Hai du học sinh Việt Nam tại Harvard là Châu Thanh Vũ và Diệu Liên đã thẳng thắn cho rằng, những luận điểm của bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” là một cái nhìn sai và phiến diện về trường.
Ngày hôm qua, cư dân mạng truyền tay nhau bài viết có tựa đề “Harvard, bốn rưỡi sáng”. Đây là một bài viết được dịch lại từ bản trích lược của cuốn sách “Harvard 4:30am – Harvard Universitys Gift to Young People” của tác giả Wei Xiuying.
Nội dung bài viết xoay quanh câu chuyện về không khí trong nhà ăn của Harvard. Người viết miêu tả: “Ở đó, chúng ta không nghe được âm thanh nói chuyện, ai cũng đều vừa ăn vừa đọc sách hoặc là ghi chép” vào lúc 4 giờ rưỡi sáng. Tiết lộ này khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn choáng ngợp.
Chỉ sau ít giờ xuất hiện trên mạng, “Harvard, bốn rưỡi sáng” và những chủ đề xoay quanh áp lực học tập ở trường đại học hàng đầu thế giới, được giới trẻ bàn tán xôn xao.
Từ những trải nghiệm thực tế, Châu Thanh Vũ (sinh năm 1992), người nhận học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần tại đại học Harvard và Trần Thị Diệu Liên (sinh năm 1997), nữ sinh nhận học bổng 7 tỉ của Harvard đã chia sẻ một số góc nhìn cá nhân về vấn đề trên.
Người viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” có cái nhìn phiến diện
Đó là ý kiến của Châu Thanh Vũ. Chàng nghiên cứu sinh tiến sĩ này cho rằng Harvard là một trường tốt, nhưng nó không phải là một chốn thần thánh như người ta hay mô tả. Người viết cuốn sách trên là một ví dụ của cái nhìn phiến diện vào Harvard từ bên ngoài, được viết bởi những người chưa bao giờ học và làm việc tại đây.
“Nhà ăn Harvard không phải là nơi người ta cắm cúi vừa ăn vừa đọc sách mà không nói chuyện với nhau và bệnh viện cũng như thế. Nhà ăn là nơi để mọi người ăn uống với bạn bè sau một ngày làm việc, và thường các chủ đề nói chuyện sẽ vượt ra khỏi chuyện trường lớp. Tuy tôi và mấy đứa bạn trong khóa tiến sĩ mỗi khi ăn với nhau cũng nói một ít về kinh tế, nhưng chúng tôi còn nói về cả chính trị xã hội, bầu cử, một bộ phim (Game of Thrones), hay cả về chuyện “Tại sao mày chưa có bồ?”.
Hình ảnh 4 giờ rưỡi sáng và vẫn có người làm việc nhiều ở thư viện là một hình ảnh hoàn toàn không có thực. Đúng là đôi lúc trong những kì thi cử hay có deadline lớn, học sinh Harvard cũng có thức trắng đêm để học bài, chuẩn bị (nhưng thực ra thì ai làm nghề nào chẳng có những ngày như thế…), phần lớn học sinh đều đã đang ngon giấc (hoặc đang trở về từ một bữa tiệc đâu đó) vào lúc 4 giờ rưỡi sáng trong những ngày bình thường.
Bài “Harvard, bốn rưỡi sáng” này được viết với một sự mô tả, tường thuật rất phiến diện về trường. Tác giả cố gắng thần thánh hóa sự thành công của trường bằng một yếu tố mà họ nghĩ là đại diện cho sự thành công: học, học, và học; làm việc, làm việc, và làm việc.
Đây là một cái nhìn rất sai và thực ra đối với tôi, nó khiến cho Harvard có vẻ thảm hại hơn thực tế. Nó tạo cảm giác rằng Harvard chỉ là một ngôi trường chỉ biết học, không biết cân bằng ăn, ngủ, chơi, các mối quan hệ, làm việc, và đặt nặng giá trị quá mức vào việc đọc sách. Trên thực tế, học sinh Harvard giỏi hơn thế rất nhiều, và chữ “giỏi” không hề theo nghĩa hẹp có trong bài”, Châu Thanh Vũ chia sẻ.
“Chúng tôi không phải là cỗ máy biết học”
Về phần Diệu Liên, dù mới bước chân vào trường Harvard chưa được một học kỳ nhưng cô gái Việt đã có những trải nghiệm thú vị tại ngôi trường danh giá này.
Cũng như Thanh Vũ, Diệu Liên cho rằng không cứ cắm cúi học trong nhà ăn hay không nói chuyện với nhau và học như những cái máy thì sinh viên sẽ trở thành những người có tinh thần thép trong học tập. Hay việc bạn trẻ thức thâu đêm rồi phải ngủ vật vờ ở bất cứ nơi nào cũng không phải là hình ảnh mang tính biểu tượng ý chí và tham vọng.
Sau khi đọc bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng”, Diệu Liên bày phản bác: “Đó không phải hình ảnh của Harvard mà tôi biết. Harvard trong nhà ăn luôn nhộn nhịp tiếng nói và thậm chí việc không ăn cùng một hội nào đó là việc khá hiếm gặp”.
Cô dẫn chứng về một cuộc sống bình thường ở Harvard: “Một cô bạn của tôi làm tôi rất phục: ngủ 8 tiếng 1 ngày, đi gym mỗi ngày và tham gia vài câu lạc bộ mỗi tuần. Đây mới là hình ảnh của ý chí và tham vọng: làm chủ cuộc sống và sức khỏe của bản thân”.
Theo lời Diệu Liên, Harvard như một biểu tượng của đỉnh cao tri thức. Người ta gán ghép nó với những hình ảnh nghiêm túc và khô khan đến đáng sợ và suy ra rằng: Để vươn đến những đỉnh cao, chúng ta phải vắt kiệt năng lượng, khép kín với xã hội và gò ép bản thân vào một guồng quay không ngừng nghỉ.
“Không thể phủ nhận lượng bài vở ở Harvard là rất nặng và việc học và giảng dạy luôn là ưu tiên số một. Nhưng quan niệm giáo dục luôn được đề cao là 4 năm đại học là 4 năm để học sinh phát triển bản thân và trưởng thành hơn.
Harvard sẽ không chỉ tuyển những cỗ máy chỉ biết học, cũng như học như những cái máy không phải bí kíp dẫn đến thành công”, nữ sinh Việt đang theo học tại Harvard viết.
Theo kenh14