Tam tạng kinh điển Phật giáo không đề cập đến việc cúng sao giải hạn. Đức Phật cũng chưa hề dạy đệ tử về việc này. Tuy nhiên, vì nhu cầu “dâng sao, giải hạn” của người dân tăng cao, một số chùa vẫn tiến hành nghi thức này với cái gọi là “tín ngưỡng dân gian”.
Cúng sao giải hạn xuất phát từ Trung Quốc, được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Theo quan niệm của người Á Đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức.
Trong 9 chòm sao này, có các sao tốt là Thủy Diệu, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức và các sao xấu là: La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán.
Thái Bạch được cho là “xấu nhất trong các sao xấu” bởi “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Người nào bị sao Thái Bạch chiếu thì sẽ gặp hạn về sức khỏe, mất tiền của, không làm ăn được, bị vu oan, thị phi, nói không thành có…
Và để hết vận đen thì phải đến chùa làm lễ cúng sao giải hạn. Chẳng phải vậy mà cứ đến đầu năm, người dân lại “nô nức” đi cúng sao, giải hạn. Cảnh người dân chen lấn, xếp hàng nhiều giờ để cúng sao, giải hạn gây tắc đường cũng không còn xa lạ nữa.
Nói về vấn đề này, cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội) giải thích, đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở tòa Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có lễ giải sao hoặc nghi thức nào khác cả.
Hòa thượng Thích Thanh Duệ, Uỷ viên Thư ký, Viện trưởng Phân Viện NCPHVN – Hà Nội cũng cho rằng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do Nhân Quả của chính người ấy làm nên.
“Muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại. Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt”.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Thượng toạ – tiến sĩ Thích Nhật Từ, phó viện trưởng học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM nói: “Chùa Giác Ngộ không tổ chức cúng sao vì nó chẳng có lợi ích gì cả, chỉ là một hình thức mê tín”.
“Trụ trì của các chùa cần phải có tâm, có trách nhiệm giải thích cho Phật tử của chùa mình hiểu rõ việc tụng kinh cầu an, tránh dâng sao, giải hạn. Vai trò của các vị trụ trì rất quan trọng trong việc giải thích, thực hành nghi lễ đúng Chánh pháp để làm gương cho Phật tử”, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP HCM nói.
Nguồn Vntinnhanh