Nếu bạn tìm được chỗ bán thịt an toàn thì bất kì bộ phận nào của con lợn cũng đều ăn được, đặc biệt là bì lợn.
Bì lợn (da heo, da lợn) là món ăn chứa hàm lượng protein cao nổi trội trong nhóm thực phẩm từ thịt lợn. Nhưng tiếc rằng hiện nay nhiều người mua thịt không lựa chọn mua cả bì, mà thường yêu cầu người bán cắt bỏ.
Trước đây, bì lợn được nhiều người cao tuổi chọn mua và sử dụng thường xuyên nhưng ngày nay không nhiều người có sở thích ăn món này như trước. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bì lợn không chỉ có độ dẻo dai mềm mại, màu sắc, hương vị đặc trưng mà còn chứa những chất dinh dưỡng tốt với làn da, gân, xương, tóc của con người.
Bì lợn có vị ngọt, mát, giải nhiệt và hỗ trợ hô hấp hiệu quả. Bên cạnh đó, bì lợn còn có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe sinh lý, giúp tăng cảm giác ham muốn. Các nhà khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng những người ăn bì lợn thường xuyên có khả năng chống lão hóa và ngừa ung thư hiệu quả. Tác dụng này là nhờ bì lợn chứa một lượng lớn collagen, có thể làm chậm sự lão hóa của các tế bào cơ thể.
Bì lợn là một món ăn quý như một vị thuốc bổ, đặc biệt có tác dụng bổ âm. Phụ nữ nên ăn thường xuyên món này với số lượng phù hợp để giữ ẩm cho làn da, làm cho tóc sáng bóng, giảm lão hóa, làm mờ các vết nhăn nheo trên da. Ngoài ra, bì lợn giúp điều trị các chứng bệnh khó chịu như đau họng, sốt tắc mạch, thiếu máu và một số bệnh về rối loạn chảy máu, bổ máu, giúp nhanh cầm máu.
Một số món ăn ngon và bổ ích từ bì lợn:
1. Chữa thiếu máu do mất máu: Bì lợn 20g, rượu gạo 1 ít đun nhỏ lửa ninh nhừ thì cho ít đường hoa mai.
2. Chè bì lợn hồng táo: Bì lợn 500g lấy chỗ mềm cạo sạch lông. Rửa sạch cho vào nồi đổ nước vừa đủ, ninh kỹ thành keo đặc, cho hồng táo 250g (bỏ hạt) vào đun nhỏ lửa, cho đường phèn vào khuấy đều. Chè sánh keo, nước trong vị ngọt. Có tác dụng bổ khí sinh huyết. Dùng cho người hay bị chảy máu cam, máu lợi.
3. Đu đủ xanh hầm da lợn: Trị đại tràng tính nhiệt (đầy nóng), táo bón, bụng đau đầy hơi, ăn uống không được, người bứt rứt khó chịu.
Bạn lấy 300g đu đủ xanh gọt vỏ bỏ ruột, rửa sạch để ráo, 200g bì lợn cắt miếng vuông vừa ăn. Ninh da lợn khoảng 1 tiếng đồng hồ cho nhừ rồi bỏ đu đủ vào nấu tiếp, khi nào thấy hai thứ chín mềm thì nêm gia vị vừa ăn. Ăn riêng hoặc với cơm. Nếu thấy khó ăn thiếu chất ngọt thì có thể thêm một ít xương sống lợn hầm chung. Tuần ăn 3 lần, ăn 3 tuần, khi nào thấy bệnh đỡ thì ngừng ăn.
4. Mọc đông:
Bì lợn chọn chỗ mềm cạo sạch luộc chín, thái chỉ, băm nhỏ, nhào trộn với giò sống hạt tiêu xay. Viên thành viên tròn, thả vào xoong nước đang sôi luộc chín, vớt ra thả vào nước đun sôi để nguội cho rắn lại. Lấy bì lợn thái miếng nhỏ cho vào xoong nước luộc thịt đun sôi, vớt bỏ bọt hạ lửa ninh kỹ lọc lấy nước trong, nêm gia vị. Cho các viên thịt vào bát, chan nước vừa ninh vào, để cho đông lại. Ăn nguội cùng với cơm. Món này có phối hợp thịt với bì lợn để bổ khuyết cho nhau làm tăng tác dụng dinh dưỡng phòng chữa bệnh của cả hai.
5. Canh bóng bì:
Trong bữa ăn nên có món canh bóng bì lợn phối hợp thêm thịt, tôm và các loại rau củ như su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, nấm hương… Đó là món ăn tổng hợp đầy đủ chất dinh dưỡng nên tính bổ dưỡng rất cao. Có điều kiện thỉnh thoảng nên ăn món này không chờ đến lúc có cỗ bàn lễ Tết, nhất là đối với người già, trẻ em, sản phụ cho con bú.
Theo Bestie
Xem thêm: Cách làm tôm chiên tỏi ớt thơm ngon.