Cách đây 95 triệu năm, dương vật nam giới cũng có xương như những loài có vú khác nhưng rồi tới cách đây 50 triệu năm, bằng việc theo đuổi chế độ 1 chồng 1 vợ, chiếc xương đó đã không còn cần thiết nữa nên đã dần bị đào thải theo tiến hóa để rồi như ngày nay, dương vật không hề còn xương. Đó chính là kết luận trong nghiên cứu vừa công bố bởi các nhà khoa học Anh, đưa ra lời giải cho tranh luận hàng chục năm qua xoay quanh câu hỏi tại sao loài người không có xương dương vật trong khi phần lớn loài khác đều có.
Xương dương vật được diễn tả là “đa dạng nhất trong các loại xương” bởi hình dáng, độ dài, kích thước là khác nhau ở nhiều loại động vật có vú, nhưng tuyệt nhiên trừ con người. Xương dương vật được các nhà khoa học gọi là baculum và nó xuất hiện ở mèo, chó, chuột, gấu và cả “bà con gần” với chúng ta là tinh tinh hoặc khỉ đột. Tuy nhiên con người đã tiến hóa tới mức không còn xương dương vật. Tại sao?
Vấn đề tại sao con người không có xương dương vật đã được các nhà khoa học mang ra tranh luận trong nhiều thập niên qua và mới đây, một nghiên cứu vừa công bố bởi hiệp hội khoa học hoàng gia đã lý giải tại sao con người không còn xương dương vật: bởi con người theo chế độ 1 vợ 1 chồng. Các nhà nhân loại sinh vật học tại Đại học London đã truy tìm dấu vết của xương dương vật trong suốt lịch sử 145 triệu năm và phát hiện rằng nó có khả năng “dài hơn đáng kể” ở những loài linh trưởng hoặc ăn thịt có quan hệ tình dục theo kiểu intromission (đưa dương vật vào âm đạo).
Nói một cách đơn giản, intromission là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ sự xâm nhập vào âm đạo. Nghiên cứu lần này cho rằng “việc kéo dài kích thước của xương dương vật trong quá trình tiến hóa ở động vật có vú có thể được thúc đẩy bởi khả năng kéo dài thời gian quan hệ”. Từ kéo dài ở đây được dùng để chỉ khoảng thời gian từ 3 phút trở lên. Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng ở những loài có vú, đặc biệt là linh trưởng, thì loài nào theo đuổi chế độ nhiều bạn tình (giao phối nhiều đực nhiều cái) thì phải đối mặt với “sự tranh giành trong giao phối”,
Bởi thế, con linh trưởng đực cần phải đảm bảo việc thụ tinh thành công cho con cái bằng cách dùng áp lực nhiều hơn, từ đó cần phải có xương nơi cơ quan sinh dục đực. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhờ vào việc kéo dài thời gian quan hệ, chúng sẽ tăng cường tỷ lệ duy trì nòi giống thay vì bị đánh bại bởi những đối thủ cạnh tranh khác. Trên thực tế, chiếc xương sẽ hoạt động như một cấu trúc hỗ trợ trong dương vật, bảo vệ niệu đạo và ngăn ngăn chặn sự co thắt.
Theo tác giả nghiên cứu thì khoảng 1,9 triệu năm trước, người đứng thẳng (Homo erectus) đã bắt đầu theo đuổi việc 1 bạn tình (monogamous) và khi chỉ có 2 người với nhau, nhu cầu bảo vệ dương vật bằng xương cũng không còn nữa. Theo Christopher Opie, người dẫn đầu nghiên cứu thì: “Xương dương vật của con người sẽ biến mất do sự thay đổi hệ thống liên kết bạn tình.”
Một nhà nghiên cứu khác khẳng định: “Thời gian từ lúc thâm nhập cho tới khi xuất tinh ở nam giới trung bình vào khoảng 2 phút. Người nam thường có số lượng đối thủ cạnh tranh rất hạn chế còn nữ thì chỉ quan hệ với 1 bạn tình tại 1 thời điểm. Có lẽ việc thay đổi chế độ bạn tình, cộng với thời gian quan hệ nhanh chính là lý do chiếc xương dương vật đã biến mất theo thời gian.”
Nguồn: Tinh Tế