GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, Aflatoxin có trong thực phẩm bị mốc là một trong những thủ phạm gây ung thư gan.
1 gia đình 2 người mắc ung thư gan – nỗi đau từ sự thiếu hiểu biết
Bà Phạm Thị T. (72 tuổi ở Nam Định) cảm thấy cuộc sống như sụp đổ trước mắt vì liền 1 lúc bà và cậu con trai 45 tuổi đều nhận được kết luận bị ung thư gan. Bà T. cho biết, gần đây, bà thấy mình có hiện tượng chán ăn, vàng da, thỉnh thoảng đau ở vùng gan… nên bà bảo con đưa đi khám.
2 mẹ con bà T. đưa nhau đến khoa Tiêu hóa của 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám bệnh. Sau khi nhìn thấy anh con trai bà T. cũng có biểu hiện vàng da, xuất huyết dưới da, bác sĩ khuyên anh nên làm thủ tục để khám luôn. Sau khi được siêu âm, chụp CT gan từ nhiều góc độ, làm xét nghiệm AFP, bác sĩ kết luận cả 2 mẹ con đều bị ung thư biểu mô tế bào gan.
Trường hợp này, theo tìm hiểu của bác sĩ, bệnh nhân không hút thuốc, có uống bia rượu nhưng không ở mức thường xuyên và không sử dụng số lượng nhiều, gia đình không có tiền sử bệnh viêm gan do virus, vì vậy nguyên nhân bị ung thư gan rất khó xác định.
Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi đến thói quen ăn uống, bệnh nhân mới kể rằng cả gia đình đều rất thích ăn lạc và thường dự trữ một lượng lạc lớn trong nhà để ăn quanh năm.
Do thời tiết ẩm, lạc cũng bị mốc nhưng do kinh tế khó khăn, cảm thấy tiếc rẻ nên bà T. chỉ cố gắng nhặt bỏ những hạt lạc lộ mốc ra ngoài, còn những hạt lạc mốc bên trong mà bên ngoài còn nguyên vẹn thì không thể loại bỏ hết được. Gia đình bà cứ để thế ăn mà không nghĩ rằng đây lại là nguyên nhân gây ung thư cho gia đình mình.
GS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội sinh học Việt Nam cảnh báo, loại mốc tự nhiên sinh ra từ các loại ngũ cốc sản sinh ra các độc tố trong đó có aflatoxin B1 là một độc chất gây ung thư gan. Aflatoxin có trong lạc mốc, ngô, một số loại hạt có dầu, trong lúa gạo, khoai mì, sữa mốc và các thực phẩm chế biến từ nguyên liệu này như cơm, xôi, tương, rượu để lên men tự nhiên.
Đặc biệt, GS Nguyễn Lân Dũng cảnh báo Aflatoxin B1 rất dễ có trong sản phẩm tương làm thủ công, để nấm mốc lên men tự nhiên và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Aflatoxin – độc tố đã được chứng minh có thể gây ung thư
Aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản gạo, ngô, lạc, đậu, hạt hướng dương… trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam.
Không chỉ có nông sản, các thực phẩm như tôm khô, mực khô, trái cây khô… nếu chế biến, bảo quản không đúng cách cũng dễ phát sinh nấm mốc. Thậm chí, ngay cả thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói, để trong tủ lạnh thì vi khuẩn vẫn có thể phát triển nếu để quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu.
Không chỉ nhiễm độc trực tiếp, người vẫn có thể nhiễm aflatoxin nếu ăn phải thịt động vật được nuôi bằng ngũ cốc ô nhiễm aflatoxin, vì thế nhiều người không ăn thực phẩm bị nấm mốc mà đem cho động vật ăn thì nguy cơ cho con người vẫn rất cao.
Aflatoxin là một loại độc tố rất mạnh được WHO xếp vào nhóm hỗn hợp tự nhiên của các loại độc tố nấm mốc (sinh ra do nấm mốc) nằm trong danh sách 116 chất gây ung thư ban hành năm 2015. Các nghiên cứu ở những vùng có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, Aflatoxin là một trong những thủ phạm gây ung thư gan. Aflatoxin gây hại khắp cơ thể nhưng ưa nhất là gan. Nếu chẳng may ăn phải thực phẩm có chứa độc tố này, dù chỉ một liều lượng rất nhỏ, Aflatoxin cũng có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng.
Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị nhiễm viêm gan B mà ăn phải nấm mốc có chứa Aflatoxin thì nguy cơ ung thư sẽ tăng gấp 60 lần so với người chỉ nhiễm viêm gan B.
“Nhiều bà nội trợ thấy gạo, đậu bị mốc… nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thực chất độc tố của các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao”, GS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo.
Theo tài liệu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, độc tố Aflatoxin rất bền vững ở nhiệt độ cao. Các nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, khi đem lạc mốc rang lên ở nhiệt độ cao, các bài tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Vì vậy, nếu nghi ngờ thực phẩm bị mốc hoặc chớm mốc cũng cần kiên quyết loại bỏ hoàn toàn.