Xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã từng nổi tiếng khắp nơi với những biệt danh như làng “xuất khẩu cô dâu”, “làng Kiều”, “phố Tây”… Chỉ vỏn vẹn hơn 12.000 nhân khẩu nhưng đến nay, Đại Hợp đã có xấp xỉ 900 cô gái đi lấy chồng nước ngoài. Có năm cao điểm, Đại Hợp có đến gần 200 cô dâu ra nước ngoài, chiếm khoảng 80% thiếu nữ trong xã.
Hàng trăm cô dâu lấy chồng ngoại
“Công bằng mà nói thì việc các cháu lấy chồng nước ngoài là nguyên nhân chính làm thay đổi bộ mặt kinh tế ở xã chúng tôi. Nhiều nhà từ rất nghèo nay đã trở thành khá giả, việc có vài tỷ đồng gửi ngân hàng là hết sức bình thường. Đường sá, các công trình phúc lợi xây dựng cũng có một phần đóng góp của các cháu” – bà Bùi Thị Út, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Quả thật là vậy. Đại Hợp vốn là một xã ven biển nghèo, trai hay gái lớn lên thì cũng chỉ có ruộng đồng và nghề biển. Khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, bắt đầu có những cô gái theo tàu vượt biên sang Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Mới đầu cuộc sống những cô gái vượt biên cũng không lấy gì làm khá giả, họ phải sống chui lủi, nhưng rồi qua thời gian họ cũng thâm nhập được vào cuộc sống nơi xứ người, bắt đầu có của ăn của để. Họ trở về quê hương trong ánh mắt ngưỡng mộ của những người con gái làng, và lần lượt những cô gái muốn thay đổi cuộc sống nhanh chóng rời bỏ quê hương theo chân những người đi trước.
Khoảng giữa những năm 2000 thì việc lấy chồng Hàn Quốc thực sự trở thành phong trào của các gia đình có con gái ở xã Đại Hợp. Những trung tâm môi giới hôn nhân mọc lên như nấm ở những địa phương lân cận, những trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc cứ gọi là “bội thu”. Có thời điểm như năm 2005, Đại Hợp có đến 173 cô gái xuất ngoại lấy chồng, năm 2006 là 100 cô. Phải nói những năm đó, đến Đại Hợp từ dân tình đến cán bộ xã, hầu như chỉ thấy nghe nói về việc “sang bên ấy lấy chồng”.
Theo thống kê của UBND xã Đại Hợp thì xã có đến 15,3% gia đình có 2 con gái lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 3 con lấy chồng nước ngoài, và 1,4% gia đình có 4 con gái lấy chồng nước ngoài. Bà Bùi Thị Út chia sẻ, những năm các cháu ra đi ồ ạt, xã cũng đau đầu lắm, đi đâu người ta cũng bảo là sao cái xã ấy để con gái ra hết nước ngoài lấy chồng, nhưng nói thật chúng tôi cũng chả biết làm gì hơn. Khi cán bộ đến tuyên truyền thiệt hơn thì có cháu nghe, có cháu bảo là pháp luật không cấm, đó là quyền của các cháu, rồi thì các cháu lấy chồng xuất phát từ tình yêu. Phải nói nhiều hộ gia đình luôn mang suy nghĩ là cho con đi lấy chồng ngoại để được đổi đời nên họ làm mọi cách, thậm chí là ép con, rồi đi vay lãi về để làm các thủ tục xuất ngoại. “Có những bà mẹ tối tối chạy qua nhà nhau thở phào: May quá, cháu nó đã đồng ý sang bên ấy lấy chồng rồi. Cũng có thời điểm người dân trong xã có sự phân hóa rõ rệt giữa những người có con lấy chồng nước ngoài với những người còn lại, họ thường đi thành nhóm riêng, ngại chơi với nhau, nhưng giờ thì không còn chuyện đó nữa” – bà Út chia sẻ.
Không phải tất cả đều màu hồng
Cũng theo thống kê của UBND xã Đại Hợp thì tính đến hết năm 2010 toàn xã có 741 cô gái lấy chồng ngoại, trong đó nhiều nhất là Đài Loan 482 người, Hàn Quốc là 216 người. Đến thời điểm này thì con số này đã lên tới xấp xỉ 900 cô.
Trong số đó, phần nhiều hiện giờ vẫn đang định cư ở nước ngoài và có cuộc sống tương đối khá giả, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp phải trả giá cho những quyết định vội vàng. Ở xã, những cô gái lấy chồng chỉ qua 1-2 lần gặp mặt là chuyện bình thường. Có những đám cưới mà nhà gái thì đông đủ, nhưng nhà trai có đúng chú rể và người môi giới. Thay vì trao của hồi môn, đôi bên gia đình trao dâu gửi rể, dặn dò con cái như những đám cưới bình thường khác, các đám cưới với chồng ngoại ở Đại Hợp có người vẫn nói vui rằng quan trọng nhất là màn chú rể trao… phong bì cho bố mẹ vợ.
Chuyện lấy phải chồng hơn cả vài chục tuổi, thậm chí là chồng bị down, chồng bại liệt, chồng vô công rồi nghề, nát rượu… cũng không hiếm gặp ở Đại Hợp. Chẳng hạn như trường hợp Vũ Thị H, quyết định lấy một anh chồng Hàn Quốc qua môi giới, chỉ sau 1 lần gặp. Ngày cưới, anh chồng cứ ngây ngây ngô ngô, ai hỏi gì cũng không thấy phản ứng, đến trao nhẫn cưới cho vợ cũng phải nhờ người môi giới. Nhiều người đặt nghi ngờ, nhưng người môi giới thì một hai cho rằng do bất đồng ngôn ngữ nên mới vậy. Không ngờ khi sang, H mới biết chồng mình bị down. Quá thất vọng H đã quyết định làm thủ tục li dị. Rất may gia đình nhà chồng cũng tốt bụng nên đã giúp H làm các thủ tục ly hôn nhanh chóng. Giờ đây H cũng đã có hạnh phúc mới với một người đàn ông ngoại quốc khác.
Hay như gia đình bà Nguyễn Thị N, ngày cưới như bao gia đình khác, bà được con rể trao cho phong bì tiền mấy chục triệu với biết bao hy vọng về một cuộc sống sung túc hơn. Ấy nhưng con gái đi lấy chồng cả năm trời không thấy gửi tiền về, có nhiều lần bà đã buông lời trách móc con không có hiếu. Trong một lần sang thăm con, bà mới ngã ngửa, hóa ra cuộc sống ở bên đó không hề sung sướng hơn ở Việt Nam. Con bà phải làm công nhân, mỗi ngày làm việc cả mười mấy tiếng, về đến nhà lại còn phải phục vụ bố mẹ chồng ốm đau và mấy ông anh, em chồng “ế vợ”. Chồng thì quản kinh tế chi li đến từng đồng. Đến bây giờ, vợ chồng bà mới trách mình sao ngày ấy vội vàng để con phải khổ cả đời.
Ở Đại Hợp, đã có không ít cô gái phải trở về làm lại cuộc đời từ những cuộc hôn nhân ngắn ngủi không tình yêu như thế. Có những thôn có cả hơn chục cô gái trở về quê lấy chồng hoặc lấy một người chồng khác ngay tại nước ngoài.
Trai làng bị… ế
Việc một thời gian phụ nữ đổ ra nước ngoài lấy chồng vẫn để lại những hệ lụy đến tận bây giờ. Đã có thời điểm (2006-2007) thống kê cho biết ở Đại Hợp cứ 1 đàn ông lấy vợ cùng xã thì có 2 người phải lấy vợ nơi khác, trong khi đó số phụ nữ lấy chồng ngoại gấp 3 lần phụ nữ lấy chồng trong xã. Không ít đàn ông ở cái tuổi trên dưới 40 nhưng vẫn không lấy được vợ, và việc phải sang các xã, huyện lân cận, thậm chí lấy vợ tận các tỉnh miền núi là việc phổ biến.
Như gia đình ông Nguyễn Văn H (thôn Quần Mục) có đúng một cậu con trai độc đinh, anh cũng yêu sâu đậm một cô gái cùng làng và đã tính đến chuyện cưới xin, đã định ngày dạm hỏi. Ấy mà đùng một cái, trong một lần anh đi biển thì cô người yêu ở nhà đã bất ngờ xuất ngoại lấy chồng Hàn Quốc. Không hiểu có phải vì quá buồn với mối tình dang dở, mà đến tận gần 40 tuổi con trai ông H vẫn không chịu lấy vợ, có lần ông đã lên tận Ủy ban xã để trút nỗi bực dọc. Cán bộ xã dù rất thông cảm với hoàn cảnh nhà ông, nhưng cũng phải giải thích rằng việc các cô gái lấy chồng nước ngoài, xã không có quyền ngăn cấm, vì nó không vi phạm pháp luật.
Anh Cường, một người dân xã Đại Hợp cho biết: “Trước kia chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là giờ chắc phải lên núi lấy vợ, chứ gái làng cứ mở mắt là ra nước ngoài lấy chồng rồi. Thanh niên làng thì vẫn tìm hiểu được phụ nữ ở nơi khác, nhất là các công nhân nữ ở các nhà máy quanh đây, nhưng nói thật chúng tôi đa phần làm nghề biển, ai chả mong lấy vợ gần nhà cho dễ tìm hiểu, chứ xa xôi cũng nhiều chuyện phức tạp lắm…”.
Hết “mơ” chồng ngoại
Bà Bùi Thị Út cho biết, giờ thì trai làng Đại Hợp cũng đã dễ dàng hơn trong việc tìm vợ, bởi vì hiện có rất nhiều công ty được mở ra trên địa bàn xã và các xã lân cận, ở đây có rất nhiều nữ công nhân nên nam thanh niên cũng có nhiều chọn lựa hơn. Thêm vào đó, thời gian gần đây, con gái Đại Hợp cũng không còn ra nước ngoài lấy chồng ồ ạt nữa, mỗi năm chỉ khoảng một vài chục người mà thôi. “Trước đây đa phần kinh tế các hộ đều khó khăn, nên họ nghĩ phải cho con cái lấy chồng nước ngoài mới đổi đời được. Giờ đa phần kinh tế đã ổn định, nên họ cho con đi học hành, cơ hội nghề nghiệp ở địa phương cũng nhiều hơn nên các cháu cũng không còn nuôi nước mơ lấy chồng nước ngoài nữa. Phần nữa là do có rất nhiều cháu lấy chồng nước ngoài không gặp may mắn, bản thân những trường hợp này đã là bài học cho các bạn trẻ và gia đình họ”.
Cũng nhằm hạn chế tình trạng “xuất khẩu cô dâu” ồ ạt, UBND xã Đại Hợp đã liên tục tuyên truyền đến người dân, thậm chí đến tận các em học sinh cấp II, cấp III. Một động thái quyết liệt nữa là vài năm gần đây, Hải Phòng đã kiên quyết không làm thủ tục cho những người lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới cũng làm giảm đáng kể số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài, cụ thể ở Đại Hợp năm 2013 chỉ có 13 trường hợp, năm 2014 có 10 trường hợp. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Út, vẫn có những cô gái kiên quyết tìm con đường đổi đời thông qua lấy chồng ngoại quốc, đã có không ít trường hợp “lách” bằng cách chuyển hộ khẩu đi tỉnh khác để được làm thủ tục lấy chồng ngoại quốc.
Bà Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phụ nữ, một người từng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài ở Đại Hợp, cho biết phụ nữ đổ xô đi lấy chồng nước ngoài là hiện tượng nhiều năm nay ở một số tỉnh và không nên nhìn nhận đây là sự a dua theo phong trào, là “tham vàng bỏ ngãi”, mà cần thấy rằng đó là sự lựa chọn, thay đổi về quan niệm, giá trị về hôn nhân của phụ nữ thời nay. Theo bà Quý, cần tìm giải pháp tổng thể nhiều mặt, cải thiện cuộc sống cho người dân thì mới “giữ chân” họ được.
Không thể chỉ đổ lỗi cho phụ nữ ham tiền mà không nhìn nhận ra những nguyên nhân nội tại từ xã hội và ngay cả nam giới trong nước. Nếu những phụ nữ đó ổn định nghề nghiệp, có kinh tế, tìm được người chồng yêu thương, trân trọng mình thì sẽ chẳng ai muốn bỏ đi xứ người làm gì. Nếu người đàn ông biết nhìn nhận lại hành vi của mình, đối xử có tình, giảm bớt bạo lực, yêu thương vợ con, sẽ nhiều phụ nữ thích xây dựng gia đình tại quê hương.
Theo anningthudo