Hơi thở không mấy thơm tho có thể nhắc bạn về những tép tỏi mà bạn vừa ăn nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng trên.
Những tín hiệu nằm ở nướu, răng, lưỡi là những gợi ý cho những vấn đề sức khỏe ẩn sâu trong cơ thể bạn.
1. Nếu bạn bỗng nhiên có một loạt các lỗ sâu răng
Bỗng nhiên một ngày nha sĩ thông báo bạn có 5 lỗ sâu răng. Nếu bạn không nghiện nước ngọt hoặc dùng bất cứ loại thuốc mới nào, sâu răng có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang có vấn đề về quá trình chuyển hóa glucose.
Khi điều này xảy ra, đường có thể tạo thành trong nước bọt và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng trong miệng, nha sĩ Haberkamp cho biết.
Bạn cũng có thể cảm thấy đau răng, đặc biệt là sau khi ăn đồ ngọt, thức ăn nóng hoặc lạnh.
Cô cũng cho biết thêm: “Sâu răng không phải là biểu hiện duy nhất của bệnh đái tháo đường mà còn là dấu hiệu của bệnh về nướu, nấm miệng hay khô miệng”
2. Nếu như răng của bạn bị “ăn mòn”
Bất kì ai cũng có thể bị ợ nóng. Nhưng nếu có cảm giác đó nhiều hơn 2 lần/tuần và kéo dài trong vài tuần liên tiếp, bạn có thể bị mắc chứng trào ngược acid dạ dày, một tình trạng mà acit dạ dày rò rỉ vào thực quản.
Khi acit dạ dày trào ngược lên miệng, nó có thể đánh bay lớp men trên răng của bạn.
Sự ăn mòn trong bệnh trào ngược acid dạ dày thường bắt đầu ở phần răng chạm lưỡi, nha sĩ Haberkamp cho biết.
Người bệnh có thể không nhận thấy điều này, bởi nó có thể xảy ra từ từ, nhưng một nha sĩ cần nhận biết và thông báo trong các lần chăm sóc răng miệng định kỳ.
Nếu được chẩn đoán chứng trào ngược acid dạ dày, bạn có thể được điều trị bằng các thuốc kháng acid, sử dụng thuốc và thay đổi lối sống như tránh các loại thực phẩm nhất định và chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày.
3. Nếu nướu của bạn chảy máu khi đánh răng
Trừ khi bạn mới bắt đầu dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải của bạn quá cứng thì máu xuất hiện là điều bất thường, là dấu hiệu của tình trạng viêm mô nướu gây ra bởi sự tích tụ mảng bám dọc theo đường viền nướu.
Nếu không điều trị, viêm nướu có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn là viêm nha chu, lúc này nướu sẽ tụt ra khỏi răng và hình thành túi nhiễm trùng.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Heart Journal đã phát hiện rằng những người mắc bệnh nha chu cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh tim.
Mặc dù không có những dữ liệu rõ ràng chứng minh việc chăm sóc răng miệng có thể bảo vệ trái tim của bạn.
Lập một cuộc hẹn với nha sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang bị viêm nướu. Ngoài ra hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp (một trong số tiêu chí là không quá cứng), và nhớ sử dụng chỉ nha khoa một cách nhẹ nhàng.
Hiệp hội nha khoa Mỹ khuyến cáo mọi người không di chuyển chỉ nha khoa qua lại giữa các kẽ răng khi nó đã chạm đến nướu của mình.
4. Nếu bạn có các đốm trắng trên lưỡi
Những đốm trắng hay mảng bám có thể là một triệu chứng của nấm miệng, một tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi sự sinh sôi phát triển quá mức của nấm Candida.
Đây không phải là một vấn đề sức khỏe thường gặp nhưng đối với người mắc bệnh đái tháo đường thì sự khô miệng và suy giảm hệ miễn dịch là điều kiện để tình trạng nhiễm nấm xuất hiện.
Các dấu hiệu khác đi kèm là ban đỏ, khó nuốt, nứt ở các góc miệng. Nếu bạn bị nhiễm nấm miệng, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng nấm cho bạn.