Dù đã hơn 10 năm trôi qua nhưng bệnh cúm B, cúm A/H5N1 vẫn ám ảnh các bác sĩ tại khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai.
Nguy kịch do cúm B
Mới đây khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho một bệnh nhân người Trung Đông đến Hà Nội du lịch không may mắc bệnh cúm B. Khi vào viện, bệnh nhân đã được điều trị ở Bệnh viện Việt Pháp nhưng tình hình bệnh nhân tiến triển xấu nên các bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai.
Khi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị cúm B, viêm phổi do tụ cầu vàng dẫn đến hôn mê, suy đa phủ tạng. Sau gần 2 tuần cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân cải thiện dần, tuy nhiên phổi bị tổn thương nặng nên vẫn phải theo dõi sát sao.
Các bác sĩ đã thực hiện lọc máu liên tục cộng với kỹ thuật trao đổi khí oxy ngoài cơ thể cùng máu ECMO cho bệnh nhân để bệnh nhân có thể giảm bớt các ảnh hưởng của sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân không có bảo hiểm du lịch nên chi phí điều trị đến nay đã lên đến 350 triệu đồng.
Cúm B là một trong những chủng vi rút gây cúm theo mùa ở người. Vi rút hoạt động mạnh vào thời điểm mùa lạnh hoặc những lúc giao mùa, có thể bùng phát thành dịch lớn tại những nơi đông dân cư. Sở dĩ vi rút cúm B có khả năng lây lan nhanh đến như vậy là do cơ chế lây nhiễm qua đường hô hấp của vi khuẩn.
Đối với những người có hệ miễn dịch kém hoặc bị suy giảm như phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ, những đối tượng này có nhiều khả năng bị biến chứng bởi vi rút cúm B.
Theo các bác sĩ, người dân Việt Nam rất chủ quan với cúm. Các triệu chứng mệt mỏi, hắt hơi sổ mũi thường bị xem thường. Họ chỉ đến viện khi bệnh nặng, sốc nhiễm khuẩn dẫn đến hôn mê. Lúc nay phổi đã bị tổn thương rất nặng do vi rút tấn công vào phổi.
Ám ảnh với cúm A
Người bệnh nhiễm cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch.
Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng.
Sau đây là một số triệu chứng điển hình: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho, ho, đau họng, đau nhức cơ bắp, viêm màng kết.
Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.
Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lần đầu tiên ông tiếp cận với bệnh nhân bị cúm A H5N1 đó là cách đây hơn 10 năm. Bệnh nhân tên Phúc vào viện với các biểu hiện của cúm thường nhưng chỉ khác cái là bệnh diễn biến nhanh, vi rút xâm nhập vào các phế nang của phổi khiến cho việc trao đổi khí trong phổi không thể làm được.
Bình thường phổi khô và xơ nhưng các bác sĩ giật mình khi phổi của bệnh nhân ứ nước lại và “nẫu như bùn”. Cùng lúc đó, bệnh Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ cũng phát hiện nhiều bệnh nhi phổi có triệu chứng như thế.
Phổi bị tổn thương nặng,bắt buộc phải sử dụng máy thở để thay thế. Tuy nhiên, bệnh nhân lại có biến chứng tràn khí. Trước sự sống còn của người bệnh, các bác sỹ đã quyết định sử dụng phương pháp lọc máu liên tục, dùng quả lọc chuyên biệt nhằm hấp phụ các nội độc tố đang lưu hành trong máu làm giảm bớt các phản ứng viêm và tổn thương các cơ quan.
Lúc này, các bác sĩ đã phải áp dụng kỹ thuật mới nhất để cứu bệnh nhân. Có những ngày cả khoa đứng trông một bệnh nhân để theo dõi họ bất cứ lúc nào nếu có tai biến xảy ra.
Dù đã hơn mười năm, GS Nguyễn Gia Bình cho biết mỗi khi nhớ lại các bệnh nhân phổi bị tổn thương do cúm ông lại ái ngại. Nhất là tình hình giết mổ gia cầm ở Việt Nam quá lỏng léo, người dân ở đâu cũng mang được gà đi khắp thành phố nên dịch có thể xảy ra bất cứu lúc nào.