Cho đến nay nghề tái chế ắc quy thải ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã có hàng trăm trẻ nhỏ và nhiều người lao động bị máu nhiễm chì
Theo thông tin của người dân thôn Đông Mai cho biết, nghề tái chế ắc quy thải ở đây đã có cách đây khoảng 30 năm.
Lúc đầu chỉ có một vài hộ gia đình làm công việc này. Từ khoảng thời gian đầu thập niên 90 do nghề tái chế ắc quy có thu nhập cao nên đã có nhiều hộ tham gia hoạt động chủ yếu trên quy mô gia đình.
Công việc chính của nghề tái chế là thu mua lại các loại bình ắc quy đã bị hỏng không còn hoạt động để lấy chì bán lại cho các doanh nghiệp. Công đoạn tái chế cũng rất đơn giản, chỉ việc tháo hai đầu cực âm và dương để lấy chì. Còn các phần khác như vỏ nước a xít bỏ đi.
Công việc cũng không quá nặng nhọc nhưng vấn đề chủ yếu là chất độc từ a xít, chì của bình ắc quy sau khi tái chế thải ra. Không ít hộ gia đình sau khi làm công việc này đã bị ảnh hưởng tới chính bản thân và người trong nhà.
Trường hợp của gia đình ông L.V.C. (54 tuổi, thôn Đông Mai) là một ví dụ điển hình. Gia đình ông C. bắt đầu làm nghề tái chế ắc quy từ những năm 1990 đến năm 1996 thì phải bỏ nghề. Sở dĩ ông C. quyết định bỏ nghề là do cậu con trai bị máu nhiễm chì.
Ông C. cho biết: “Gia đình làm nghề tái chế ắc quy từ năm 1990. Khoảng 2 năm sau con trai lớn của của chúng tôi bị ốm đau triền miên, cho đi khám ở bệnh viện mới biết cháu bị máu nhiễm chì nặng.
Tôi cũng biết là làm cái nghề này độc hại lắm, lại làm tại nhà nên chính người nhà bị ảnh hưởng. Nhưng vì lúc ấy không có công việc ổn định, hơn nữa công việc này cũng có thu nhập tốt nên cũng không nghĩ xa. Làm thêm được mấy năm thấy nghề này ảnh hưởng đến sức khỏe các con nên tôi cũng quyết định bỏ không làm nữa”.
Cho đến nay anh L.V.V. (SN 1989) con trai ông C. do bị nhiễm chì trong máu, ảnh hưởng từ các thành phần độc hại khác từ chất thải của ắc quy tái chế nên tình hình bệnh tật trở nên xấu đi.
Còn ông C. luôn mang trong mình một sự hối hận vì đã lựa trọn một công việc nguy hại. “Nếu biết về tác hại của chất độc từ ắc quy ghê ghớm thế này thì tôi đã không làm cái công việc này. Cháu lớn nhà tôi suốt bao năm qua ốm đau bệnh tật, chữa trị ở rất nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Hiện cháu vẫn đang phải điều trị ở bệnh viện trên Hà Nội”, ông C. chia sẻ.
Gia đình ông L.V.T ở làng Đông Mai cũng đã từng làm nghề tái chế ắc quy nhiều năm. Đến nay con gái thứ 2 tên L.T.L. (SN 1992) của ông T. cũng mắc phải rất nhiều thứ bệnh mà không thể chữa khỏi.
Ngoài ra cũng theo thông tin của người dân trong thôn, trong nhiều năm trở lại đây có rất nhiều trường hợp trẻ em và người lớn tử vong do bệnh tật.
Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cũng như huyện Văn Lâm đã có những đợt khám và kiểm tra sức khỏe cho người dân địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Đàm – Trưởng thôn Đông Mai cho biết: “Thôn Đông Mai có khoảng hơn 20 hộ làm nghề tái chế ắc quy. Hiện các hộ này đã được gom vào hiệp hội làng nghề không còn làm tại gia đình nữa.
Đợt đầu năm 2016 vừa qua Sở Y tế kết hợp với Bộ Y tế đã về thôn để khám kiểm tra sức khỏe cho trẻ em và lao động trong thôn. Và họ đã phát hiện có trên 200 cháu nhỏ bị máu nhiễm chì”.
Ông Trịnh Văn Hiến, chủ tịch UBND xã cho biết: “Tôi cũng không nắm rõ nghề tái chế ắc quy ở thôn Đông Mai có từ bao giờ, chỉ nghe nói là vài chục năm gì đó.
Nhưng việc tái chế bình ắc quy ở thôn Đông Mai gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏa của người dân. Vì vậy năm 2010 UBND tỉnh đã có kế hoạch quy hoạch làng nghề Đông Mai. Đến năm 2012 bắt đầu đi vào triển khai. Nhưng phải đến cuối năm 2015 mới thực hiện xong. Đến nay các hộ đã được đưa vào hiệp hội làng nghề và công ty TNHH Ngọc Thiên.
Về tình hình sức khỏe của người dân, trong những năm qua, Sở Y tế tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan của Bộ y tế khám và chữa bệnh cho người dân. Đến nay cũng đã có kết quả nhất định. Số lượng trẻ em bị máu nhiễm chì qua thời gian điều trị đến nay đã giảm được 20%, tình hình sức khỏe người dân được cải thiện hơn”.
Theo người đưa tin