Giá đỗ là loại thực phẩm không chỉ bổ dưỡng mà còn thanh nhiệt rất tốt. Tuy nhiên, để tăng năng xuất và kích thích người mua, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng hóa chất độc hại từ khâu đầu đến khâu cuối.
Hơn 2 tấn giá đỗ tẩm hóa chất bị tiêu hủy
Ngày 7/10, Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó Trưởng Công an thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết công an thành phố vừa phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy hơn 2 tấn giá đỗ có ủ hóa chất kích thích tăng trưởng.
Trước đó, ngày 29/9, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường-Công an thành phố Huế tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh làm giá đỗ của ông Trần Công Thành, phát hiện cơ sở của ông này có 30 tạ đỗ xanh và 4.000 ống hóa chất lạ dạng nước dùng để làm giá đỗ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận có 44 thùng giá đỗ đang ủ chờ xuất ra thị trường.
Làm việc với công an, ông Thành thú nhận mỗi thùng được trộn 10kg đậu xanh và khoảng 20 lít nước, pha với 2 ống hóa chất kích thích tăng trưởng sẽ cho ra khoảng 60 đến 70kg giá đỗ. Toàn bộ số số hàng hóa nói trên ông Thành mua trôi nổi trên thị trường.
Người tiêu dùng lo lắng trước thông tin giá đỗ tẩm hóa chất bán tràn lan thị trường Việt
Chỉ vì lợi nhuận trước mắt nhiều cơ sở sản xuất đã “vô tư” đầu độc người tiêu dùng khi sử dụng chất salbutamol tạo nạc cho lợn, cho gà ăn chất vàng ô; tẩm thịt lợn nái thành thịt bò; sản phẩm rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoa quả bị nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản, và giờ đây là rau giá tẩm hóa chất, kích thích tăng trưởng.
Chị Nguyễn Thị Mai, quận Cầu Giấy, Hà Nội lo lắng: “Thời gian gần đây báo đài đưa tin về hàng loạt các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn bị bắt giữ do sử dụng các chất độc hại, hôm qua mới nghe tin thịt lợn nái bị tẩm thành thịt bò, hôm nay thì giá đỗ tẩm hóa chất, kích tăng trưởng tôi thấy vô cùng lo lắng, gia đình tôi thường xuyên mua giá đỗ về ăn mà không biết nên mua thế nào để được loại sạch không có hóa chất vì ra chợ chỗ nào cũng thấy bán thật giả lẫn lộn”.
Cô Hồng Thị Xuân (44 tuổi Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Thực phẩm nào cũng nghe nói có chất độc hại, thì người tiêu dùng biết chọn loại nào, đến giá đỗ cũng tẩm hóa chất thì chịu rồi, ăn gì mới sạch, mới tốt. Tôi chỉ mong sao các cơ quan Nhà nước phải quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất trái phép, đầu độc người dân”.
Trên thực tế, nhiều trường hợp rau sạch được bày bán ở các siêu thị có bao bì in tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, nhưng khi kiểm tra lại là rau được thu gom từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, đem về đóng gói nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Giá đỗ tẩm hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
PGS, TS Trần Đáng (Nguyên Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế – Chủ Tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Chứng Năng Việt Nam), cho biết: “Giá đỗ là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng, đặc biệt cung cấp rất nhiều Vitamin và nhiều chất dinh dưỡng khác, nhưng chỉ vì lợi nhuận nhiều cơ sở đã sử dụng các hóa chất làm kích thích sự phát triển đó là những chất rất độc hại trong danh mục phụ gia bị cấm sử dụng, trong danh mục sử dụng của bộ Nông nghiệp cũng không được phép dùng.
Việc sử dụng hóa chất để ngâm giá đỗ sẽ gây nhiều tác hại, đầu tiên là gây tích lũy chất độc trong cơ thể, biến đổi chức năng gan, thận, thậm chỉ là chức năng về thần kinh.
Thứ hai, nếu sử dụng lâu dài các chất được ủ trong giá đỗ còn gây biến đổi gen tạo các khối u ác tính”.
Ngoài ra trong hóa chất ủ trong giá đỗ còn chứa Soda ASH Light, nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính vô cùng nguy hiểm.
Cách phân biệt giá đỗ ủ hóa chất độc hại và giá đỗ sạch an toàn
Để giúp người dân có thể mua được loại giá đỗ sạch, an toàn, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc gặp với bác Trần Thị Hoa (52 tuổi, Mai Dịch, Hà Nội), chuyên làm giá đỗ theo phương pháp truyền thống
Bác Hoa chia sẻ: “Gia đình làm giá đỗ cũng được 7 năm nay, 100% làm theo phương pháp truyền thống do ông bà truyền dạy, không cần sử dụng hóa chất giá vẫn rất ngon. Để phân biệt được giá đỗ ngon và giá đỗ có hóa chất rất đơn giản, mọi người chỉ cần chú ý quan sát thật kĩ về hình dạng, kích thước. Giá đỗ sạch được ngâm ủ trong nước sạch và không tẩm hóa chất thường có kích thước bằng một nửa loại giá sử dụng nguyên liệu và ngâm hóa chất độc hại.
Giá đỗ dùng chất hóa chất trông béo, mập, vô cùng hấp dẫn nhưng giòn, dễ bị đứt đoạn. Hạt mầm thường nhỏ, thậm chí không có hạt mầm bám trên thân giá. Khi xào nấu, giá ra nước nhiều, và khi ăn thường không có mùi thơm của đậu”.
Ngoài giá đỗ còn có thể nhận biết bằng lá, màu sắc và rễ của giá đỗ.
“Giá đỗ sạch có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ lấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh trong khi giá ngâm hóa chất có 2 hạt mầm đóng chặt với nhau
Giá ngâm thuốc kích thích sẽ có màu trắng muốt nhìn rất bắt mắt, còn loại giá thông thường có màu trắng nhạt hoặc màu sữa. Giá đỗ không ủ hóa chất có rễ dài như sợi chỉ trong khi loại giá đỗ có hóa chất không có rễ hoặc nếu có thì rễ rất ngắn”, bác Hoa nói.