Quầy hàng quần áo miễn phí cho người nghèo được bày tại đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình, Hà Nội) giúp san sẻ nỗi khó khăn của những người lao động khốn khó.
San sẻ khó khăn với người nghèo
Hai ngày gần đây, tủ quần áo miễn phí cho người nghèo của chị Hoàng Thị Xuân (SN 1990) cùng nhóm bạn triển khai tại số 97 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) luôn có người lui đến cho và nhận đồ.
Với khẩu hiệu “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy” đã giúp cho những người có tấm lòng thơm thảo và những hoàn cảnh khó khăn gặp nhau. Họ cùng nhau san sẻ, vượt qua nỗi lo toan trong cuộc sống.
Đây cũng là cầu nối để cho mọi người cùng giúp đỡ các hoàn cảnh khốn khổ, để ngày qua ngày những yêu thương lại tiếp tục được đong đầy.
Nói về ý tưởng hình thành tủ quần áo miễn phí trên đường Nguyễn Chí Thanh, chị Hoàng Thị Xuân cho biết, chị cùng nhóm bạn luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, mang những bộ quần áo đến với bà con vùng sâu vùng xa để chia sẻ những khó khăn với đồng bào miền núi.
Trong những lần như thế, nhóm chị gom được rất nhiều đồ, toàn quần áo lành lặn. Sau đó, mọi người đem giặt sạch, rồi ủi cho phẳng phiu, gấp gọn để khi nào có dịp là đi từ thiện.
Qua tivi, báo mạng, chị Xuân và mọi người trong nhóm thấy ở Sài Sòn họ sử dụng tủ quần áo mini để làm từ thiện cho người nghèo nên cũng nảy ra ý định làm tủ quần áo miễn phí ở Hà Nội.
“Tôi cùng các bạn thấy ở Hà Nội cũng có nhiều hoàn cảnh, mùa đông thiếu áo mặc nên mọi người đã nảy ra ý định thành lập tủ quần áo để cung cấp cho những người khó khăn, thiếu thốn”, chị Xuân tâm sự.
Cũng theo chị Xuân, để thực hiện ý tưởng đó, chị cùng nhóm bạn đã mua tôn, ốc vít và vật dụng để đóng thành chiếc tủ. Chi phí mua đồ và tiền công vận chuyển mất khoảng 2.500.000 đồng.
Sau đó, chị cùng mọi người trong nhóm làm khẩu hiệu, quy định… rồi lên mạng xã hội chia sẻ ý tưởng để mọi người biết đến nhận và ủng hộ.
“Hầu hết mọi người trong nhóm đều là các bạn trẻ và đã đi làm nên chỉ tranh thủ lúc buổi chiều đi làm về mọi người đến lấy quần áo từ nhà hảo tâm. Sau đó, về phân loại cái nào tốt, đẹp thì mang giặt rồi gấp gọn cho vào tủ để người nào cần đến lấy”, chị Xuân cho biết.
Tình thương lan tỏa, hạnh phúc nhân lên
Để cho công bằng, nhóm chị Xuân quy định mỗi người chỉ được nhận tối đa 2 bộ quần áo. Cái nào lấy ra xem, không vừa mọi người gấp gọn để vào chỗ cũ cho những người đến sau.
“Tuy là đồ cũ, nhưng chúng tôi luôn sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ để thể hiện sự tôn trọng những người đến lấy”- chị Xuân chia sẻ.
Ý tưởng trên của nhóm chị Xuân được rất nhiều người đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, là trên mạng xã hội, trong đó có nhóm Otofun.
Chia sẻ về điều này chị Xuân cho biết: “Tôi cũng là một trong những thành viên của Otofun. Tôi thấy trên này có rất nhiều những chương trình tình nguyện, kêu gọi ủng hộ, mọi người làm rất tốt. Đây là những hoạt động từ thiện rất lành mạnh và tôi cũng học tập theo tinh thần của hội”.
Bà Đồng Thị Gấm (ở quê lên Hà Nội làm thuê) đang lựa những món đồ phù hợp với mình tại tủ quần áo miễn phí xúc động chia sẻ: “Tuy là đồ cũ nhưng chúng vẫn lành lặn và có cái rất mới lại để trong tủ nhìn sạch sẽ nên tôi ghé vào chọn. Thật sự, tôi rất cảm động người đã nảy ra ý tưởng này để những người nghèo như chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn”.
Mỗi người đến quầy hàng chọn đồ mang theo mỗi câu chuyện khác nhau. Không chỉ bà Gấm mà rất nhiều người cũng cảm thấy vui vẻ, ấm áp.
Để đảm bảo quần áo sạch sẽ, gọn gàng và đặc biệt là chiếc tủ không bị mất trộm, nhóm chị Xuân đã mua một dây xích, ổ khóa rồi gửi hàng xóm ngay cạnh đóng mở mỗi ngày.
Chị Hà (chủ cửa hàng quần áo ngay cạnh) cho biết: “Tôi được nhóm bạn trên nhờ giữ chìa khóa hộ, hàng ngày 7h tôi mở tủ và 9h tôi khóa tủ. Tuy mới mở hai ngày những từ qua đến nay rất nhiều người qua chọn quần áo”.
Được biết, nhóm chị Xuân không chỉ làm tủ quần áo miễn phí ở Nguyễn Chí Thanh mà ở trên phố Quán Sứ cũng được nhóm chị thực hiện ý tưởng này cách đây một tuần.
Dừng lại ở quầy hàng miễn phí trên đường Nguyễn Chí Thanh, tôi vẫn không tin rằng nó tồn tại. Bởi theo tôi nghĩ, ở cuộc sống bon chen mà vẫn còn những niềm vui bất ngờ cho người nghèo như vậy thì thật hiếm.
Đây là một nghĩa cử cao đẹp, mỗi ngày nhiều món hàng trên quầy vơi đi đồng nghĩa rằng tình thương đang được lan toả, hạnh phúc được nhân lên.
Theo Đời Sống Việt Nam