Hiện tượng bệnh lạ, không rõ căn nguyên, khó lý giải của cậu học sinh 13 tuổi, đang học trung học cơ sở khiến bố mẹ em không khỏi lo lắng.
Trong vòng hơn một tháng kể từ đầu năm học mới đến nay, Tiểu Hải (tên đã thay đổi) cứ đến trường là cơn đau đầu lại xuất hiện khiến em vật vã, khổ sở.
Trước những biểu hiện lạ của con trai, mẹ cậu bé đã đưa con đi bệnh viện kiểm tra nhưng cũng không phát hiện được nguyên nhân. Về sau, hai mẹ con phải tìm đến khoa tâm bệnh, tại đây, “căn nguyên bệnh tật” mới được tìm thấy.
Hiện tượng chung, nhiều học sinh cùng mắc phải
Trường hợp của cậu bé Hải sau đó đã được các bác sĩ ở bệnh viện nhân dân số 4, thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc đưa ra thảo luận hôm 10/10 vừa qua.
Chủ nhiệm khoa tâm bệnh, bệnh viện trên – bác sĩ Trần Tuấn Du cho biết, từ đầu năm học mới đến nay, có đến 30 em học sinh ở thành phố này vì các vấn đề tâm lý mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ riêng những học sinh có hiện tượng chán học, độ tuổi từ 14 đến 17 cũng lên đến gần 40 em, tăng 50% so với năm trước.
Ngoài vấn đề học tập, một bộ phận học sinh vì có quan hệ không tốt với thầy cô nên không muốn đến trường. Sau khi được điều trị tâm lý một cách có hệ thống, nhiều em đã khá hơn nhưng vẫn gặp phải các triệu chứng như u uất, căng thẳng, mất kiểm soát, phải nằm viện điều trị.
Bác sĩ Du cho biết, phần lớn các bệnh nhân do cô điều trị đều là học sinh vừa chuyển cấp, vừa từ tiểu học lên trung học cơ sở và từ trung học cơ sở lên trung học.
Vì chưa thích ứng với môi trường học tập mới nên nhóm học sinh này thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, tâm lý rối loạn, dễ cáu gắt vô cớ, mệt mỏi, mất ngủ…
Nghiêm trọng hơn, có những em sẽ xuất hiện tình trạng đau đầu, đau bụng, đau dạ dày, nôn mửa, đau bụng…
Bác sĩ Du cũng khuyên các bậc phụ huynh trong quá trình giáo dục con cái, nên để ý đến hành vi, cảm xúc của con trẻ, gần gũi, động viên kịp thời để các em học sinh tâm sự nhiều hơn về những gì diễn ra ở trường, từ đó có lời khuyên hữu ích cho con.
Ở Việt Nam cũng không có ngoại lệ
Vấn đề của cậu bé Tiểu Hải trên thực tế cũng là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam.
Một cuộc khảo sát quy mô nhỏ, được thực hiện với 1.026 học sinh lớp 9 trường trường THCS của Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2003 cho thấy, 4,2% số em được hỏi có những cơn đau bụng liên quan trực tiếp đến căng thẳng trong học tập.
Đó là kết luận của khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cũng cho biết, ngày càng có nhiều học sịnh bị rối loạn tâm lý do sợ đi học đến bệnh viện điều trị.
Khi đó, các bệnh nhi phần lớn đã ở giai đoạn nặng, bị căng thẳng kéo dài, dẫn tới đau đầu, đau bụng, nôn mửa, tè dầm, đại tiện mất kiểm soát… Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có liên quan trực tiếp đến các sang chấn tâm lý ở học đường và gia đình.
Theo bác sĩ Hồi, những trẻ dễ mắc chứng đau đầu, đau bụng do căng thẳng thường là những em:
– Tự ti, không thân thiện hoặc cảm thấy khó khăn khi giao tiếp hòa nhập với mọi người.
– Có xáo trộn về tâm lý hoặc dễ xúc cảm.
– Bố mẹ mải làm ăn không quan tâm tới con cái, thường xuyên dùng đòn roi, quát mắng trẻ.
– Đi học gặp phải những khó khăn ở trường, lớp mà cha mẹ thầy cô không kịp thời phát hiện.
– Bị bạn bè bắt nạt hoặc thầy cô la mắng nhưng không biết cách tháo gỡ, cũng không biết kể cùng ai.