Trong vụ thảm án ở Quảng Ninh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là người đầu tiên hỏi cung Doãn Trung Dũng. Nghi phạm đã ngay lập tức nhận ra tướng Tiến.
Tin tức đăng tải trên báo Công an nhân dân, sau khi nhận được thông tin về vụ thảm án Quảng Ninh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cùng tổ công tác của Cục C45 đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ thảm án phối hợp với Viện Khoa học hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức khám nghiệm, điều tra.
“Dù không phải lần đầu khám nghiệm hiện trường các vụ thảm án nhưng bước vào hiện trường vụ này, tôi vẫn thấy rùng mình. Kinh nghiệm làm án nhiều năm tôi chưa thấy có vụ án nào nạn nhân lại bị sát hại rồi gom lại một chỗ như thế…”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến trao đổi trên Công an nhân dân.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, vị chỉ huy quá nhiều kinh nghiệm hỏi cung những kẻ sát nhân máu lạnh là người đầu tiên vào hỏi cung nghi phạm thảm án Quảng Ninh. Doãn Trung Dũng nhận ra Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến ngay từ những phút đầu tiên.
Theo Báo Tin Nhanh, Chính Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là người thẩm vấn, đặt câu hỏi khiến Nguyễn Hải Dương (hung thủ trong vụ thảm án Bình Phước) phải cúi đầu nhận tội sau nhiều giờ chối tội quanh co, tìm cách chứng minh bản thân ngoại phạm.
Tướng Tiến là người Nghệ An, trưởng thành từ người lính điều tra Công an Hà Nội. Trải qua nhiều cấp bậc, nay tướng Tiến là Cục trưởng Cục Cảnh sát hình, Bộ Công an.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo 66 chuyên án của Cục, trong đó có 30 chuyên án xác lập mới. Kết quả đấu tranh đã kết thúc 28 chuyên án, trong đó không ít vụ ông đã trực tiếp tham gia.
Tướng Hồ Sỹ Tiến còn có công rất lớn trong việc phá án vụ Lê Văn Luyện, thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích, phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang). Sau khi giết người, cướp tài sản Luyện đã bỏ trốn đến nhà cô ruột ở giáp biên giới Lạng Sơn, sau đó trốn sang Trung Quốc. Trong vụ này, chính tướng Hồ Sỹ Tiến là người đã trực tiếp đi Lạng Sơn, thuyết phục được chú rể của Luyện là Lê Thành Nghị đưa Luyện trở về Việt Nam rồi phối hợp với Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn bắt giữ Luyện khi đang trên đường từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau đó, gần 4h sáng 1/9/2011, tướng Tiến bắt đầu hỏi cung đối tượng. Vụ án nghiêm trọng gây xôn xao dư luận đã nhanh chóng được khám phá.
Báo Tiền Phong đăng tải, trong vụ thảm án ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (tháng 7/2015) và vụ thảm sát 4 người trong 1 gia đình ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (tháng 8/2015) Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự trong năm 2015 là hai lần ông cùng các cán bộ, chiến sĩ lội bộ xuyên rừng hàng chục km vào tận hiện trường 2 vụ thảm án để chỉ đạo truy bắt hung thủ.
Là người trực tiếp chỉ đạo hàng loạt vụ án gây chấn động xã hội nhưng sau những chiến công ấy, có nhiều điều rất thú vị về đời thường của Tướng Tiến. Cục trưởng C45 trao đổi trên báo Tiền Phong,điều hay khiến người làm công tác điều tra và công tác hình sự giật thót mình là tiếng điện thoại vang lên lúc nửa đêm hoặc gần sáng. “Cú điện thoại kiểu đó chỉ có hai tình huống, một là gia đình ở quê, bạn bè, người thân có chuyện gì, nhưng thường là lý do thứ hai: Có vụ án nghiêm trọng xảy ra” – Tướng Tiến cho biết. Và ông bảo, từ ngày còn công tác ở Phòng Cảnh sát điều tra cho đến khi làm Cục trưởng C45, ông không nhớ mình đã nhận được bao nhiêu cú điện thoại kiểu “giật thót mình” như thế.
Ông cũng không ngần ngại kể về một ngày “làm tướng”, nếu “một ngày xã hội bình yên” thì 6h30 sáng ông sẽ rời nhà để tới cơ quan, và 18h rời cơ quan trở về nhà.