mà mình theo đi hái thuốc hồi trẻ trâu, chính là bạn của bố mình. Tôi mới chạy theo kéo vạt áo cụ. Cụ quay lại mắng: “Nhà chị này giỏi nhỉ, sao dám kéo áo nhà sư?”. Tôi mới bảo: “Cụ ơi, cụ bỏ đi chẳng nói câu nào, làm thầy con cứ đi tìm”. Cụ hỏi lại: “Mày là con nhà nào?”. Tôi mới nói: “Con là con ông Quất ở dưới Tam Dương đây mà. Ông Quất lão thành Cách mạng tiền khởi nghĩa, là bạn cùng tuổi cùng lớn lên với thầy ấy ạ. Ngày bé con đi chăn trâu, thầy vẫn dẫn con theo hái thuốc cùng thầy”.
Quan trọng nhất là phải sống lạc quan và hướng thiện
– Nghe nói sau đó sư thầy đã truyền lại nghề thuốc cho bà?
– Cũng gần gần như thế thôi. Nhưng sau khi tôi gặp lại được cụ, thì cụ còn “thử thách” tôi lâu lắm, 8 năm cơ mà. Ban đầu khi thầy con gặp lại nhau, sư cụ hỏi gia cảnh, bố mẹ tôi, rồi cụ kể về việc “bỏ đi” của cụ, tiếp đến cụ hỏi han về sức khỏe của tôi. Cụ là thầy thuốc nên nhìn sắc mặt tôi là cụ biết ngay tôi có trọng bệnh trong người. Tôi cũng thở vắn than dài với cụ là: “Con bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả con về. Con tưởng là con chết rồi cơ, nhưng con cứ lấy lá cây cỏ như hồi con theo cụ đi hái thuốc ấy, con uống rồi con đỡ, sống thêm được đến ngày gặp lại cụ như thế này”.
Rồi cụ dắt tôi đi khắp vườn chỉ các cây thuốc, hỏi cây này biết chưa, tôi bảo: “Con biết rồi cụ ạ”. Sau cụ lại hỏi những cái cây ngoài vườn sắn là cây gì thì tôi bảo những cây này con uống mãi rồi, nhưng con vẫn không biết nó là cây gì cả, con cứ dứt về uống thôi. Cụ lại hỏi: “Cây chỉ thiên mà mày không biết à?”. Tôi gãi đầu gãi tai nói: “Con có uống, con chỉ biết là cây uống được thôi chứ con không biết tên nó là gì. Ngày trước con đi hái thuốc cùng cụ thì con biết nó là cây thuốc thôi”. Từ bấy, mỗi ngày cụ truyền cho tôi một ít kiến thức, tôi vừa uống cây cỏ theo bài thuốc cụ cho, vừa ăn chay niệm Phật. Đến năm 1999 thì cụ làm lễ cho sách vở (sách chữa bệnh – PV), cũng năm ấy tôi đi khám lại thì không còn ung thư trong người nữa.
– Bài thuốc mà sư cụ cho bà uống gồm những loại cây cỏ nào ạ?
– Tôi không nói được đâu. Khi làm lễ truyền nghề lại, cụ dặn là không được cho người thứ 3 biết, đây là những kiến thức gia truyền của dòng họ nhà cụ, vì cụ đi tu, không con cái nên cụ truyền lại cho tôi. Sách vở cụ truyền lại, đến chồng con tôi cũng không được biết cơ mà.
– Tất cả các bài thuốc cũng đều cùng mục đích là để cứu người, bà có ngại người ta sẽ nghĩ là bà cố ý giấu để… trục lợi như không ít “lang vườn” hiện nay không?
– Trụ trì chùa A Lốc bây giờ cũng có ý xin cuốn sách của cụ Thích Thanh Phong nhưng tôi không giao lại được. Tôi chỉ nghĩ rằng hẳn cụ phải có cái khó riêng, như kiểu chém cột nhà thề chỉ truyền nghề cho con trưởng ở ta chẳng hạn, thì chắc cụ cũng phải thế để giữ đạo hiếu với tổ tiên. Chứ cụ đã là người tu hành thì không bao giờ có lý do là vì lợi ích cá nhân đâu. Hồi làm lễ truyền lại các bài thuốc cho tôi, cụ còn dặn đi dặn lại là đừng tham kiếm tiền trên nỗi đau người bệnh, làm tiền theo cách đó thì lộc dù có đến thì lộc cũng sẽ đi, mà cái đi còn nhiều hơn cái đến gấp nhiều lần. Tôi là người từ cõi chết trở về nên tôi hiểu hơn ai hết những đau đớn của người bệnh, tôi đã hứa rằng: “Con học nghề từ cụ, trước mắt là để con tự chữa cho con, sau rồi có chữa cho người ta thì con cũng chỉ cọc cạch vài đồng lấy tiền đủ sinh hoạt hai vợ chồng thôi”.
– Nhưng rồi cũng phải đến lúc bà truyền lại những bài thuốc ấy cho một người nào đó chứ không thể để thất truyền được?
– Tôi cũng vẫn đều đặn lấy cây thuốc, phơi khô, đóng gói rồi gửi xuống chùa A Lốc để nhà chùa chuyển đến những bệnh nhân có nhu cầu. Nhưng không phải chỉ trông chờ vào thuốc mà được đâu, cái quan trọng không kém nữa là phải lạc quan, tinh thần phải thoải mái và nhất là phải sống hướng thiện thì thuốc mới phát huy tác dụng. Còn về truyền lại thì chắc là để tùy duyên thôi, hữu duyên thì ắt sẽ gặp, cũng giống như tôi đã gặp lại sư cụ sau bao nhiêu năm cụ “mất tích”. Cũng có thể tôi sẽ lại truyền nghề cho ai đó giống như là sư cụ đã truyền lại cho tôi. Tùy duyên mà!
Theo Myeva