Chiến tranh thường xảy ra vì những vấn đề quan trọng như lãnh thổ, tôn giáo hay giành độc lập tự do. Nhưng cũng có những cuộc chiến khởi nguồn từ những lý do kỳ lạ đến nực cười.
1. Cuộc chiến con lợn
Đây là cách gọi khoa trương, có phần giễu nhại về cuộc tranh chấp giữa Anh và Mỹ năm 1859 tại quần đảo San Juan, phần đất nằm giữa lãnh thổ nước Mỹ và đảo Vancouver.
Vào thời điểm đó, quần đảo là nhà của những người Mỹ định cư và các nhân viên người Anh thuộc công ty Vịnh Hudson, cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền với vùng đất màu mỡ này.
Phát đạn đầu tiên và duy nhất của cuộc chiến con lợn được bắn ngày 15/6/1859. Một người nông dân Mỹ tên là Lyman Cutlar đã bắn chết một con lợn đen của cư dân Anh, khi ông phát hiện nó đang đào bới ruộng khoai tây của mình.
Việc con lợn chết làm gia tăng căng thẳng giữa hai cộng đồng người định cư, chính quyền Anh trên đảo San Juan tuyên bố Cutlar phải trả giá cho lỗi lầm của mình.
Sau khi nhận được báo cáo sự việc, quân đội Mỹ đã cử đại úy George Pickett, đến San Juan đồn trú cùng một lực lượng gồm 400 lính Mỹ. Pickett còn thêm dầu vào lửa khi tuyên bố toàn bộ hòn đảo là tài sản của nước Mỹ.
Người Anh sau đó đáp trả bằng việc cử một tàu chiến với 1000 lính sẵn sàng đổ bộ lên đảo. Khả năng chiến tranh đã hiện hữu, tình trạng này kéo dài đến vài tuần lễ.
Cuối cùng cả hai bên đàm phán thành công, chấm dứt đối đầu quân sự, khiến nhiều người thở phào nhẹ nhóm. Vì nếu lính Anh đổ bộ lên đảo, súng chắc chắn sẽ nổ và con người sẽ phải đổ máu vì con lợn.
2. Cuộc bạo loạn Nika
Năm 532 trước Công nguyên, những đám đông đổ ra đường phố Constantinople gây nên một cuộc bạo loạn khủng khiếp, tất cả xuất phát từ cuộc đua xe ngựa.
Khi đó, những cuộc đua ngựa diễn ra phổ biến ở Constantinople và người hâm mộ tự tổ chức thành các hội nhóm thật sự.
Nhưng, những “hooligan” thời này cư xử giống các băng đảng côn đồ hơn là người hâm mộ thể thao, hai nhóm tai tiếng nhất là Blues và Greens.
Xung đột nổ ra vào tháng 1 năm 532, khi Hoàng đế Justinian từ chối thả tự do cho hai thành viên của nhóm Blues và Greens, vốn bị kết án tử hình. Và một lần hiếm hoi, hai nhóm liên kết cùng nổi loạn.
Trong vài ngày, họ đốt cháy nhiều tòa nhà quan trọng của thành phố, đụng độ với lính hoàng gia, thậm chí là cố đưa người khác lên ngôi. Justinian buộc phải giải quyết cuộc bạo loạn bằng vũ lực.
Đầu tiên ông mua chuộc Blues để giành sự hỗ trợ, rồi phát động tấn công tiêu diệt những tên côn đồ còn lại. Sau một tuần giao tranh đẫm máu, cuộc bạo loạn bị dập tắt với khoảng 30.000 người chết.
3. Cuộc chiến từ con chó đi lạc
Đây là một trong những cuộc xung đột kỳ lạ nhất thế kỷ 20, một con chó vô tình gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế. Nguyên nhân sâu xa là tình trạng thù địch giữa Hy Lạp và Bulgaria kể từ chiến tranh Balkan lần hai.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 năm 1925, một người lính Hy Lạp bị bắn, sau khi bị cáo buộc đã vượt biên giới sang Bulgaria trong lúc đuổi theo con chó đi lạc của mình.
Sau đó, binh lính Hy Lạp đã nhanh chóng tập hợp, xâm chiếm Bulgaria và đóng quân ở một số ngôi làng, thậm chí sẵn sàng bắn phá thị trấn Petrich.
Cuối cùng, Hội Quốc Liên phải can thiệp và lên án các cuộc tấn công. Một cuộc đàm phán quốc tế được tổ chức để thỏa thuận ngừng bắn, nhưng trước đó, sự hiểu nhầm này đã khiến 50 người chết.
4. Cuộc chiến cái tai của Jenkin
Năm 1738, một thủy thủ người Anh tên là Robert Jenkins đã cho Quốc hội xem cái tai bị cắt và hoại tử của mình. Anh ta nói rằng đã bị một viên cảnh sát biển Tây Ban Nha cắt tai cách đó 7 năm vì tội buôn lậu.
Trước bằng chứng và câu chuyện đầy hùng hồn đó, người Anh tuyên chiến với Tây Ban Nha, bắt đầu cuộc chiến kỳ lạ về cái tai của Jenkin.
Thực chất, những cuộc đụng độ giữa Anh và Tây Ban Nha đã xuất hiện từ đầu những năm 1700 do tranh chấp lãnh thổ, và cái tai bị cắt của Jenkin chỉ là cái cớ phù hợp để gây chiến.
Chiến tranh bắt đầu cuối năm 1739, kéo dài hai năm bất phân thắng bại ở Floria và Georgia, hai thuộc địa của Tây Ban Nha và Anh ở Bắc Mỹ. Cuộc chiến này sau đó sáp nhập với cuộc chiến kế thừa ngai vàng ở Áo, kết thúc năm 1748.
5. Cuộc chiến bánh ngọt
Năm 1828, đám đông giận dữ đã phá hủy phần lớn thành phố Mexico trong một cuộc đảo chính quân sự. Một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc bạo động là một thợ làm bánh người Pháp Remontel, quán cà phê của ông bị cướp phá.
Bị giới chức Mexico bỏ qua khiếu nại, Remontel quyết định kiến nghị lên chính phủ Pháp để đòi bồi thường. Một thập kỷ sau, yêu cầu của ông mới được vua Louis-Philippe chú ý đến.
Nhà vua tức giận và yêu cầu phải bồi thường cho người thợ làm bánh 600.000 peso. Trước việc Mexico ngần ngại chi khoản tiền hoang đường này, Louis-Philippe bất ngờ tuyên chiến.
Tháng 10/1838, một hạm đội Pháp đã tới Mexico và phong tỏa thành phố Veracruz. Khi những người Mexico vẫn từ chối trả tiền, các tàu chiến bắt đầu bắn phá thành San Juan de Ulua.
Một vài trận đánh nhỏ diễn ra sau đó, đến tháng 12 năm đó có khoảng 250 binh lính tử trận. Danh tướng Santa Anna còn quyết định thôi nghỉ hưu, trở lại chiến trường, dẫn dắt quân đội Mexico chống Pháp.
Cuộc chiến chỉ kết thúc vào tháng 3/1839, khi Anh đứng ra làm trung gian thỏa thuận hòa bình. Theo một phần hiệp ước, Mexico buộc phải bồi thường 600.000 peso, một khoản tiền lớn đối với một cửa hàng bánh ngọt thời đó.