Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao mỗi khi thất tình, đau khổ trong chuyện tình cảm, bạn lại chẳng thiết ăn uống gì hay không?
Chúng ta đã khá quen thuộc với khái niệm bộ não – cơ quan điều khiển mọi chức năng, suy nghĩ và phản xạ trong cơ thể – nằm ở trong hộp sọ của chúng ta. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu mới đây đã cung cấp thông tin chứng minh rằng chúng ta có bộ não thứ hai. Nhóm ASAP Science đã giải thích vì sao nhóm dây thần kinh – được gọi là hệ thần kinh ruột – nằm trong ruột của chúng ta, có tác dụng điều khiển nhiều hơn là chúng ta có thể biết.
Trong nghiên cứu của ASAP Science, họ đã giải thích bộ não thứ hai này thực sự kiểm soát toàn bộ hệ tiêu hóa của chúng ta, cũng như là nơi nhiều cảm xúc được xác định. Hãy lấy dopamine và serotonin – hai hormone tạo cảm xúc tích cực trong cơ thể – làm ví dụ. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng hai hormone này được sản xuất bởi những vi khuẩn trong đường ruột.
Điều này có thể giải thích vì sao chúng ta thường đổ bệnh khi khiếp sợ điều gì đó, khi đau khổ thất tình thì chẳng thiết đến ăn uống và có cảm giác muốn đi vệ sinh khi bồn chồn, lo lắng. Tất cả những điều đó xảy ra là do bộ não thứ hai của chúng ta. Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy sự tương quan giữa những vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm với mật độ thấp của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, mà về mặt lý thuyết, có thể mở ra lối đi cho những nghiên cứu mới tìm cách điều trị cho bệnh.
Và các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể giải thích cho việc thèm ăn món gì đó bởi vi khuẩn trong đường ruột sẽ gửi tín hiệu thẳng đến não – bộ não mà chúng ta vẫn biết từ xưa đến nay – khi có nhu cầu cho một loại thức ăn nào đó. Hiểu đơn giản hơn, đây là một cách kết nối nhanh giữa não và dây thần kinh trong ruột để giúp chúng ta ăn đúng loại thực phẩm để sinh tồn. Đó là lý do vì sao chúng ta không ăn thực phẩm ôi thiêu bởi ta biết nó sẽ khiến mình bị ốm.
(Nguồn: cosmopolitan)
Theo Newben / Trí Thức Trẻ