Dù Kiểm lâm tỉnh Hà Giang khẳng định việc xử phạt thanh niên chở lậu 2 tấm thớt là cần thiết nhưng nhiều ý kiến vẫn không đồng tình.
Vận chuyển lậu 2 thớt gỗ cũng phải xử nghiêm
Ngày 11/1, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, Tổ tuần tra Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) vừa bắt giữ một đối tượng vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 4/1 tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Đối tượng bị bắt giữ là Giàng Mí Lầu (SN 1992), trú tại thôn Sảng Trải A, xã Lũng Pù (huyện Mèo Vạc).
Theo thông tin ban đầu, sáng 4/1, Lầu điều khiển xe máy mang BKS: 23B1 -22703 chở theo gỗ nghiến thuộc nhóm 2A dạng thớt, đường kính 50cm.
Làm việc với cơ quan điều tra, Lầu cho biết mua gỗ của ông Vàng Mí Na (trú tại thôn Sảng Trải B, xã Lũng Pù). Lầu định vận chuyển đến thôn Tìa Chớ, xã Xín Cái để tiêu thụ. Tuy nhiên khi đang trên đường di chuyển thì bị lực lượng Kiểm lâm huyện Mèo Vạc bắt giữ.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết đã nắm được thông tin trên.
Theo ông Đông, việc bắt giữ các thớt gỗ nghiến này đúng quy định của pháp luật, bởi gỗ nghiến ở Việt Nam là gỗ tự nhiên quý, hiếm thuộc nhóm IIA là nhóm cấm khai thác, vận chuyển.
Vị lãnh đạo khẳng định, việc vận chuyển 1 hay 2 cái thớt gỗ nghiến ở nhóm IIA đều vi phạm pháp luật và khi bắt được đều bị xử lý theo quy định.
“Có thể người ta vận chuyển nhiều lần với số lượng ít chứ không phải một lần, nhưng không phải lúc nào cũng bị phát hiện. Ở đây là giống như vi phạm giao thông, rất nhiều người vi phạm, tuy nhiên, may thì bắt giữ được một vài người”, ông Đông nhấn mạnh.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cũng khẳng định lực lượng này đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ lớn xử lý chứ không phải phân biệt vụ to hay nhỏ.
“Đã vi phạm thì vận chuyển 1, 2 cái nếu phát hiện vẫn bị xử lý theo quy định”, ông Đông nêu rõ.
Tranh luận trái chiều
Thông tin trên ngay lập tức được lan truyền trên các mạng xã hội và thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc trên không có gì quá to tát khiến kiểm lâm Hà Giang phải mất thời gian mật phục, vây bắt như những vụ buôn bán gỗ lậu trên địa bàn.
“Đọc xong thông tin tôi thấy thật sự ngạc nhiên. Tại sao những vụ vận chuyển gỗ lậu không thấy lực lượng chức năng làm rốt ráo. Nhìn khuôn mặt chàng trai trẻ bị vây bắt thật đáng thương. Có lẽ vì tình cờ anh ấy mới làm như vậy chứ đi buôn lậu, chở lậu ai đèo không 2 chiếc thớt làm gì”, bạn đọc Quỳnh Trang chia sẻ.
Một tài khoản facebook có tên Hoang Thieng bình luận dí dỏm: “Chiến công vang dội! Kiểm lâm Hà Giang, với quyết tâm cao và lực lượng hùng hậu, sau nhiều ngày đêm gian khổ mật phục, đã vây bắt được đại lâm tặc chở 2 chiếc thớt bằng xe máy”.
Một bạn đọc khác có tên Thiên Minh cũng đưa ra đề nghị Kiểm lâm Hà Giang sẽ tập trung vào vây bắt các vụ án buôn lậu gỗ khác và cung cấp thông tin đến bạn đọc.
“Vị lãnh đạo Kiểm lâm khẳng định dù có chở lậu 1 hay 2 tấm thớt thì cũng vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm. Mong các anh cũng liêm chính, công tâm như thế khi đối diện với các vụ khai thác, vận chuyển gỗ tự nhiên thuộc loại quý, hiếm lớn”, Thiên Minh nhấn mạnh.
Sự thật về những ‘tấm thớt’
Chúng ta có thể thấy đây là clip 1 người khác cũng chở những ‘tấm thớt’ giống Giàng Mí Lầu nhưng với số lượng lớn hơn.
Chia sẻ của một người sử dụng mạng xã hội về câu chuyện buôn lậu xe đạp trá hình: “Đấy giống như cái chuyện bắt thằng đi xe đạp qua biên giới ấy anh, ngày nào cũng chỉ thấy nó đạp xe, ngày mấy chục lượt, khám tới lui không thấy gì. Cho tới khi biên phòng nhà ta về hưu, gọi hỏi nó tâm tình, hỏi mày buôn gì bao năm anh không khám ra được, nó thú thật là buôn lậu xe đạp. Ôi mẹ ơi, ngày gần 20 con xe là giàu ú rồi“.
Như vậy chúng ta có thể thấy việc chở những tấm thớt này không đơn giản, có thể đây là một cách thức mới được những kẻ buôn lậu nghĩ ra nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Cư dân mạng dường như đã bị khuôn mặt tội nghiệp của Giàng Mí Lầu khi bị kiểm lâm bắt đánh lừa.
Thay vì những lần buôn gỗ lậu với số lượng lớn rất dễ bị phát hiện và triệt phá, những kẻ buôn lậu đã chuyển sang hình thức ‘ngụy trang’ chúng dưới dạng những tấm thớt. Có thể Giàng Mí Lầu trong câu chuyện trên đây chỉ chở 2 ‘tấm thớt’ nên chưa đủ sức thuyết phục với những người theo dõi câu chuyện. Nhưng nếu mỗi ngày có đến hàng trăm người giống như Lầu thì liệu sẽ có bao nhiêu cây xanh bị chặt phá. Chưa kể đến những kẻ chở với số lượng lớn nhưng không bị lực lượng chức năng bắt gặp.
Nguồn: baodatviet & T.H