Mối duyên oan trái giữa Phất Kim công chúa – con gái vua Đinh Tiên Hoàng với Ngô Nhật Khánh – hậu duệ nhà Ngô đến nay vẫn khiến nhiều người thổn thức mỗi khi nhắc lại…
Công chúa Phất Kim vốn là ái nữ của vua Đinh Tiên Hoàng – vị vua áo vải đã đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân. Không may mắn như những người anh chị em khác của mình, số phận của Phất Kim vô cùng bi ai, sầu thảm. Tất cả là vì duyên số đã đưa đẩy nàng nên duyên cùng người chồng vô tình bạc nghĩa là Ngô Nhật Khánh.
Theo sử sách ghi chép lại, thân phận của Ngô Nhật Khánh ngay từ đầu đã rất phức tạp. Không những là con riêng của một trong 5 vị hoàng hậu của nhà vua, Nhật Khánh cũng chính là một trong 12 sứ quân ở thời loạn trước đó, là dòng dõi tiên chúa Ngô Quyền. Dù bề ngoài nói cười vui vẻ nhưng trong lòng y vẫn ngấm ngầm tính chuyện khởi sự chống lại triều đình. Vua Đinh đương nhiên nắm rõ những điều này trong lòng bàn tay, song cũng chính bởi vậy mà ông quyết định gả một trong ba công chúa của mình cho Ngô Nhật Khánh để ngăn lại dã tâm của y.
Trong bữa yến tiệc mừng đám cưới giữa vua Đinh với mẹ của Ngô Nhật Khánh, nhà vua đã khéo léo sắp xếp cho ái nữ kiều diễm của mình là công chúa Phất Kim đến chúc rượu y. Ngay lần đầu diện kiến Phất Kim, Nhật Khánh đã ngỡ ngàng trước vẻ kiều diễm của nàng. Đến lần chúc rượu thứ hai, y chủ động giơ tay đón ly rượu để chạm vào bàn tay ngọc ngà của công chúa.
Khi Phất Kim khẽ khàng rút tay lại, Nhật Khánh mới hỏi: “Quý danh của nàng, liệu ta có biết được chăng?”. “Dạ thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim”, Phất Kim công chúa bẽn lẽn trả lời. “A! Phất Kim”, Nhật Khánh nói như reo. Đến lần chúc rượu thứ ba, Nhật Khánh táo tợn hỏi: “Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, liệu nàng có bằng lòng không?”. Phất Kim đáp lễ: “Cảm ơn tướng quân đã có lòng hạ cố” và vội rảo bước, không dám ngoái lại nhìn dù chỉ một lần.
Nhất cử nhất động của cả hai không qua nổi mắt nhà vua. Nhìn thái độ của Nhật Khánh, ông biết rõ y đã phải lòng con gái mình. Một lần, vua Đinh gọi Phất Kim đến mà rằng:“Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha. Giặc Tống và giặc Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật Khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng. Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh, để lấy tình phu phụ thuyết phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung”. Phất Kim nghe lời cha dạy bảo liền nhận lời cầu hôn của Khánh. Vậy là tả đô úy Nhật Khánh chính thức trở thành phò mã của vua Đinh Tiên Hoàng.
Thời gian đầu sau khi lấy nhau, Ngô Nhật Khánh và Phất Kim công chúa đã trải qua những ngày tháng rất hạnh phúc. Y đã không còn nghĩ quá nhiều đến chuyện tạo phản nữa. Nhưng đến một ngày, bỗng có một người lái buôn từ phương Bắc đến trao cho Ngô Nhật Khánh một phong thư và xì xầm to nhỏ cùng y. Sau khi xem thư, Ngô Nhật Khánh xin phép vua cha cho vợ chồng mình đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy, và xin thêm năm chiến thuyền hộ tống.
Khi thuyền đang xuôi dòng, công chúa Phất Kim hỏi chồng: “Chúng ta sẽ đi đâu?”. Nghĩ rằng phận gái “xuất giá tòng phu”, Ngô Nhật Khánh không ngần ngại nói rằng y định đi cầu cứu vua Chiêm để giành lại ngôi vua, và vỗ về rằng không lâu sau nữa công chúa Phất Kim nhất định sẽ được trở thành hoàng hậu của nước Đại Cồ Việt.
Nghe xong, Phất Kim một mực can ngăn ý đồ tạo phản của chồng. Nàng khuyên Nhật Khánh cùng mình trở về tiếp tục cuộc sống yên bình, đừng làm điều sai trái để phải ngàn năm phải gánh tội bất hiếu, bất trung. Nghe những lời thấu tình đạt lý của vợ, Ngô Nhật Khánh không những không tỉnh ngộ mà nổi giận đùng đùng. Y quát lớn: “Cha của ngươi đã lừa dối, ức hiếp mẹ con ta. Lẽ nào ta vì yêu quý nhà ngươi mà có thể quên hết tội ác của cha ngươi hay sao? Ngươi cứ về đi. Còn ta sẽ đi tiếp con đường của ta”.
Nói xong vẫn chưa hả giận, Ngô Nhật Khánh còn rút dao xẻo má vợ một cách lạnh lùng, tàn nhẫn rồi mới đưa quân sang Chiêm thành.
Bị người chồng “đầu gối tay ấp” bao năm trở mặt, nhẫn tâm hủy đi nhan sắc ngọc ngà, còn định tạo phản giết cha mình hòng cướp nước, lòng Phất Kim bấy giờ đau đớn khôn nguôi. Nàng được đưa về Hoa Lư chạy chữa thuốc men. Chỉ có điều, dù vết thương bên ngoài qua thời gian cũng liền da nhưng vết thương lòng nàng mãi mãi không bao giờ lành sẹo. Quá tủi hổ và tuyệt vọng, công chúa đã xuống tóc đi tu. Những câu kinh từ bi vẫn không đủ sức xoa dịu đau thương trong lòng, nên nàng đã tìm đến cái chết để giải thoát.
Phất Kim nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt ở phía tây bắc kinh thành Hoa Lư mà tự vẫn. Ở đó, một ngôi đền đã được lập nên để tưởng nhớ nàng công chúa lá ngọc cành vàng mà cuộc đời đầy sóng gió, bi ai. Ngôi đền đó nay gọi là đền Thục Tiết công chúa.
Xem clip Công chúa nhỏ nước Anh lần đầu xuất hiện trước công chúng