Xu hướng mẹ đơn thân: Mất niềm tin vào hôn nhân?

Cụm từ single mom – mẹ đơn thân đã chẳng còn xa lạ trong vài năm gần đây. Xã hội ngày càng phát triển, liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, khiến nguy cơ đổ vỡ hôn nhân ngày càng lớn. Nhiều người cho rằng, phụ nữ hiện đại đã chủ động, độc lập, dám tự quyết định cuộc đời mình; thậm chí họ sẵn sàng dứt áo ra đi, trở thành mẹ đơn thân khi không còn niềm tin vào hôn nhân và người đàn ông của đời mình. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với một số nhà tâm lý, nhà xã hội học, nhà văn và cả người trong cuộc về xu hướng làm mẹ đơn thân.

Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!

TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội: “Số lượng mẹ đơn thân ngày càng tăng”

1_67134

Hiện nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu hay số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ, số lượng mẹ đơn thân. Chúng ta cứ thấy người ta ly hôn nhiều thì cũng có nghĩa là sẽ tăng số lượng mẹ đơn thân. Rồi ngay trong giới văn nghệ sĩ, người của công chúng cũng không ít người là mẹ đơn thân và thường xuyên chia sẻ với truyền thông về cuộc sống của họ. Không riêng gì Việt Nam, ở các nước tỷ lệ mẹ đơn thân cũng khá cao, như ở Mỹ là một ví dụ. Nguyên nhân vì sao mẹ đơn thân giờ lại tăng và trở thành một xu hướng thì rất nhiều. Nhưng tập trung chủ yếu ở một vài nhóm sau:

2_44495

Nhóm những phụ nữ “quá lứa lỡ thì”. Khi xã hội phát triển, có một số bộ phận phụ nữ mải mê theo đuổi sự nghiệp, học hành nên bỏ lỡ tuổi kết hôn, đến khi muốn kết hôn lại khó. Bởi nam giới Việt Nam tâm lý là thích lấy vợ ít tuổi hơn mình, thứ hai là thích lấy vợ trẻ. Ví dụ đàn ông 50 tuổi mà kết hôn thì không thích phụ nữ 40 tuổi đâu, mà có khi là 30 tuổi, rồi thậm chí còn trẻ hơn nữa. Nam giới cũng thích lấy người kém mình về mọi thứ, chứ những phụ nữ mà thành đạt về sự nghiệp, rồi cao hơn về vị thế xã hội cũng không phải là lựa chọn của họ. Nhóm này được gọi là nhóm bỏ lỡ tuổi xuân, họ vì sự nghiệp mà quá lứa lỡ thì, nên họ trở thành mẹ đơn thân. Hơn nữa, những phụ nữ thành đạt sự nghiệp cũng đòi hỏi cao ở người đàn ông của mình về học thức, sự nghiệp… Những người này đôi khi còn có suy nghĩ, thà nuôi một, hai đứa con, còn hơn là nuôi thêm một ông chồng mà chẳng khác gì một đứa con.

Nhóm thứ hai là nhóm thất bại trong tình yêu, mất niềm tin vào đàn ông, vào hôn nhân. Những người này hoặc thường rất cá tính, họ mạnh mẽ và cả bất cần. Đặc biệt nhóm người này dám “dứt áo ra đi”, họ tự tin bản thân có thể độc lập được, hay nói cách khác là những người thường có điều kiện về kinh tế.

Nhóm thứ ba là nhóm “bác sĩ bảo cưới”, nhưng nhân vật nam lại bỏ của chạy lấy người, nên buộc họ phải trở thành mẹ đơn thân. Còn chưa kể những người bị cưỡng ép mà mang bầu, sinh con, nhưng số này rất ít.

Sẽ luôn tồn tại những nhóm người này, nhưng nhóm những người thất bại, mất niềm tin vào hôn nhân, đàn ông có lẽ nhóm chủ yếu khiến số lượng mẹ đơn thân tăng và trở thành xu hướng. Có những người cho rằng vì giờ phụ nữ không biết hy sinh cho gia đình, nhưng xã hội giờ đã khác. Phụ nữ chủ động, tự tin, độc lập, bản lĩnh… Họ sẵn sàng chấm dứt cuộc sống trong nước mắt và tự tin vào khả năng của bản thân, trở thành mẹ đơn thân.

Tôi không ủng hộ xu hướng này, nhưng tôi ủng hộ sự lựa chọn của mỗi người phụ nữ, tùy theo hoàn cảnh để đưa ra quyết định phù hợp, sáng suốt. Nếu chúng ta nhìn ra thế giới, đây là xu hướng của xã hội hiện đại. Mình chưa đánh giá hay dở thế nào nhưng đó là xu hướng. Mà không riêng gì thời hiện đại, ngày xưa đã có những câu ca dao: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Thời phong kiến nhưng người ta vẫn có thể nói nửa đùa nửa thật như vậy thì xã hội hiện tại nên có cái nhìn cởi mở hơn, không nên hà khắc với những bà mẹ đơn thân hay những đứa con ngoài giá thú.

Họ đã quyết định là họ có sự cân nhắc, suy nghĩ tính toán và dám chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Chúng ta không khuyến khích ai đó trở thành mẹ đơn thân, nhưng nếu họ đã có những lý do nhất định để đi đến quyết định cuối cùng thì nên tôn trọng, xã hội không nên kỳ thị mà cần hỗ trợ những bà mẹ đơn thân. Mà trước nhất, gần nhất là gia đình nên giúp đỡ những bà mẹ đơn thân. Gia đình, xã hội hãy tạo điều kiện, có sự thông cảm cho mẹ đơn thân có thể làm tốt việc cơ quan và việc nhà. Xã hội, gia đình cũng cần có cái nhìn tích cực và thân thiện với đứa trẻ, để chúng lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác.

TS tâm lý Nguyễn Kim Quý: “Không được xúc phạm những người mẹ đơn thân”

4_61102

Nhiều người cho rằng, không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm để làm mẹ đơn thân, nhưng trong thời điểm hiện tại, ba chữ “mẹ đơn thân” đang trở thành một xu thế của chị em phụ nữ. Nhiều người chia sẻ rằng, họ sẵn sàng lựa chọn làm mẹ đơn thân để giải thoát cho cuộc sống không như ý của mình, thường xuyên đăng ảnh chia sẻ mình là bà mẹ đơn thân dũng cảm, mình chẳng cần đàn ông mà vẫn nuôi con tốt, mình thật hạnh phúc. Thậm chí, nhiều cô gái trẻ chưa chồng hưởng ứng phong trào này, tuyên bố “sau này tôi sẽ làm mẹ đơn thân”.

Cũng cần phải nhìn nhận lại, thời xưa, hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt. Đa số phụ nữ, dù không hạnh phúc nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để giữ cho gia đình không bị đổ vỡ. Họ quan niệm hôn nhân là duyên số, “may nhờ, rủi chịu”, vì thế, một khi đã lập gia đình thì có đau khổ gì cũng gắng im lặng chịu đựng. E ngại sự thay đổi và lời gièm pha của những người xung quanh, ngay cả những cặp vợ chồng không hạnh phúc cũng ít khi nghĩ đến chuyện bỏ nhau. Hơn nữa, ngày trước cuộc sống của đa số phụ nữ phụ thuộc vào nam giới về mọi mặt, từ kinh tế, tình cảm, nơi nương thân đến sự kính trọng của người xung quanh nên dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hy sinh và chấp nhận tất cả để sống trọn đời với chồng.

Ngày nay, phụ nữ có cơ hội được học tập, mở mang hiểu biết, họ tiếp thu những luồng văn hóa mới của thời đại, họ đấu tranh cho bình đẳng giới và có đủ bản lĩnh vượt qua dư luận xã hội để sẵn sàng nuôi con một mình. Không phụ thuộc chồng về mặt kinh tế, cũng không quá thua thiệt về vị trí trong xã hội, nên nếu gặp người chồng không tốt, người đàn bà dễ dàng dứt áo ra đi, sẵn sàng nuôi con một mình chứ không nhịn như trước. Và vì thế, có thể thấy những người lựa chọn trở thành mẹ đơn thân càng nhiều hơn.

Hiện nay, việc làm mẹ đơn thân cũng đã trở thành xu hướng toàn cầu. Đó là sự gia tăng số người độc thân (cả nam và nữ) trong xã hội. Nó nằm trong 3 xu hướng toàn cầu: Ngoại tình tăng, ly hôn tăng, vì vậy mà độc thân tăng. Hôn nhân hiện đại với một số người có quá nhiều rủi ro, Việt Nam cũng đang nằm trong xu thế đó.

Sự bất mãn với hôn nhân và tình yêu không phải là “đặc sản” của các quốc gia phát triển đang già hóa dân số mà ảnh hưởng tới giới trẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Những áp lực trong cuộc sống hiện đại khiến nhiều thanh niên tin rằng cuộc sống độc thân mang lại nhiều lợi ích hơn.

Hiện tượng nhiều phụ nữ tự nguyện làm mẹ đơn thân cho thấy, họ bị mất lòng tin vào hôn nhân, đặc biệt với những phụ nữ có học thức và điều kiện kinh tế. Họ nhìn thấy những người có chồng bị bất hạnh nhiều, sự ghen tuông của người chồng, hạn chế sự nghiệp của họ, nhất là đàn ông Việt, họ còn chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, vẫn đòi dạy vợ, “phu xướng phụ tùy” (chồng nói vợ phải theo). Nhiều ông chồng gia trưởng áp đặt, bạo hành vợ dẫn đến ly hôn gia tăng. Thậm chí, nhiều phụ nữ Việt hiện nay còn “sính” lấy chồng ngoại vì đàn ông phương Tây có xu hướng tôn trọng vợ, dễ có hạnh phúc hơn. Với không ít phụ nữ, hôn nhân còn là nấm mồ chôn cả sự nghiệp mà họ đã vất vả gây dựng được, phụ nữ không muốn đánh mất sự thăng tiến khi kết hôn, sinh con và phải phụ thuộc vào chồng.

Ngược lại, áp lực về bổn phận với gia đình và xã hội cũng gây ra những ảnh hưởng tương tự với nam giới. Công việc không ổn định và lương không cao, nhiều người đàn ông khó có thể chịu nổi những áp lực buộc họ phải trở thành trụ cột kinh tế cho gia đình và chỗ dựa cho phụ nữ, dẫn tới tình trạng ly hôn tăng cao, đẩy người phụ nữ trở thành mẹ đơn thân.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà người mẹ đơn thân gặp nhiều hay ít khó khăn. Nhiều người mẹ đơn thân khó khăn về kinh tế, nhất là lúc đau ốm, hoạn nạn không ai chăm sóc. Họ bị sức ép từ cha mẹ, họ hàng, điều này không dễ để vượt qua. Đặc biệt, đối với đứa trẻ, do đặc điểm giới tính (đàn ông cứng rắn, kiên quyết hơn), người mẹ dù có cố gắng đến đâu cũng không thay thế được vai trò người cha. Thông thường, những bà mẹ đơn thân sẽ cố gắng tìm cách bù đắp sự khuyết thiếu của người cha. Chính vì vậy, những đứa trẻ dễ bị nuông chiều thái quá, dẫn đến sự phát triển lệch lạc.

Việc hiện nay người phụ nữ chưa lấy chồng muốn có con là không có gì sai trái, đó là một nhu cầu chính đáng và luật pháp cũng không cấm. Việc sinh con không chỉ là thiên chức độc quyền của những người phụ nữ đã có chồng, mà tất cả những người phụ nữ trên trái đất đều có quyền được làm mẹ. Không có cớ gì để xúc phạm họ. Tuy nhiên, trên phương diện xã hội, nhìn chung những người mẹ đơn thân sẽ nghèo khó hơn những gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ.

Bên cạnh đó, việc nuôi dạy con cái sẽ khó khăn hơn, chưa kể đứa trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và đã từng có thống kê trên thế giới thanh niên phạm tội chủ yếu sinh ra trong gia đình hôn nhân tan vỡ. Nên về phương diện xã hội thì tôi nghĩ không nên cổ súy cho trào lưu này, bởi như thế cũng sẽ khó khăn hơn trong việc hoàn thiện nhân cách của con trẻ; và nếu xét về phương diện nhân văn thì rất cần sự sẻ chia, cảm thông.

MC Thanh Vân: “Đơn thân vì chồng ngoại tình!”

5_74949

Đúng là xã hội giờ các bạn trẻ ly hôn rất nhiều và số lượng mẹ đơn thân cũng tăng lên và nhiều người còn gọi đây như một xu hướng của xã hội hiện đại. Mặc dù mình cũng là mẹ đơn thân, nhưng tôi lại không ủng hộ quan điểm sống này. Bởi từ bản thân và không ít bạn bè xung quanh tôi, những khó khăn, vất vả của mẹ đơn thân phải nói là rất nhiều. Họ vất vả thực sự và còn cô đơn nữa. Làm một người mẹ đơn thân cũng không hề đơn giản như nhiều người nghĩ.

Điều cần trước tiên phải có kinh tế vững vàng, mà bây giờ kiếm tiền rất khó, chuyện cơm áo gạo tiền khi một mình nuôi con càng nặng gánh và nhiều nỗi lo hơn. Ai may mắn có sự giúp đỡ từ gia đình mình, rồi có kinh tế dư dả để thuê người giúp việc thì may ra cuộc sống mẹ đơn thân mới đỡ vất vả được. Phải có cái nhìn thực tế, một thân một mình sống thì dễ, chứ mẹ đơn thân thì còn phải lo cả cuộc sống của một đứa trẻ nữa. Nói là thương con thôi không bao giờ là đủ, mà đó là trách nhiệm chăm lo, dạy dỗ con trưởng thành. Thử tưởng tượng, nếu chỉ có một mẹ một con, mẹ đi làm rồi đón con, rồi về nhà với một đống việc chồng chất. Chưa kể những lúc trái gió, mình hắt hơi sổ mũi, hay khi con ốm sốt. Thực sự là quá tải nếu không có người giúp đỡ. Tôi nghĩ dù có “ba đầu sáu tay” cũng khó “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong trường hợp này được. Tuy nhiên, những trường hợp này cũng vẫn có, nhưng là rất ít và có lẽ là trường hợp của những người phụ nữ của thế hệ trước chứ đối với các bạn trẻ bây giờ thì khá khó khăn.

Vì sao giờ lại nhiều mẹ đơn thân? Theo tôi, nếu nói là mất niềm tin vào đàn ông hay vào cuộc sống gia đình để lựa chọn sống đơn thân thì cũng là… vô cùng. Tôi nghĩ đàn ông tốt vẫn rất nhiều, nhưng giờ có vẻ ít hơn, bởi đa phần họ không có trách nhiệm, coi chuyện ngoại tình là điều gì đó bình thường, đương nhiên lắm. Và những người phụ nữ không chấp nhận được vấn đề ngoại tình, thờ ơ với gia đình, con cái thì họ chọn là mẹ đơn thân. Nhưng tất nhiên, cũng có những trường hợp, mẹ đơn thân là “nạn nhân” của mối tình sai trái, ngoài chồng ngoài vợ. Họ yêu một người đàn ông có gia đình, nhưng vì không thể đến với nhau hoặc vì những lý do khác mà họ chọn có con “ngoài giá thú” với người đàn ông đó, vì thế, họ cũng trở thành mẹ đơn thân. Đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng làm vậy là khổ cho cả người mẹ và đứa bé đấy. Bởi họ hoàn toàn có thể yêu, cưới một người đàn ông không “vướng bận” gì.

Nếu nói mẹ đơn thân là một xu hướng thì cũng có cái đúng, vì giờ tôi thấy nhiều quá. Nhưng không phải ai cũng sẽ là mẹ đơn thân cho đến cuối đời. Tôi có lẽ cũng không ngoại lệ. Nhiều lúc bản thân mình gồng lên, cố gắng tự an ủi, động viên bản thân phải mạnh mẽ lên. Nhưng đích cuối cùng tôi hướng đến vẫn là cuộc sống gia đình trọn vẹn. Việc lựa chọn một người đàn ông bên mình để chấm dứt cảnh đơn thân còn tùy vào quan điểm của mỗi người. Có thể hôm nay bạn nghĩ ở vậy cũng được, cuộc sống tự do muôn năm; nhưng đến một thời điểm nào đó bạn thấy cần một chỗ dựa, một bờ vai. Mà bản thân tôi là mẹ đơn thân bị động, tôi không lựa chọn mà vẫn luôn hướng đến một cuộc sống gia đình đúng nghĩa.

Nhà văn Lê Tấn Hiển: “Xu hướng mẹ đơn thân dẫn tới mất cân bằng xã hội”

6_85997

Chúng ta vẫn hay nói “gia đình là tế bào của xã hội”, mà nhiều mẹ đơn thân tức là xã hội thiếu hình thái gia đình. Nếu mẹ đơn thân ngày càng tăng, thì sẽ dẫn tới mất cân bằng xã hội. Mà thiếu tế bào cơ bản này, xã hội sao khỏe khoắn, cộng lực và đồng thuận được.

Ngày xưa, thường chỉ phụ nữ xấu, có khiếm khuyết, lỡ dở đường tình duyên, gia cảnh quá nghèo hèn… mới buộc phải cam chịu sống một mình, họ cố tạo một tình huống nào đó để rồi có con với bất cứ ai đó, rồi bắt đầu cuộc sống mới với đứa con ấy cho cuộc đời đỡ cô đơn. Như vậy, chính họ tự tìm cách thoát khỏi sự cô đơn, cô độc, chứ đâu phải họ thích “đơn thân”. Có thể hiện tượng phụ nữ đơn thân (vẫn có con hoặc không) hiện khá nhiều, nhưng không thể gọi đó là một “xu hướng”, vì nếu không bởi những lý do khác nhau, sẽ chẳng có một phụ nữ nào trên đời sinh ra lại thích sống một mình cả cuộc đời cả.

Mọi gia đình phải tăng cường dạy dỗ, uốn nắn con trẻ. Các thầy cô ở nhà trường đồng thời với truyền bá kiến thức, cũng cần dạy học sinh ngay từ tiểu học, để chúng hiểu thế nào là tình yêu chân chính, là hạnh phúc gia đình, là tình mẫu tử (mẹ – con), phụ tử (cha – con) thiêng liêng.

Tuy nhiên, hy hữu và cá biệt, đương nhiên xã hội nào cũng khó thể tránh khỏi hiện tượng có những mẹ đơn thân. Song, mong mỏi nó càng ít càng tốt.

Related Posts

Hồng Đăng – Hồ Hoài Anh khám phá đảo Majorca - Tây Ban Nha

Hồng Đăng – Hồ Hoài Anh khám phá đảo Majorca – Tây Ban Nha

Diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã có những trải nghiệm thú vị trong chuyến công tác kết hợp nghỉ dưỡng tại đất…

Dậy thì mà như ‘đập mặt xây lại’, nữ sinh 16 tuổi thẳng thừng tuyên bố: ‘Chưa xong đâu’

Tuy nhiên, khi được khen ngợi thì cô gái không dám nhận vì tự biết bản thân chưa được như thế. Từ một cô bé gầy gò…

Xót xa chàng trai gầy trơ xương vì mắc bệnh hiểm nghèo chỉ 2 tháng sau đám cưới: “Em phải sống, để hiến thận cứu con mình”

Căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp khiến chàng trai trẻ bỗng gầy sọp đi chỉ còn 35kg, không thể đi lại được. Thế nhưng, Khanh không cho…

Nếu bạn bè không kiếm nổi tiền, hãy tìm bạn bè mới

Triệu phú Mỹ Grant Cardone khuyên bạn cảnh giác với những người không thể kiếm tiền, tiêu hết tiền hoặc không thể trả hóa đơn.Thank you for…

Cho con gái 5 tuổi tắm cùng, ông bố thẫn thờ trước câu hỏi nhạ.y cảm về giới tính của bé

Câu hỏi của cô con gái 5 tuổi trong câu chuyện dưới đây khá hy hữu, nhưng đó cũng là bài học cho các bố mẹ trong…

Chủ nhân của bài văn dài 18 trang tiết lộ mình là dân chuyên Toán, thấy 9,5 là con số trọn vẹn nhất chứ không phải điểm 10

Cùng gặp gỡ chủ nhân của bài văn dài 18 trang khiến cô giáo đọc xong không biết phê gì vì quá xuất sắc.Thank you for reading…