Người lính trong phim Biệt động Sài Gòn đã mua lại cái chuồng heo của người ta để ở, chuyên đóng vai phụ suốt 40 năm nay và đi diễn miễn phí cho bà con nghèo.
Trong đêm nhạc do các bác sĩ tổ chức để quyên góp cơm cho bệnh nhân nghèo mới đây, có một người lạ mặt đến từ sớm thiết tha đăng ký để góp một tiết mục kịch do ông và một nhóm bạn trẻ thể hiện. Bữa đó quá đông nên chưa đến lượt ông được diễn.
Trước đó, ông từng đưa “tụi nhỏ” đi diễn miễn phí ở nhiều nơi, trong đó có Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP. Ông tên thật là Huỳnh Dũng, người trong nghề hay gọi là Aly Dũng.
Truyền nghề cho lớp trẻ
Nhóm kịch nhỏ của ông có tên “gia đình hai thế hệ” gồm những bạn trẻ không có điều kiện đi học diễn xuất bài bản. Họ gọi ông bằng từ “ba” thân thương. Ông dạy miễn phí và chỉ dạy những bạn thực sự đam mê và nghiêm túc với nghề. Huỳnh Dạn, thành viên của nhóm, lần đầu gặp thầy khi đi thử vai giang hồ trong một vở diễn đã rớm nước mắt khi thấy ông đang đóng vai người cha già tay chân run lẩy bẩy thò tay vào thùng rác nhặt thức ăn và té úp mặt xuống vũng nước lau nhà người ta đổ ra đường. “Trời ơi, ông cụ vậy mà cả bọn đứng nhìn!” – Huỳnh Dạn nhớ lại nhìn thấy cảnh ấy cứ tưởng là thật chứ không phải diễn.
Không có chỗ tập diễn, ông Dũng là người chạy đôn chạy đáo tìm và liên hệ nơi cho nhóm biểu diễn để thắp lửa tình yêu nghề cho nhóm bạn trẻ. Hơn 40 năm theo nghiệp diễn, dù chỉ được giao những vai phụ, khắc khổ nhưng chưa bao giờ tình yêu nghề trong ông vụt tắt.
Hằng ngày, ở căn nhà nhỏ xíu, tồi tàn chưa đầy 19 m2 trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, ông nuôi giấc mơ có một vai diễn để đời như người chị kết nghĩa, diễn viên Thiên Kim, hiện đang sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ. Hơn 10 năm trước, chính ông là người đã nằng nặc cầm ảnh bà để đi giới thiệu với các đạo diễn, đưa bà hội ngộ màn ảnh trở lại khi bà quyết tâm bỏ nghề.
Đời bạc hơn phim
Hôm tôi đến nhà, ông đang ăn bún với chuối và nước tương. Không có ai ăn cùng, phần vì sợ tốn kém nên ông không buồn sắm chén bát. Ông cười lạc quan: “May là chú có nhà rồi, không phải tốn tiền thuê. Chú ăn sao cũng được, bà bán chuối là người quen, bà thường cho thiếu nên khi nhận vai diễn thì chú mới có tiền trả lại”.
Nói nhà cho sang chứ đây là cái chuồng heo ông mua lại từ việc bán đi chiếc xe Honda duy nhất dùng để đi lại của mình. Nhờ vay mượn bạn bè, mái nhà che mưa che nắng cũng dần thành hình. Từ đó trở đi, ông đi bộ hoặc đi xe buýt để đến chỗ diễn. Thấy thương tình, một người bạn cho ông chiếc xe đạp để đi lại. Tiền đi diễn chỉ đủ giúp ông cầm cự qua ngày nhưng ông vẫn háo hức với từng vai diễn dù chỉ có một vài phân đoạn.
Trong căn nhà đó, ông an nhiên với cuộc sống hiện tại mỗi khi nghĩ về những năm tháng bĩ cực đã qua. Lúc 20 tuổi, ông là công tử của một gia đình giàu có buôn sơn mài nhập khẩu và ngoại tệ ở đường Âu Dương Lân, quận 8. Tai họa ập xuống khi mẹ ông bị tai nạn giao thông chết. Cha ông lao vào cờ bạc, chưa đầy một năm sau gia sản tiêu tan, ông cùng 14 đứa em ra đường sống. Từ lời người mẹ linh cảm trước khi mất, ông dè sẻn tiền để chăm lo cho bốn đứa em nhỏ nhất cùng người vợ mới cưới và đứa con nhỏ. Cám cảnh nghèo túng khi phải gánh cùng lúc bốn người em chồng, vợ ông ôm con bỏ đi biệt tích từ đó đến nay. Những người em của ông cũng lần lượt ra đi vì bệnh tật.
Còn một thân một mình, ông chỉ biết cống hiến hết mình cho nghiệp diễn. Chính vì vậy, những vai diễn đòi hỏi nhiều nước mắt không làm khó Aly Dũng bởi ông chỉ vay mượn một phần ký ức là tự khắc đã ngập tràn. Ông bén duyên với phim truyện qua vai diễn là tên lính cận vệ của Đại tá Sông trong phim Biệt động Sài Gòn.
Đời ông về sau còn bôn ba qua các đoàn kịch Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang… Không rượu chè, không cờ bạc, mọi thu nhập kiếm được ông dồn để đi học các lớp diễn viên, đạo diễn.
Cả đời ông đóng vai phụ. Ở cái tuổi 68, trải qua bao biến cố, bất hạnh, những tưởng sẽ làm ông mất hết hy vọng. Nhưng không, ông vẫn luôn đi gieo niềm tin cho đời bằng việc truyền nghề và đi diễn miễn phí cho những người không có tiền để mua nổi tấm vé xem kịch. Họ nghèo cùng lắm cũng cỡ như ông!