Nghe thật hy hữu, nhưng có bao giờ mọi người nghĩ đến trường hợp xấu ấy chưa. Bạn đường đường chính chính gửi tiền Ngân hàng nhưng bỗng một ngày bản thân phải nằm viện và cần 1 khoản tiền lớn, còn chồng /vợ của bạn thì không được phép rút tiền vì bạn đứng tên. Chính vì lẽ đó, ai đi gửi tiền tiết kiệm cũng nên nhớ những điều này nha.
Bàn về vụ này, gần đây có 1 vụ được lên báo:
Trong thời gian gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, vợ ông Minh bị đột quỵ, và khi ông đến rút tiền ra để trang trải thì không được vì nhà băng yêu cầu phải có sự đồng ý của người giám sát người giám hộ.
Cả hai sổ tiết kiệm này đều đứng tên vợ ông. Tuy nhiên, ngày 1/5/2016, vợ ông Minh bị đột quỵ phải chuyển lên TP HCM cấp cứu. Sau khoảng một tháng, vợ ông đã qua cơn nguy kịch và được chuyển sang bệnh viện khác điều trị tiếp. Tuy nhiên khi ông đến ngân hàng để rút tiền thì không được, thủ tục rất lằng nhằng và sau khi bổ sung ông cũng không được phép rút tiền.
Để tránh tình huống kia, mọi người nên:
1. Chọn hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu:
Đây là hình thức 2 người cùng đứng tên 1 sổ tiết kiệm. Hầu như ngân hàng nào cũng có loại hình này. Nhưng mỗi ngân hàng mỗi quy định khác nhau nên 2 vợ chồng nên tham khảo kỹ trước khi mở sổ.
Với hình thức này, nếu lỡ 1 trong 2 không thể rút tiền thì người còn lại cũng có thể dễ dàng được rút, thủ tục cũng dể và không làm khó chúng ta.
Mình nghĩ cách này hay vì là vợ chồng rồi thì hẳn 2 người cũng tin tưởng nhau mà.
2. Thực hiện uỷ quyền cho người khác trong việc rút tiền gửi tại ngân hàng:
Ngay sau khi gửi tiền, mọi người có thể làm ngay 1 tờ giấy uỷ quyền. Nếu có sự chứng kiến của ngân hàng thì không phải đi công chứng và ngược lại.
Hình thức này nói rõ hơn, vợ sau khi mở sổ tiết kiệm có thể làm thêm 1 tờ giấy uỷ quyền để chồng và con trai sau này có thể đi rút tiền tiết kiệm.
Mọi người có thể hỏi thêm thông tin phía Ngân hàng để rõ hơn.
3. Trường hợp không thực hiện cả 2 bước trên nhưng người đứng tên bị mất năng lực hành vi dân sự:
Chồng làm đơn yêu cầu đến Toà án để ra quyết định tuyên bố người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có quyết định của Toà án và người chồng hội đủ điều kiện quy định thì sẽ là giám hộ đương nhiên của vợ.
Sau đó, người chồng đem các hoá đơn viện phí và các hoá đơn khác có liên quan đến việc chữa bệnh cho người vợ đến ngân hàng để yêu cầu nhà băng thực hiện việc rút tiền từ tài khoản của vợ cho người chồng nhằm thực hiện việc chữa bệnh cho người vợ, mà không cần phải thông qua người giám sát của người giám hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 về Quản lý tài sản của người được giám hộ trong Bộ luật dân sự 2005.
Trong trường hợp ngân hàng yêu cầu người chồng phải có người giám sát của người giám hộ thì người chồng cần chứng minh là số tiền rút ra không phải là số tiền lớn theo quy định của Khoản 2 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005. Nếu chứng minh được số tiền rút ra để chữa bệnh cho người vợ là số tiền nhỏ thì thủ tục rút tiền sẽ không cần người giám sát của người giám hộ, mà chỉ cần có quyết định tuyên bố của Toà về việc mất năng lực hành vi dân sự của người vợ và các giấy tờ chứng minh việc sử dụng tiền vào mục đích chữa bệnh cho người vợ.
Trong trường hợp ngân hàng nơi người vợ gửi tiền không thực hiện theo yêu cầu của người chồng khi người này đã đủ các điều kiện trên, thì người chồng có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp hoặc gửi đơn kiện lên toà án có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại chương 23 và 24 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn giải quyết của Toà để ra tuyên bố về việc người vợ mất năng lực hành vi dân sự là khoảng 1-2 tháng nếu người chồng cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật.
Theo Vnxpress
Xem thêm: Khách thắc mắc vì hát karaoke tốn hơn 16 triệu, chủ quán gọi công an đến tính dùm