Với 79,31% số phiếu tán thành, chiều 11/11, Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Theo Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước vừa được thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách là 1,2 triệu tỷ đồng, tổng số chi 1,3 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Tăng lương cơ sở 7% từ 1/7/2017
Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ 1/7/2017.
Nghị quyết nêu rõ, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đồng thời hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Quốc hội đồng ý từ năm 2017 nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ôtô, phí đảm bảo hàng hải dùng để duy tu bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải.
Chính phủ điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương. Từ năm 2018 xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định.
Quốc hội cũng giao Chính phủ thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí được chia từ Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2017. Số tiền còn lại 28% đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Năm 2017, Quốc hội đồng ý phát hành 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nghị quyết cũng nêu rõ bảo đảm tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ. Mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách, cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ, quản lý rủi ro và phát triển thị trường trái phiếu.
Hạn chế đi nước ngoài công tác và mua sắm ôtô
Trong Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi.
Cụ thể, Chính phủ tiết kiệm, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Chính phủ hướng dẫn các địa phương đưa nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối thu ngân sách và sử dụng đầu tư phát triển. Trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế.
Thực hiện phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Từ năm 2017, Chính phủ chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí chi trả nợ lãi và nợ gốc theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Nguồn: Web trẻ thơ