Sống ảo không đơn thuần chỉ là sự lệ thuộc vào mạng xã hội. Thói quen này còn tố cáo bạn là một người thiếu thành công trong cuộc sống và nghèo nàn trong tư duy.
Bạn chụp hình đồ ăn post lên Facebook, rồi bị bạn bè trêu đùa là sống ảo. Bạn sẽ làm gì? Cười xòa một cái. Chỉ là một thói quen chẳng chết ai thôi mà, có gì mà nâng cao quan điểm.
Bạn cùng nhóm bạn đi du lịch biển. Trong khi đám bạn đang chơi bóng chuyền, xây lâu đài cát, đùa nghịch với những con sóng, bạn cố gắng tìm một cái ghế dài, nằm lên đó và chụp bàn chân của mình hướng ra biển.
Dĩ nhiên chụp xong phải dò sóng 3G hoặc wifi để post Facebook rồi. Quên mất, thi thoảng còn phải chạy ra đếm likes, reply comment nữa chứ.
Bạn thừa nhận mình sống ảo. Có gì to tát đâu, chỉ là khoe cho lũ bạn ở nhà GATO thôi mà.
Và đây là level cao nhất: Bạn chả đi đâu cả. Bạn ngồi máy tính, khéo léo cắt hình của mình ghép vào những địa điểm du lịch nổi tiếng rồi post Facebook, Instagram. Cũng chả có gì nghiêm trọng. Chỉ là đếm likes cho vui thôi mà.
Kể cả có bị dân mạng bóc mẽ thì cùng lắm là xóa hình, xóa tài khoản là xong chuyện. Ai truy tố tội sống ảo.
Dĩ nhiên là không có tòa án nào xử bạn tội sống ảo cả. Nhưng nếu bạn có những biểu hiện trên, tôi cam đoan bạn là một kẻ thất bại, nhàm chán trong cuộc sống đời thường.
Tại sao?
Những thứ khiến bạn thỏa mãn đều ảo
Ngoài kia, trong khi người ta thỏa mãn trước sự thăng tiến trong công việc, trước dự án thành công, trước những mức lương đáng mơ ước, trước những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, thì bạn thỏa mãn bởi những cái like, những comment sáo rỗng.
Sự thỏa mãn vốn dĩ là khát vọng vươn lên của con người. Người Nhật làm việc điên cuồng để thỏa mãn khi được người khác ngưỡng mộ.
Sinh viên học tập vất vả để đổi lấy sự thỏa mãn là những điểm số cao, những cơ hội được học tập ở Mỹ, Anh, Nhật…
Kỹ sư thiết kế thỏa mãn khi anh ta thiết kế được một ngôi nhà đẹp. Cánh nhà báo chúng tôi thì thỏa mãn khi có được một tác phẩm đến với đông đảo độc giả.
Thiên hạ hài lòng trước những thành quả có thật. Còn bạn thỏa mãn trước những chiến tích ảo.
Bạn là người nhạt nhẽo và thiếu thực tế
Món ăn là để thưởng thức không phải để chụp. Biển là để tắm không phải để khoe. Thiên nhiên là để ngắm nhìn, hít thở, trầm trồ không phải thứ để kiếm likes.
Đáng tiếc trong suy nghĩ nhàm chán của bạn, cuộc sống thu lại chỉ vừa bằng cái màn hình điện thoại.
Sau khi trải qua một chuyến du lịch, tôi thích được viết những cảm nhận thật, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè, hồi tưởng những ký ức tự do, phóng khoáng. Tôi muốn cho những người chưa từng được đến nơi tôi đến ngắm nhìn nó, để mơ về nó.
Còn bạn, tất cả những gì bạn bè thấy chỉ là khuôn mặt của bạn, với dòng chú thích nhạt nhẽo: Vì cuộc đời là những chuyến đi.
Bạn là người có hiểu biết vô cùng hạn hẹp
Tôi có người bạn lên Sapa nhờ người chụp ảnh khoe đang cho tiền một em bé dân tộc. Cô hy vọng sẽ được khen ngợi vì tấm lòng bồ tát, nhân hậu. Rốt cuộc, cô bị “ném đá” vỡ đầu.
Sapa thậm chí đã khuyến cáo du khách không mua hàng và cho tiền trẻ con. Vì làm như vậy chẳng khác nào thúc đẩy chúng bỏ học, lang thang đi bán hàng. Khi tôi nói cho cô bạn tôi biết điều này, cô thậm chí còn không tin.
Những người sống ảo gần như không có nhu cầu tìm hiểu sâu điều gì. Với họ, một bức ảnh check-in là điều quan trọng nhất, và tất cả những gì họ biết chỉ gói gọn trên Facebook.
Bạn là người hoang phí
Bạn tiêu hàng triệu đồng vào tiền quần áo, café, xem phim với đám bạn và không tiết kiệm nổi đồng tiền lương nào.
Bạn hoang phí cả thời gian ngồi tìm hiểu về các phần mềm chỉnh ảnh sao cho đẹp nhất, mượt mà nhất.
Những bức ảnh bạn chụp được chuốt lại đẹp gấp cả chục lần thực tế. Và bạn cảm thấy hài lòng khi cư dân mạng khen bức ảnh vốn dĩ không phải là bạn ngoài đời, thật xinh đẹp, hoàn hảo.
Với những “đức tính” dễ thỏa mãn, nhạt nhẽo, tầm hiểu biết hạn hẹp, hoang phí thời gian và tiền bạc, tôi không tin bạn có thể thành công trong cuộc sống. Bạn có thể xây cho bản thân một ngôi nhà đẹp đẽ trên Facebook, nhưng đừng quên rằng, đó vốn không phải nhà của bạn và con người trên đó cũng không phải bạn.
Theo Thời đại