Các chuyên gia đang cho rằng sao Diêm Vương có khả năng nuôi dưỡng sự sống, dựa trên một số bằng chứng mới tìm ra.
Theo một nghiên cứu mới đây, thì trên sao Diêm Vương (Pluto) – hành tinh lùn của Thái dương hệ – có một đại dương ngầm. Đại dương này nằm ngay bên dưới vùng đồng bằng hình trái tim của hành tinh (nơi được mang tên Sputnik Planitia). Và nay, người ta cho rằng đại dương này có khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Cụ thể, nghiên cứu do các chuyên gia thuộc ĐH Washington (Mỹ) thực hiện, dựa trên các số liệu từ tàu thăm dò New Horizons vào tháng 7/2015 – thời điểm con tàu này tiếp cận Pluto.
Nghiên cứu lần này chỉ ra rằng đại dương ngầm trên Diêm Vương tinh thực chất không phải là nước, mà là hỗn hợp lỏng có thành phần chính là ammonia.
“New Horizons đã xác nhận có ammonia trên Charon – vệ tinh lớn nhất của Pluto – và một vài vệ trinh khác. Vậy nên khả năng lớn là bên trong Pluto cũng có chất này” – William McKinnon, giáo sư đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Với khoảng cách của Pluto so với Mặt trời, giáo sư cho rằng đại dương này sẽ cực kỳ lạnh và cực kỳ độc nữa. Nó sẽ rất mặn và có dạng giống như si-rô hơn. “Đây không phải là nơi phù hợp để vi khuẩn hay bất kỳ dạng sống nào có thể tồn tại” – giáo sư bổ sung.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến một biển methane trên vệ tinh lớn nhất của sao Thổ – Titan – giáo sư đang đặt câu hỏi về việc sự sống có khả năng tồn tại ở những nơi cực kỳ khắc nghiệt như vậy.
Dành cho những ai chưa biết, mặt trăng Titan của sao Thổ vốn cực kỳ lạnh, khoảng âm 179 độ C. Nhưng rồi, người ta phát hiện ra trên đó có chứa methane và ethane dạng lỏng – nhưng chất hữu cơ chỉ có thể xuất hiện do sự tồn tại của sinh vật sống. Đến nay, kết luận về sinh vật trên Titan vẫn chưa sáng tỏ, nhiều ý kiến cho rằng 2 chất kia có thể thay thế nước, nuôi dưỡng sự sống khác biệt hoàn toàn so với Trái đất.
Và nay, câu hỏi tương tự được đặt ra với Pluto. “Với biển methane tìm thấy trên Titan, câu hỏi đặt ra là liệu có dạng sống nào có thể tồn tại trong môi trường cực độc và cực lạnh kia không” – giáo sư McKinnon trả lời.
Theo giáo sư: “Sự sống có thể tồn tại ở những nơi kỳ lạ: môi trường cực mặn, cực lạnh, cực nóng… nhưng tôi không nghĩ có sự sống nào chịu được một khối lượng lớn ammonia như trên Pluto. Bởi vì để các đại dương ngầm ở đây không đóng băng, lượng ammonia (đóng vai trò là chất chống đông) phải cực kỳ khổng lồ”.
Thế nhưng, trên Trái đất, rất nhiều vi khuẩn trong đất đã chuyển nitrogen thành ammonia để đảm bảo cho quá trình tổng hợp protein và sự phát triển của ADN. Vậy nên, giáo sư chia sẻ: “Nếu có sự sống tồn tại trong một đại dương độc hại và được bao phủ bởi băng đá, đó phải là dạng sống cực kỳ cơ bản và nguyên thủy. Thậm chí là cùng loại với tiền tế bào – dạng sống đầu tiên xuất hiện trên Trái đất”.
Nhìn chung, sao Diêm Vương có sự sống hay không sẽ cần được làm rõ trong các nghiên cứu sau này. Chỉ biết rằng, con người vẫn cứ tiếp tục hy vọng vào một địa điểm có khả năng trở thành căn cứ mới cho nhân loại, trong đó nổi bật nhất hiện nay vẫn đang là sao Hỏa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Theo Trí thức trẻ