Đối với nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc, đổi tình lấy những món quà đắt tiền đã “xưa như trái đất” rồi, giờ họ muốn được trải nghiệm một cuộc sống hưởng thụ hơn bằng cách đi du lịch đây đó, và tất nhiên, nhiều người trong số họ chẳng ngại ngần đổi tình cảm cũng như thân xác lấy những chuyến rong chơi miễn phí.
Năm 2014, một cô gái trẻ có nick name Lộ Châu, đến từ Thượng Hải, Trung Quốc, tự nhận mình thuộc nửa cuối của thế hệ 9X, đã khiến cho dư luận nước này phải xôn xao khi công khai đăng tin tuyển “bạn trai tạm thời” tại mỗi vùng đất mà cô ta chuẩn bị đặt chân đến, nhằm mục đích đổi tình để được du lịch miễn phí khắp mọi nơi.
Tuy chỉ là tuyển “bạn trai tạm thời”, nhưng cô gái trẻ đặt ra tiêu chuẩn rất cao: đẹp trai, dưới 30 tuổi, cao trên 1,75 m và dĩ nhiên là phải thật giàu có, đồng thời cũng cần phải hào phóng. Những người đàn ông này sẽ tài trợ toàn bộ sinh hoạt phí của cô gái tại thành phố của họ. Đổi lại, họ sẽ được “ở cả đêm, được chăm sóc toàn tâm toàn ý và được cặp kè” với một cô gái xinh đẹp.
Cô gái trẻ đã nhận được vô số “gạch đá” của các cư dân mạng Trung Quốc khi tự tin phát biểu “việc làm này giống như là quá giang, chẳng có gì phải xấu hổ”. Nhiều người thậm chí còn đánh đồng cô với gái gọi cao cấp, nhưng chẳng ai có thể ngăn cản cô gái 9X tiếp tục đi du lịch miễn phí theo cách mà cô ấy muốn.
Một cô gái trẻ khác mang họ Dương tiết lộ, với đồng lương eo hẹp chưa đầy 3.000 tệ (tương đương 10 triệu đồng)/tháng của mình, cô không thể thoải mái đi du lịch hay mua sắm ở những nơi mà cô muốn, thế nên, cô đã rất hào hứng khi học được chiêu “đổi tình lấy du lịch” của một số cô gái trên mạng. Dương cho biết, nếu có 1 người đàn ông sẵn lòng chi trả mọi chi phí đắt đỏ cho cuộc đi chơi của cô thì cô cũng hết sức sẵn sàng ngủ với anh ta.
Nghĩ là làm, Dương lập tức đăng tin tìm đối tác trên mạng. Cũng giống như bao cô gái khác, Dương đặt ra rất nhiều yêu cầu đối với “bạn trai tạm thời” của mình về mọi mặt: chiều cao, tuổi tác, ngoại hình, và điều kiện tiên quyết là anh ta phải luôn sẵn hầu bao trả tiền mời cô đi chơi.
Cô nhanh chóng tìm được đối tượng vừa ý và cùng anh ta đi du lịch 2 tuần tới Lhasa, Tây Tạng. Sau lần đổi chác đầu tiên thành công tốt đẹp, Dương không thể dừng lại được và cô bắt đầu nghiện việc “đổi tình lấy du lịch”, bất chấp mọi điều tiếng và những lời gièm pha của dư luận. Bởi những chuyến đi này không chỉ giúp cô được ăn chơi miễn phí mà nó còn tạo cho cô cảm giác hồi hộp, kích thích khi giao du với nhiều người đàn ông thú vị khác nhau.
Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc quan tâm tới chủ đề “đổi tình lấy du lịch”. Trên các trang mạng xã hội, người ta cũng đang tranh luận sôi nổi về hiện tượng này. Một số người lên tiếng bênh vực trào lưu vì họ cho rằng những cô gái ấy chỉ đang tìm cách thích nghi với mọi hoàn cảnh và không đáng bị chê trách. Bên cạnh đó, rất nhiều người lại lớn tiếng chỉ trích đây là lối sống buông thả của những kẻ suy đồi đạo đức, đồng thời họ cũng tỏ ra lo lắng về vấn đề an toàn của những cô gái thích đánh đổi ấy.
Theo một số chuyên gia ngành luật của Trung Quốc, việc “đổi tình lấy du lịch” không phải là hành vi phạm pháp, vì không có điều luật nào cấm việc trao đổi này, hơn nữa, nó không gây tổn hại tới xã hội hoặc vi phạm luật hình sự. Ngoài ra, khi tiến hành trao đổi, hầu hết những người này đều quan hệ tình dục với tư cách là một cặp tình nhân, chứ không coi bán dâm làm nghề chính để kiếm sống, vì vậy, “đổi tình lấy du lịch” có tính chất khác với mại dâm hoặc mua dâm.
Tuy nhiên, việc trao đổi này lại tiềm ẩn hàng loạt rủi ro và có thể kích thích các hành vi phạm tội khác, như trộm cắp, bắt cóc, giết người và buôn người, bởi nó giúp cho kẻ gian có cơ hội tiếp cận trực tiếp với con mồi. Người tham gia trao đổi không thể đòi bồi thường nếu 1 trong 2 người phá vỡ hợp đồng. Trong một số trường hợp, cho dù dựa trên sự tự nguyện của đôi bên, nhưng đối tượng chi tiền để đổi lấy tình có thể bị buộc tội hiếp dâm nếu đối tác của họ vẫn chưa đến tuổi thành niên…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng của nó tới sự an toàn của phụ nữ và về nhận thức tình dục của xã hội, khi tình cảm và thân xác được coi như món hàng trao đổi. Một số phụ nữ coi việc “đổi tình lấy du lịch” như một thứ vũ khí chống lại định kiến xã hội truyền thống, nơi luôn coi giao dịch thân xác là việc làm đáng xấu hổ.
Tuy không có con số chính thức về tỷ lệ đàn ông và phụ nữ tình nguyện trao đổi quan hệ thân xác để đi du lịch, nhưng dạo qua các diễn đàn mạng, có thể thấy đa số người muốn đăng tin đổi chác đều là phụ nữ. Mặc dù người phụ nữ tự nguyện đổi tình dục để được đi du lịch, nhưng hiện tượng này có tác động tiêu cực tới xã hội vì nó khuyến khích sự bất bình đẳng giới.
Xã hội Trung Quốc hiện đang thay đổi chóng mặt, nhiều người trẻ đã dần “thương mại hoá” cảm xúc và thân thể của mình, và bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng định giá mọi thứ.