Đừng để người ta phải ái ngại và né tránh bạn chỉ vì hơi thở hôi mùi. Dù là sáng sớm hay chiều tối, hãy đảm bảo hơi thở luôn thơm tho bằng cách nhận biết 7 nguyên nhân gây hôi miệng sau.
1. Bạn bị thiếu nước
Theo Mayo Clinic, thiếu nước là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng, bên cạnh việc chăm sóc răng miệng kém. Uống không đủ nước nghĩa là các thực phẩm (kèm vi khuẩn) sẽ trú ngụ trong miệng của bạn lâu hơn, sinh sôi và gia tăng mùi hôi thối. May mắn là cách xử lý lại vô cùng đơn giản: Hãy uống nhiều nước. Nước lọc là tốt nhất, bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng kẹo cao su không đường cũng kích thích nước miếng tiết ra nhiều hơn, chống hôi miệng.
2. Bạn tập thể dục ngoài trời quá nhiều
Theo Tổ chức Hô hấp châu Âu, các vận động viên là đối tượng gặp khá nhiều vấn đề về hơi thở so với người bình thường. Đối với những người hay vận động ngoài trời, cứ 10 người thì có 1 người gặp phải các bệnh như suyễn, khô miệng, thở khò khè. Những vận động viên xe đạp là mắc bệnh hô hấp nhiều nhất, đến 50%.
Nguyên nhân ở đây chính là không khí ngoài trời. Dù không khí trong lành rất tốt cho cơ thể, nhưng hít quá nhiều khí lạnh sẽ khiến miệng của bạn khô khốc, ngược lại, thời tiết ấm nóng thì lại chứa quá nhiều bụi bặm.
Hơi thở hôi mùi cũng có thể do dị ứng, chảy nước mũi hay bệnh khô miệng kinh niên. Điều này không có nghĩa là bạn phải bỏ tập luyện, nhưng hãy hạn chế vận động ngoài trời khi trời lạnh, hay trong không gian bụi bặm.
3. Bạn có nguy cơ bệnh tim
Bệnh nha chu và bệnh tim có mối liên hệ với nhau. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kì và Quốc tế, sưng nướu răng là dấu hiệu sớm của bệnh tim, và dấu hiệu rõ ràng nhất của sưng nướu răng chính là hơi thở hôi mùi.
4. Bạn bị viêm amidan
Một trong những dấu hiệu của viêm họng là hơi thở hôi thường xuyên. Những vi khuẩn gây hôi miệng chính là những vi khuẩn tấn công vào hạch hai bênh cuống họng, khiến bạn bị đau họng tái đi tái lại. Cắt amidan là một thủ thuật giúp loại bỏ hai hạch ở cuống họng, sẽ giúp bạn hết đau họng và tiệt trừ hơi thở hôi mùi.
5. Bạn có nguy cơ sinh non
Thai phụ cần đặc biệt lưu ý tới hơi thở của mình. Phụ nữ bị bệnh nha nhu thường dễ sinh non hay em bé bị nhẹ cân. Đó là lý do bạn phải đặc biệt cẩn thận khi chăm sóc răng miệng và kiểm tra hơi thở thường xuyên khi mang thai.
6. Bạn bị loét dạ dày
Khi nói đến loét dạ dày, bạn thường nghĩ đến những triệu chứng như đau bụng dữ dội, khó ăn hay ợ nóng. Nhưng có thể bạn không để ý đến một dấu hiệu thông thường đó chính là hơi thở hôi. Vi khuẩn helicobacter pylori chuyên gây loét dạ dày cũng là thủ phạm chính gây ung thư dạ dày, nó khiến miệng của bạn hôi cực kì.
7. Bạn bị thừa cân
Theo nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (Israel), người càng thừa cân thì hơi thở càng hôi theo nhận xét của người xung quanh. Điều này có thể là do họ bị rối loạn chức năng sinh học hoặc là họ bị xã hội kì thị.
Bạn nên làm gì?
– Hãy ăn nhiều sữa chua: Ăn sữa chua mỗi ngày trong vòng 8 tuần có thể làm giảm lượng khí H2S và vi khuẩn gây hôi mùi đến 80%.
– Ăn ít bạc hà: Theo Hội Hóa học Mỹ, ăn kẹo bạc hà có thể giúp hơi thở tươi mát nhất thời nhưng lượng đường trong kẹo sẽ nuôi dưỡng vi khuẩn gây mùi, khiến hơi thở của bạn càng tệ hơn. Vì thế hãy hạn chế kẹo và chăm chỉ đánh răng, dùng chỉ nha khoa. Nếu phải ăn, hãy chọn các thành phần như xylitol hay kẹo cao su không đường.
– Hạn chế nước súc miệng: Nước súc miệng có thể tạm thời tiêu diệt vi khuẩn, nhưng khi tác dụng của nó qua đi, vi khuẩn sẽ sinh sôi trở lại càng nhanh hơn. Lượng cồn trong nước súc miệng khiến bạn bị khô miệng, gây hôi miệng. Vì thế, hãy đánh răng sạch sẽ thay vì dùng nước súc miệng để khỏa lấp mùi hôi.