Khi con rắn đang chầm chậm bò qua chân mình, thấy nó nhỏ xíu dễ thương nên anh Tiến hiếu kỳ dùng tay bắt lên xem cho rõ. Bất ngờ con rắn cắn 1 phát vào ngón tay anh.
Nguy kịch sau khoảng 4 giờ bị rắn cắn
Anh Đinh Văn Tiến (43 tuổi, ngụ xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vừa được bệnh viện chuyên khoa thuộc Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cứu sống sau khi bị 1 con rắn cạp nia còn nhỏ xíu cắn. Anh Tiến cân nặng khoảng 60kg, trong khi con rắn cạp nia cắn anh suýt chết chỉ mới được 3 ngày tuổi, dài khoảng 30cm, to chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm. Thời gian từ lúc bị rắn cắn đến lúc chất độc phát tán khiến anh Tiến nguy kịch khoảng 4 giờ.
Nằm trên giường bệnh tại bệnh viện chuyên khoa điều trị rắn cắn, anh Tiến đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn rất mệt mỏi, yếu ớt, giọng nói mệt nhọc. Anh Tiến kể: “Tui làm nghề tài xế chạy xe tải đường dài vận chuyển hàng hóa thuê. Rạng sáng 27/7, tui lái xe đi giao hàng ở miền ngoài về đến 1 điểm trên quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai thì có nhu cầu đi vệ sinh”.
Anh Tiến cho xe dừng lại bên lề đường, bước xuống vệ cỏ ven đường đi tiểu. Trong lúc đi tiểu, anh Tiến thấy có vật gì bò qua chân mình. Anh soi điện thoại xuống xem thì nhìn thấy 1 con rắn nhỏ bằng chiếc đũa ăn cơm, dài khoảng 30cm, trên mình có khoang đen, khoang trắng, đang chầm chậm bò qua chân anh. Không biết đó là loại rắn gì nhưng thấy nó nhỏ xíu dễ thương, nên anh Tiến hiếu kỳ dùng tay phải bắt lên xem cho rõ.
Bất ngờ con rắn cắn một phát vào ngón tay anh. Anh vội nắm chặt con rắn, chạy đến xe tìm một vỏ chai nhựa đựng nước uống và bỏ con rắn vào chiếc chai với ý định mang về cho mọi người xem chơi.
“Lúc đó tui chỉ thấy nhói đau một cái rồi thôi nên nghĩ rằng không có chuyện gì xấu xảy ra. Sau khi bỏ con rắn vào chai để lên xe, tui dùng tay nặn máu ở vết thương do rắn cắn ra ngoài, rồi tiếp tục điều khiển xe về Tiền Giang. Tôi không hề biết mình vừa bị loài rắn cực độc cắn”, anh Tiến kể.
Khoảng 3 giờ sau, khi điều khiển xe về đến địa phận tỉnh Long An, anh Tiến cảm thấy cánh tay bị rắn cắn mỏi nhừ, tê cứng vào tận trong nách. Đến khi không thể điều khiển vô lăng xe, anh Tiến bèn kêu phụ xế lên lái xe còn anh ngồi ghế phụ để nghỉ ngơi. Tuy nhiên càng ngày hiện tượng tê cứng cánh tay càng nặng, cổ họng anh đau đớn và cũng tê cứng.
Anh Tiến bắt đầu bị choáng và nghĩ đến việc có thể đây là hậu quả do lúc trước bị rắn độc cắn. Thế là anh Tiến yêu cầu người phụ xe điều khiển xe chạy nhanh về Tiền Giang để đưa anh vào cấp cứu tại bệnh viện chuyên khoa của Trại rắn Đồng Tâm. Tại đây, sau khi thăm khám và nhìn thấy con rắn nhỏ đã cắn anh Tiến bị nhốt trong chai, các bác sĩ của Trại rắn Đồng Tâm đã xác định anh Tiến bị rắn cạp nia, một loài rắn cực độc tấn công.
Theo các bác sĩ, do con rắn còn nhỏ, lượng nọc độc truyền vào người anh Tiến không nhiều lắm, nên anh vẫn còn đủ thời gian để đến bệnh viện cấp cứu. Nếu đến trễ khoảng 30 phút có thể tính mạng của anh Tiến đã nguy kịch. Sau khi được cứu sống, anh Tiến cho biết từ trước đến nay anh chưa hề nhìn thấy loài rắn này nên không hề biết nó là loài cực độc.
Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, cho biết con rắn cạp nia cắn anh Tiến tuy chỉ mới khoảng 3 ngày tuổi nhưng đã có mang nọc kịch độc. “Đối với các chủng rắn độc, dù lớn hay nhỏ chúng cũng rất nguy hiểm, người dân không nên chủ quan xem thường chúng khi gặp phải. Trường hợp của anh Tiến là một điển hình. Từ vụ việc này tôi cũng khuyến cáo, người dân khi gặp những loài rắn lạ, dù chưa biết có độc hay không thì cũng không nên tò mò bắt xem, để tránh những tai nạn đáng tiếc, nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra”, trung tá Lương khuyến cáo.
Cảnh giác với rắn cạp nia vào mùa nước nổi
Theo các bác sĩ của Trại rắn Đồng Tâm và các tài liệu khoa học, chi Cạp nia (Bungarus) là một chi rắn thuộc họ Rắn hổ (Elapidae) có nọc độc, tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Chi này có 14 loài và 8 phân loài. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là rắn cạp nong, cạp nia, mai gầm, hổ khoang… Các loài rắn này thường có chiều dài khoảng 1-1,5m và đã có cá thể dài tới 2m đã được quan sát thấy.
Phần lớn các loài rắn này có lớp vảy trơn và bóng được sắp xếp thành các khoang đậm màu, bao gồm các khoang đen và khoang màu sáng xen kẽ (khoang đen – vàng hoặc khoang đen – trắng). Điều này giúp chúng ngụy trang khá tốt tại môi trường sinh sống của chúng là các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm. Các vảy dọc theo sống lưng có hình lục giác. Đầu thon mảnh và mắt có con ngươi tròn. Thân mình có tiết diện ngang hình tam giác và phẳng ở phần lưng-hông, đuôi hẹp dần thành điểm nhọn.
Các loài rắn trong chi này là các loại động vật ăn thịt. Con mồi chủ yếu của chúng là các loài rắn khác (bao gồm cả những loài có nọc độc). Chúng ăn thịt cả đồng loại và các loài thằn lằn nhỏ. Tất cả các loài thuộc chi này đều kiếm ăn về đêm. Ban ngày chúng khá hiền lành, nhưng trở nên hung dữ hơn về đêm. Tuy nhiên, nói chung chúng khá nhút nhát và thông thường hay ẩn giấu đầu trong phần thân được cuộn tròn lại để tự vệ. Trong tư thế như vậy, đôi khi chúng sẽ quất đuôi như một dạng của sự tiêu khiển và cảnh báo.
Các loài trong chi Bungarus mang nọc độc có độc tính cao đối với hệ thần kinh, có hiệu lực cao hơn nhiều lần so với nọc rắn hổ mang. Cú cắn của chúng rất nguy hiểm khiến nạn nhân trụy hệ hô hấp. Trước khi có thuốc chữa rắn cắn có tác dụng được điều chế ra, thì tỷ lệ tử vong của nạn nhân bị rắn cạp nong, cạp nia cắn lên tới 75%. Vì các vết cắn của chúng ít khi sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, cấp cứu quá trễ sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh đã bột phát. Có một điều may mắn là các loài thuộc chi cạp nia bình thường rất ít khi hung hãn như các loài rắn hổ khác, phần lớn chúng chỉ tấn công con người khi buộc phải tự vệ.
Theo ông Trương Văn Gắng, một nông dân chuyên nghề săn bắt thủy sản ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), từ trước đến nay khu vực miền Tây Nam Bộ chỉ có một loại rắn độc có khoang đen – vàng, thường được người dân gọi là rắn Mái Gầm (nhiều nơi gọi là cạp nong), còn loại có khoang đen – trắng (cạp nia) hầu như không có. Trong dân gian từ xưa lưu truyền câu: “Mái Gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà” để chỉ mức kịch độc của loài rắn này (bị rắn Mái Gầm cắn là nằm chết tại chỗ, bị rắn hổ cắn thì về đến nhà mới chết). Loài rắn này sinh sống chủ yếu trên cạn, nhưng sẵn sàng lặn ngụp dưới nước để kiếm mồi nên rất nguy hiểm.
“Thời gian gần đây các loài rắn độc ở miền Tây Nam Bộ đã hiếm dần do tốc độ săn bắt của con người, nhưng không phải đã tuyệt diệt. Hiện nay khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang vào mùa nước nổi, khắp nơi nước ngập sâu, nên nhiều loài rắn độc thường tìm đến chỗ khô ráo để trú ngụ. Đặc biệt là chúng hay tìm vào trú ẩn trong những ngôi nhà cao ráo xung quanh bị ngập nước. Vì vậy mọi người phải hết sức cẩn thận đề phòng, đặc biệt là vào ban đêm”, ông Gắng nói.
Theo Báo Tuổi trẻ & Đời sống