Trong con hẻm nhỏ cũ kỹ ở góc chợ, hằng ngày người đàn ông bệnh tật vừa làm bố vừa làm mẹ, nuôi dưỡng hai cô con gái song sinh, tình cha con thiêng liêng đã giúp họ dắt díu nhau vượt qua khốn khó cuộc đời.
Trong con hẻm nhỏ cũ kỹ ở góc chợ, hằng ngày người đàn ông bệnh tật vừa làm bố vừa làm mẹ, nuôi dưỡng hai cô con gái song sinh, tình cha con thiêng liêng đã giúp họ dắt díu nhau vượt qua khốn khó cuộc đời.
Ba cha con trong “căn nhà không số”
Phải len lỏi qua rất nhiều khúc quanh, con hẻm phía sau khu chợ Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi mới tìm được nơi ở của ba cha con anh Bùi Thế Quang (35 tuổi, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Trong cái hẻm nhỏ xíu được che tạm bợ bằng những tấm tôn rỉ sét, 2 cô con gái song sinh của anh Quang đang chơi đùa trên chiếc giường đặt kín lối ra vào.
Thấy chúng tôi đến, 2 cô bé 3 tuổi nhanh nhảu: “Mấy cô chú tìm bố con à, bố đang bán vé số ở đầu đường đó, cô chú mua giúp cho bố con tờ vé số để bố mau về nấu cơm cho tụi con ăn nữa, con đói bụng rồi…”.
“Có năm ngàn một tờ thôi, cô chú mua giúp cho ba con đi, con năn nỉ luôn đó…”, nghe cháu bé nói mà tự nhiên khóe mắt tôi cay cay.
Đang bán vé số ngoài chợ nhưng nghe có khách lạ đến, anh Quang liền vội vã chạy về. Gọi là nhà cho oai nhưng thực ra nó vốn là con hẻm dài 12 mét, rộng khoảng 1,5 mét nằm giữa hai căn nhà số 1 và số 3 đường Ngô Quyền.
Loay hoay mãi chẳng tìm được chiếc ghế nào, anh Quang đành ái ngại mời khách ngồi tạm xuống chiếc giường ở giữa nhà. Chiếc giường 1,4 mét cũ kỹ này là món quà mà người ta thương tình tặng cho cha con anh để có chỗ ngả lưng, đề phòng lúc trời mưa ngôi nhà bất ngờ bị ngập nước.
Anh Quang vốn là người gốc Huế, sau ngày giải phóng, anh theo cha mẹ vào Quảng Nam để lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Ngày mới vào đây, gia đình anh phải dựng một túp lều tạm bợ ngay góc chợ Tam Kỳ và làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
Sau này, khu chợ được quy hoạch, con hẻm dẫn vào chợ bị bít lại, thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình anh dọn vào đây sống tạm. Rồi hàng xóm mỗi người góp một ít tôn, vật dụng để cho gia đình anh có chỗ che mưa che nắng.
“Con hẻm này lúc trước dẫn vào chợ nhưng từ khi chợ được quy hoạch đã bị bít lại. Thấy chúng tôi không chỗ tá túc nên mọi người thương tình quyên góp tiền mua tôn che chắn để ba cha con sống tạm qua ngày. Hôm bữa đi làm thẻ bảo hiểm cho con, người ta hỏi nhà ở số mấy, tôi “quáng gà” không biết phải trả lời sao vì nó có số đâu…”, anh Quang nhìn 2 cô con gái của mình đang hồn nhiên chơi đùa rồi cố gượng cười nhưng vẫn không thể giấu được nỗi buồn trong mắt.
Khổ mấy rồi cũng qua…
Anh Quang kể, cách đây 4 năm, anh cưới vợ và sinh liên tiếp 3 đứa con, trong đó có 2 con gái song sinh là Ngọc Trân và Mỹ Trân. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hạnh phúc bởi luôn ngập tràn tiếng cười của trẻ thơ.
Thế nhưng, hạnh phúc cứ ngỡ sẽ êm đềm ấy chẳng được bao lâu khi sự khổ cực, thiếu thốn đã khiến vợ chồng anh lục đục. Và rồi, một buổi sáng cách đây một năm, vợ anh bế đứa con trai út 6 tháng tuổi vào Sài Gòn kiếm sống, kể từ đó, anh phải sống cảnh gà trống nuôi hai cô con gái nhỏ.
Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha khi tháng 2/2016, anh bị bệnh thoát vị hoành khiến hoại tử đại tràng ngang, phải nhập viện cấp cứu, các bác sĩ phẫu thuật cắt và thay ruột cho anh.
“Làm lụng quần quật suốt nhưng cũng chẳng dư được đồng nào, dù bị đau đã lâu nhưng sợ tốn tiền nên tôi cũng ráng chịu đựng. Nhưng càng chịu lại càng đau hơn, đến lúc không chịu được nữa, tôi mới vay mượn bà con làng xóm vài trăm ngàn để đi cấp cứu. Bác sĩ bảo, nếu tôi nhập viện trễ một chút nữa là không thể cứu được. May mắn thoát chết nhưng giờ sức khỏe giảm sút rất nhiều, rồi họ dặn không được làm việc nặng, nhưng không làm thì biết lấy gì nuôi con đây… “, anh Quang trầm ngâm chia sẻ.
Kể từ ngày phát bệnh, anh Quang phải liên tục nhập viện để kiểm tra định kỳ. Giờ đây, trên bụng anh chằng chịt những vết sẹo do đã quá nhiều lần phải phẫu thuật, cắt mổ. Thế nhưng để có tiền nuôi 2 con, hằng ngày anh phải cắn răng chịu đựng cơn đau, chạy đôn chạy đáo khắp khu chợ để làm thuê từ khuân vác, bán trái cây cho đến bán vé số…
Mới đây, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, anh đã đóng một chiếc tủ bán vé số, báo và xin đặt ở đầu con hẻm. Vừa đút cho con ăn vừa trông ngóng ra quầy vé số đầu đường, anh Quang cho biết, ba cha con anh có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào tấm lòng thảo thơm của những người sống gần khu chợ.
Hằng ngày khi anh Quang đi làm, mọi người lại tranh thủ công việc, thay phiên nhau chăm sóc Ngọc Trân và Mỹ Trân. Trong căn nhà chật chội của anh Quang lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của bà con chòm xóm.
Vừa thấy chị Nguyễn Thị Vân (hàng xóm nhà anh Quang) qua chơi, hai cháu Ngọc Trân và Mỹ Trân liền nhảy cẫng lên đòi bồng, bế. Tình cảm của xóm giềng khiến anh cũng ấm lòng và có động lực để tiếp tục sống, nuôi các con nên người.
“Ở đây nhiều người tốt lắm. Từ cái tủ cho đến cái thau, cái tô, cái chén, thậm chí đến áo quần và bịch sữa cũng được bà con làng xóm cho… Không chỉ vậy, mọi người còn thay nhau trông giữ 2 con nhỏ những lúc tôi đi làm thêm nữa. Giờ có thả tụi nhỏ ở đâu cũng không sợ. Ở đây ai cũng biết, cũng thương và lo cho 2 đứa nó như con cháu của họ vậy… Khổ mấy rồi cũng qua hết thôi, miễn sao được sống bên các con đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc. Và tôi sẽ làm tất cả vì hai cô “công chúa bé bỏng” của mình. Đó là món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho tôi…”, ôm hai cô con gái vào lòng, anh Quang cười tươi chia sẻ.
Nhìn cảnh ba cha con anh Quang sống trong sự đùm bọc, cưu mang của xóm lao động nghèo cùng những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của hai cô “công chúa” bé bỏng khiến chúng tôi cũng thấy ấm lòng…
Thế nhưng, liệu hạnh phúc ấy sẽ kéo dài đến đâu khi Ngọc Trân và Mỹ Trân ngày càng khôn lớn và rồi đây, tương lai của hai cháu sẽ đi về đâu trong căn nhà một mét rưỡi này!
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về anh Bùi Thế Quang (35 tuổi), trú tổ 11, khối phố 2, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Theo webtretho