Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ, Tết mà bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu.
Bây giờ, người ta không chỉ ăn tết mà còn chơi tết.
Chơi tết là …đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái. Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già.
Vì thế, có không ít cụ già rất sợ Tết đến. Bởi cái Tết không còn vui nữa. Nó lạnh lẽo và hiu hắt lắm. Một năm chỉ có 365 ngày. Trong đó có đến 360 ngày bận mọn, tất tả. Con cháu đi làm ăn xa. Chỉ có 5 ngày Tết là chúng về. Chúng về, mới hy vọng được gặp cháu con. Gặp cháu con là đoàn tụ đại gia đình. Người già sống vì con, vì cháu.
Với người già, ngắm cháu con ríu rít sum vầy vui lắm. Vui vì thấy được chính mình. Thấy tuổi thơ mình trong cháu. Thấy thời trẻ mình qua con. Nhìn gương mặt con cháu, thấy thấp thoáng hình bóng của mình và đâu phải chỉ có hình bóng của mình, còn thấy thấp thoáng cả gương mặt của bố mẹ, của ông bà, tiên tổ xưa. Hóa ra ông bà, tổ tiên đâu có xa.
Ông bà, tổ tiên vẫn luôn hiện hữu ở trong mình, ở con cháu mình. Không cần phải thử ADN đâu, chỉ nhìn qua vóc dáng bên ngoài, ta cũng đã thấy.
Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất.
Mùa xuân do con người làm ra. Nó rực rỡ, vui tươi và ấm áp hơn rất nhiều cái mùa xuân bàng bạc, dửng dưng đến theo quy luật tự nhiên của trời đất.
Cho nên, không ngoa khi nói rằng, Tết – thay vì về nhà sum họp – lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu.
Vậy mà bây giờ, trong đời sống hiện đại, không ít người già đã bị con cháu lãng quên. Hoặc có nhớ, thì chúng nhớ cũng như quên. Bởi chúng chỉ ghé qua bố mẹ, ghé qua ông bà.
Chúng thăm chớp nhoáng như một cách thực thi nghĩa vụ. Rồi thay cho việc chung vui Tết với bố mẹ, ông bà, chúng dúi cho ông bà, bố mẹ một cục tiền. Rồi chúng còn sắm cho các cụ cả một cái “a lô”. “A lô” đủ chủng loại. Cái để bàn. Cái di động. Lúc nào nhớ con, muốn gặp cháu con thì cứ “A lô”.
Nhưng người già đâu có thích cái trò chơi trẻ ranh “A lố a lồ” ấy. Với người già, một đống tiền cũng chỉ là mớ giấy lộn. Có ăn tiêu gì được nữa đâu. Điện thoại thì chả khác gì cái ống nhổ. Trò chuyện với cháu con mà cứ phải dí mồm vào cái ống nhổ thì còn gì là lý thú.
Thêm nữa, nói chuyện với chúng mà chẳng nhìn thấy mặt mũi chúng, chỉ nghe tiếng nói thèo thèo bên tai. Thế có khác gì nói chuyện với ma. Nghe cứ rợn cả người. Mình chưa chết, chưa thành ma, mà đã phải sống với ma rồi. Ghê chết đi được!
Người già như ngọn đèn dầu trước gió. Chẳng biết tắt lúc nào. Tết này còn ông bà, bố mẹ. Tết sau có khi bố mẹ, ông bà chỉ còn là nỗi nhớ thương thôi. Lúc ấy, ta có muốn về với bố mẹ, về với ông bà cũng không còn cơ hội nữa.
Dù có đổi đến cả một núi vàng, hay vượt qua cả vạn dặm đường bay cũng không có được một phút giây đoàn tụ với ông bà, bố mẹ.
Hạnh phúc nhất là những ai Tết này vẫn còn bố mẹ, ông bà.
Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ta có thể sà vào lòng ông bà như đứa trẻ: “Ôi! Cháu hạnh phúc quá!”, hoặc reo lên: “Mẹ ơi! Con đã về rồi đây nè! Con thương mẹ lắm! Mẹ có biết là con rất thương mẹ không?!”….
Người già là tương lai của ta. Ai rồi cũng sẽ đến lúc già. Trong bài thơ “Trái đất quay”, tôi cũng viết:
Cái đến thì sẽ đến
Cái qua thì phải qua
Chẳng cần chi phấn đấu
Ta cũng thành …cụ già
Ông Lép Tônxtoi có một cái chuyện ngắn rất hay. Cái truyện chỉ có vài chục chữ. Nhà có ba thế hệ. Người ông đã già. Tay run. Ngay việc ăn, uống cũng đã vất vả. Nhiều lần ông làm vỡ bát. Bởi thế, bố phải kiếm cho ông cái bát gỗ. Bát gỗ thì khó mà vỡ được.
Thế rồi buổi trưa, người bố trở về, thấy cậu con trai chừng 7 tuổi đang hí hoáy đục đẽo. “Con làm gì thế?”. “Con làm bát cho bố!”. Đúng là cậu bé đang làm một món quà tặng bố. Cậu cũng muốn bố có cái bát gỗ. Nhưng cậu không biết làm, nên cái bát cậu dành cho bố y hệt cái máng lợn. Đúng là cái máng lợn!
Vậy đấy. Ta đối xử với ông bà, bố mẹ thế nào thì con cháu cũng lại đối xử với ta như vậy. Bạc ác, bất nhẫn với quá khứ, thì đừng bao giờ hy vọng có được sự tốt lành ở phía tương lai. Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới bảo: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Theo WTT
Xem thêm: Tâm thư gửi mẹ của sinh viên trường Mỏ.