Nhu cầu vui chơi của trẻ con là vô tận, các bậc cha mẹ thường đau đầu tìm chỗ vui chơi cho con vào các dịp cuối tuần, ngày lễ. Tình trạng các công viên, siêu thị đông nghịt trẻ con vào các ngày nghỉ rất dễ bắt gặp.
Nhưng trẻ con rất thích các trò chơi vận động ngoài trời, phải chạy nhảy, phải đuổi rượt và la hét, vì thế nhiều khu vui chơi dành cho trẻ con mọc lên khắp nơi, hầu như khu phố, quận huyện nào cũng có. Và trong tất cả các trò chơi, thì nhà nhún là bọn trẻ khoái nhất, vì được nhún nhảy và hò hét tẹt ga mà không bị ai ngăn cấm như ở nhà.
Nhưng trước khi quyết định cho con chơi tại một lâu đài nhún nào thì mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng nhé, vì đôi khi các nhà nhún ấy chứa đầy vi khuẩn gây bệnh cho trẻ, vì đa số không được giặt rửa thường xuyên.
Dưới đây là trường hợp một cậu bé 10 tuổi dự một buổi tiệc sinh nhật và tham gia trò chơi lâu đài nhún (nhà hơi), sau đó cơ thể bé mọc đầy các vết lở loét.
Brenda Sanderson, mẹ của cậu bé cho biết, da của con trai bắt đầu mọc hàng loạt các vết lở trên khắp cơ thể sau khi chơi trò chơi lâu đài nhún.
Ban đầu cô nghĩ là bị bỏng từ việc tiếp xúc với nhựa nóng, nhưng khi vết thương bắt đầu chảy mủ và trở nên tồi tệ trong ngày hôm sau, cô quyết định đưa con đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ cho biết các vết loét đã tồi tệ hơn nhiều, cậu bé đã bị nhiễm tụ cầu khuẩn nặng do chơi ở một nơi bị ô nhiễm, lâu đài nhún do không được làm sạch sau khi hàng ngàn trẻ em đầy mồ hôi đã chơi trong đó. “Nhiễm tụ cầu khuẩn đến từ một nơi hoặc một vật mà không được rửa hoặc làm sạch đúng cách, sẽ bắt đầu thu hút vi khuẩn”, bác sĩ cho biết.
Qua sự việc này, các mẹ nên chú ý hơn khi cho con chơi nhà nhún nhé! Những ngôi nhà nhún này có vẻ vô hại, nhưng lại có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ.
Ở Việt Nam, trò chơi này rất thịnh hành, và được đa số các bé yêu thích. Tuy nhiên, chúng ta không biết là chúng có được thường xuyên kiểm tra độ an toàn, cũng như vệ sinh sạch sẽ hay không? Những việc đó là tùy thuộc vào các chủ khu vui chơi.
Nếu các bậc cha mẹ đang nghĩ đến việc cho con chơi nhà nhún tại các khu vui chơi gần nhà, hãy kiểm tra với người chủ về quy trình vệ sinh của họ, để đảm bảo rằng con mình đang chơi trong một môi trường sạch sẽ. Hoặc mẹ có thể quan sát trực tiếp nhà nhún, nếu phát hiện không được sạch sẽ, cáu bẩn, cũ nát, cha mẹ có thể cho con đến chơi ở một nơi khác sạch sẽ hơn.
Nếu sau khi chơi nhà nhún về, con đột nhiên mọc các vết lở loét, mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay nhé!
Mẹ cùng tìm hiểu về nhiễm tụ cầu khuẩn
Nhiễm tụ cầu khuẩn là do các loại vi khuẩn, vi trùng thường được tìm thấy trên da hoặc trong mũi, ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp phải.
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn tụ cầu thay đổi tùy theo khu vực bị ảnh hưởng, nhưng đây là một số điều mẹ nên lưu ý:
– Nhiễm trùng da: Sưng đỏ, nóng, đau vùng da bị viêm (viêm mô tế bào) hoặc kèm theo có ổ mủ (nhọt, áp xe).
– Ngộ độc thực phẩm: Vi khuẩn gây bệnh bởi một loại độc tố ruột trong thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, đa số được lây nhiễm từ người lành mang mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh ngắn khoảng 1-6 giờ sau khi ăn, bệnh nhân nôn, đau bụng, ỉa chảy.
– Nhiễm trùng huyết (ngộ độc máu): Triệu chứng ban đầu gồm sốt và mệt mỏi, uể oải, yếu hoặc lú lẫn. Người bệnh có thể nhận thấy nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn bình thường. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng huyết có thể gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể, gây khó thở, khiến người bệnh bị tiêu chảy, nôn và làm xáo trộn suy nghĩ.
– Hội chứng sốc độc tố: Triệu chứng bao gồm 1 đợt sốt cao vào giai đoạn đầu, có thể lên > 39,50C, giảm huyết áp tâm thu. Sau đó là triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và ỉa chảy (giống với ngộ độc thức ăn), sau đó vài ngày là triệu chứng của ban đỏ (giống sốt scarlet). Gan bàn tay và gan bàn chân bị bong vảy vào giai đoạn muộn.
– Viêm khớp, viêm xương nhiễm khuẩn: Sưng nóng, đỏ, đau phía trên xương, khớp kèm giới hạn cử động.
Nguồn webtretho