Ai bảo kiếp trước bố mắc nợ “tình nhân” quá nhiều để rồi kiếp này phải trả cho bằng hết?
Quan niệm mẹ chăm con “xịn” hơn bố có lẽ không còn phù hợp với xã hội ngày nay, khi càng ngày, các ông bố trẻ với tư tưởng hiện đại, sẵn sàng chia sẻ việc nhà và con cái với vợ mình, càng “lên tay” trong chuyện chăm sóc con nhỏ. Hay tại vì kiếp trước các ông bố đã trót “nợ ân tình” của “tình nhân” quá nhiều, để rồi giờ đây phải dành hết phần đời của mình để bù đắp?
Đôi bàn tay của bố thì tất nhiên không mềm mại, nhỏ nhắn như bàn tay mẹ rồi, nhưng đôi bàn tay ấy vẫn cầm chiếc bấm móng tay nhỏ xíu cặm cụi chăm chút từng chiếc móng chân bé xíu của “tình nhân nhỏ bé”. Chưa hết nhé, đôi bàn tay ấy lại còn nhẹ nhàng tắm cho con, như sợ rằng bàn tay thô ráp của mình có thể làm tổn thương làn da mỏng manh ấy bất cứ lúc nào. Ừ thì bố lúc nào cũng vậy, có con gái thì nâng niu như báu vật, cứ sợ rằng sơ hở một tí thì xã hội ngoài kia sẽ có người cướp mất con, hoặc tệ hơn là làm vỡ báu vật mỏng manh của bố.
“Trăm hay không bằng tay quen” – có ông bố nào mới làm bố lần đầu mà đã thuần thục đâu? Cũng phải qua hàng chục (có khi đến hàng trăm) lần lóng ngóng không biết đóng bỉm cho con thế nào, pha sữa canh liều lượng bột với nước ra sao, “vật lộn” với chiếc bấm móng tay nhỏ xíu cứ chực chờ trượt khỏi đôi bàn tay “quá khổ” lại không mấy khéo léo của mình, thì những ông bố trẻ mới được… “cấp tạm bằng Cử Nhân Làm Cha”.
Nói vui là thế, chứ bố có mong gì bằng cấp hay một ai đó chứng nhận kĩ năng chăm trẻ thuần thục! Vì bố làm tất cả những điều ấy với tất cả tình yêu thương, tất cả sự tập trung và quan tâm trên đời này, chỉ để “tình nhân nhỏ bé” của bố được sạch sẽ, khỏe mạnh và xinh đẹp nhất có thể.
Vẫn đôi bàn tay thô kệch ấy, bố dìu dắt, nâng đỡ con gái từng bước nhỏ cho đến khi con ngày một cứng cáp hơn. Dẫu đôi tay ấy không thể mềm mại hơn, ngược lại còn có phần thô ráp hơn mỗi ngày vì tảo tần sương gió, nhưng với tình yêu thương, đôi bàn tay ấy khi thì ân cần, ấm áp không thua gì bàn tay mẹ, khi thì vững chãi, cứng cáp để bảo vệ con trước bao sóng gió.
… Rồi một ngày nào đó “tình nhân nhỏ bé” cũng phải đến lúc bước ra đời…
Dấu mốc đầu tiên là xa nhà để chinh phục hành trình tri thức và bắt đầu những bài học làm người không một trường lớp nào có thể dạy được. Ở ngưỡng cửa đầu tiên của sự trưởng thành, vẫn có bàn tay bố nâng đỡ con, quạt cho con chợp mắt một chút trước khi vào ca thi thứ hai. Đâu đó, trên từng chặng đường của con, dẫu không còn đôi tay bố dẫn dắt, chở che nữa, nhưng lòng bố vẫn luôn hướng về con. Bởi với bố, con gái mãi là “tình nhân nhỏ bé” có bao giờ lớn đâu…
Thật may mắn cho những cô gái nhỏ nào được đôi bàn tay thô kệch của bố dắt dìu qua những cột mốc quan trọng của cuộc đời, và biết rằng đằng sau mình luôn có một cái bóng lớn lao, âm thầm theo dõi, không bao giờ thôi lo lắng và thương yêu…
Theo TTVH