Nhiều người kháo nhau rằng cách đổ xăng này vô cùng có lợi. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?
Trên các mạng xã hội đang lan truyền bí kíp cho rằng các bạn nên đổ xăng vào buổi tối muộn và sáng sớm, vì khi đó xăng sẽ co lại, đồng nghĩa với việc cùng một giá tiền – bạn sẽ đổ được nhiều xăng hơn.
Lời khuyên này cơ bản là… đúng sự thật. Dưới góc độ khoa học, xăng cũng giống như các loại chất lỏng khác có thể tích co giãn tùy theo nhiệt độ môi trường – nóng nở ra và lạnh thì co lại.
Tuy nhiên cần biết rằng, các trạm xăng thường trữ nhiên liệu ở bồn ngầm dưới đất – nơi sự chênh lệch nhiệt độ nhỏ hơn rất nhiều so với không khí bên ngoài. Chính vì vậy, nhiệt độ ở xăng khi ra khỏi vòi phun thực sự thay đổi rất ít trong vòng 24 giờ.
Theo Judy Dugan, Giám đốc nghiên cứu tại Tập đoàn tiêu dùng California (Mỹ), thì nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm trong các bồn chứa là không đáng kể. Ngoài ra, các bồn chứa ngầm hiện nay đều là loại 2 ngăn – có tác dụng duy trì nhiệt độ của xăng sau khi ra khỏi xe bồn. Điều này có nghĩa là xăng nếu đã giãn nở do nhiệt độ thì sẽ tiếp tục duy trì mức giãn nở đó cho đến khi được bán ra.
Để chứng minh, một số khoa học gia tại Connecticut (Mỹ) đã so sánh lượng xăng khi nhiệt độ chênh lệch trong mùa hè vào lúc sáng sớm – khi nhiệt độ thấp nhất, và khoảng 1- 2 giờ chiều – khi nhiệt độ cao nhất.
Kết quả cho thấy dù nhiệt độ bên ngoài chênh lệch 6 – 7oC, nhiệt độ trong bồn vẫn duy trì ổn định ở mức 16oC (nhiệt độ tại Connecticut vào thời điểm đó). Do đó khi xăng bơm ra ngoài, độ giãn nở cũng thay đổi không đáng kể.
Tuy nhiên có một lưu ý rằng khoảng 70 lít xăng đầu tiên được bơm trong ngày sẽ có nhiệt độ ấm hơn (hoặc lạnh hơn tùy theo nhiệt độ môi trường) so với lượng xăng được bơm ra tiếp theo. Nguyên nhân là bởi lượng xăng này không đến từ bồn chứa, mà từ bình bơm, do đó sẽ chịu tác động của nhiệt độ môi trường.
Vì vậy, đúng là bạn có thể được lợi nếu như là những người đầu tiên trong ngày đổ xăng, dù thực chất đây là con số quá ít ỏi vì phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt là xe máy. Còn việc đổ xăng vào sáng sớm, tối muộn hay giữa trưa thì thực sự không có ảnh hưởng gì nhiều đến lợi ích của các bạn đâu.
Thay vì vậy, hãy tiết kiệm xăng bằng các cách sau:
1. Bảo hành, bảo dưỡng xe đúng kỳ hạn: Tốt nhất là cứ 1000 – 1200km bạn thay nhớt và 4000km bạn thay dầu máy một lần để đảm bảo động cơ luôn được hoạt động trong môi trường tốt nhất nhé. Động cơ hoạt động hiệu quả sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiên liệu rất nhiều đấy.
2. Kiểm tra độ căng của lốp xe: Bạn nên để lốp xe có độ căng vừa phải, nếu lốp non quá sẽ tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, lốp căng quá sẽ khiến xe dễ bị “xóc”, mất đi độ êm ái khi vận hành.
3. Đi đúng số, giữ tay ga đều: Nếu là xe số, hãy đi đúng tốc độ tương ứng với vị trí số. Nếu đi ở số thấp hơn so với tốc độ, động cơ sẽ bị gàn lại và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Nếu đi với số cao hơn so với tốc độ của xe, động cơ sẽ bị đuối và không đạt sức kéo tốt nhất cho xe đồng thời ảnh hưởng không tốt đến sức bền của động cơ. Nếu là xe ga, hãy vận hành đều ga, tránh tình trạng ga nhích lên nhích xuống quá nhiều sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
4. Khi dừng, đỗ xe lại: Trường hợp bạn phải dừng lại trên 30 giây, hãy tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu vì khi máy nổ mà xe không di chuyển vẫn tiêu hao một lượng nhiên liệu đáng kể. Khi dừng lại, cần phải giảm tốc độ từ từ, tránh phanh gấp để tiết kiệm nhiên liệu và đảm bảo tính an toàn,chủ động khi điều khiển xe.
5. Giữ cho xe một tải trọng vừa phải: Vì khi chở trên xe một trọng lượng quá lớn, động cơ sẽ phải hoạt động “vất vả” hơn dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.
6. Khởi động xe đều đặn mỗi sáng hoặc sau một thời gian dài không sử dụng: Trước khi vận hành xe buổi sáng, bạn nên khởi động, giữ ga khoảng 60 – 90 giây rồi mới đi để dầu được bơm lên động cơ, giúp các chi tiết được bôi trơn và nhiên liệu cháy tốt hơn.
7. Tránh những ổ gà trên đường đi: Ổ gà sẽ khiến động cơ xe bị tổn thương, vận tốc thay đổi đột ngột, tay ga bị giảm nhanh khiến nhiên liệu bị tiêu tốn nhiều hơn.
Theo Bestie
Xem thêm: Người vượt đèn đỏ thường không thành công trong cuộc sống.